Tiết kiệm điện: Tinh thần của Chỉ thị 20
Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực. Nhu cầu sử dụng điện dự kiến tăng từ 7-10% mỗi năm cho tới năm 2030.. Để đảm bảo đủ nguồn điện, bảo toàn và tiết kiệm năng lượng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cần có những biện pháp thiết thực và hiệu quả. Đây cũng là một nội dung đã được khẳng định trong Nghị quyết số 55-NQ/TW do Bộ Chính trị ban hành về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết khẳng định: Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội.
Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Vụ TKNL&PTBV)- Bộ Công Thương, cho biết, trong những năm vừa qua, từ chủ trương đúng đắn và hành động quyết liệt của Chính phủ cũng như hưởng ứng tích cực của người dân, Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006-2015 (Chương trình VNEEP) đã đạt được những kết quả rất tích cực. Cả nước đã tiết kiệm được trên 9 tỷ kWh, tương đương 15.000 tỷ đồng, với mức tiết kiệm bình quân đạt 1,5% tổng điện năng tiêu thụ hằng năm. Tiếp nối thành công của Chương trình VNEEP, ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 (VNEEP3), hướng tới triển khai đồng bộ các hoạt động trong thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Ngày 7 tháng 5 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 -2025. Trong đó yêu cầu cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ. Tại Chỉ thị 20, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể-xã hội thực hiện 5 giải pháp: tiết kiệm điện tại cơ quan, công sở; tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng, chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời; tiết kiệm điện tại các hộ gia đình; tiết kiệm điện tại các cơ sở kinh doanh thương mại và dịch vụ; tiết kiệm điện tại doanh nghiệp sản xuất.
Đây là bước tiến quan trọng để tiếp tục đẩy mạnh việc cải thiện chất lượng sử dụng điện, coi tiết kiệm điện là một trong các giải pháp then chốt để giảm thiểu nguy cơ thiếu điện trong giai đoạn 2020 - 2025.
Hành trình thú vị
Cuối năm 2020, từ một sáng kiến chung giữa Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Ngân hàng Thế giới (WB), “Cuộc thi sáng tác logo và slogan về tiết kiệm điện” được phát động. Cuộc thi nhằm mục đích lựa chọn được biểu tượng và khẩu hiệu thể hiện tầm quan trọng của việc thực hiện tiết kiệm điện đối với phát triển kinh - tế xã hội của đất nước.
Ban giám khảo lựa chọn tác phẩm vòng sơ khảo. |
Cuộc thi có chủ đề "chung tay thực hiện tiết kiệm điện vì sự phát triển bền vững”. Với chủ đề này, Ban tổ chức mong muốn đưa tới cộng đồng một thông điệp gần gũi, dễ hiểu, từ đó dễ lan tỏa và thẩm thấu.
Cuộc thi diễn ra từ trung tuần tháng 10 và kết thúc thời gian nhận tác phẩm tham dự vào đầu tháng 12/2020. Trong hơn một tháng phát động, Cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ đông đảo các nhà thiết kế chuyên và không chuyên trong và ngoài nước. Theo thống kê từ Ban tổ chức, số lượng tác phẩm được gửi về là 699 tác phẩm từ 408 tác giả là các chuyên gia thiết kế, kiến trúc sư, họa sĩ, đơn vị thiết kế, sinh viên các trường thiết kế đồ họa, mỹ thuật, các cá nhân ở nhiều độ tuổi khắp 3 miền Bắc – Trung – Nam. Trong đó, ngoài những tác giả ở các thành phố như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ… nhiều tác giả ở các địa phương như Đắk Lắk, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Hà Giang cũng gửi tác phẩm tham gia. Đặc biệt, Cuộc thi còn thu hút sự tham gia của các tác giả không chuyên, người Việt đang sinh sống, làm việc tại nước ngoài, các em học sinh.
Họa sỹ, PGS. Nguyễn Thị Lan Hương, Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, thành viên Ban giám khảo chia sẻ: “Chất lượng tác phẩm dự thi đồng đều. Trong đó có những tác phẩm có ý tưởng độc đáo, hình thức thể hiện thú vị. Một cặp logo - slogan thu hút, chuyên nghiệp phải thỏa mãn cả về thị giác và tính nhất quán giữa các yếu tố”.
Để lựa chọn ra 23 tác phẩm xuất sắc nhất theo tiêu chí của Cuộc thi, Ban tổ chức đã làm việc vất vả qua 02 vòng chấm sơ khảo và chung khảo.
Ngoài đánh giá từ giới chuyên môn, tính mới mẻ, cởi mở của Cuộc thi còn thể hiện ở việc tổ chức bình chọn online qua hệ thống fanpage. Đây là cơ hội để các tác phẩm tiếp cận đông đảo đối tượng, đồng thời cũng là cách thăm dò phản ứng của cộng đồng.
Trong thời gian diễn ra cuộc thi, hơn 200 tin, bài về cuộc thi đã được đăng tải trên các kênh mạng xã hội và cơ quan báo chí; trên 73.000 lượt tiếp cận fanpage. Chia sẻ về điều này, ông Trịnh Quốc Vũ cho biết: “Trong hơn một tháng phát động, tương tác với cộng đồng thông qua các kênh truyền thông của Chương trình rất tích cực. Điều này khẳng định được sức lan tỏa mạnh mẽ của Cuộc thi và tinh thần tiết kiệm điện trong cộng đồng”.
Sự cộng hưởng từ cuộc thi
Thầy Vương Quốc Chính, Phó trưởng bộ môn đồ họa, Trường Đại học Mở Hà Nội, đơn vị có nhiều tác phẩm tham dự nhất chia sẻ “Đây là một cơ hội tốt để cho các bạn sinh viên cọ sát và học hỏi, nâng cao tư duy và kỹ năng sáng tạo”. Theo thầy Chính, “chủ đề tiết kiệm điện có tính phổ quát, gần gũi với đời sống nhưng cũng không dễ khai thác. Vì vậy để cho ra một sáng tạo mới mẻ, hấp dẫn nhưng vẫn bám sát đề tài đòi hỏi các bạn trẻ phải có một góc nhìn khác. Thông qua đây, các bạn sinh viên cũng có cơ hội hiểu hơn về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”.
Nhà báo Nguyễn Duy Thành, một tác giả tham dự cho biết: “Là người làm truyền thông và theo dõi chương trình VNEEP từ khoảng năm 2006 đến giờ, tôi đánh giá cao tính thiết thực và chất lượng truyền thông của chương trình. Có thể nói đây là một trong những Chương trình quốc gia có chiến lược truyền thông bài bản, chất lượng nhất.” Nhà báo Duy Thành cũng chia sẻ anh thông qua theo dõi kênh mạng xã hội của VNEEP anh biết và tham gia vào Cuộc thi. “Những hoạt động có ý nghĩa và thu hút sự chú ý của cộng đồng như Cuộc thi này sẽ làm cho đề tài luôn được làm mới lại, từ đó thúc đẩy thói quen tiết kiệm điện trong cộng đồng”, anh chia sẻ.
Đại diện EVN - đơn vị tài trợ cuộc thi, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam ông Võ Quang Lâm chia sẻ, tác phẩm logo và slogan xuất sắc nhất sẽ sử dụng cho các hoạt động truyền thông về tiết kiệm điện của Tập đoàn.
Lễ trao giải cuộc thi sẽ được tổ chức vào ngày 26/1/2021.