Ảnh minh họa. |
Nhằm bày tỏ lòng tôn kính và cũng như để tưởng nhớ tới cội nguồn, noi gương tấm gương trung liệt, hiếu nghĩa của hai vị tướng tài dưới thời vua Trần Nghệ Tông là Vũ Giao và Vũ Trung, người dân Vĩnh Khê đã dựng miếu thờ hai vị phúc thần và tổ chức lễ hội tri ân công đức của Nhị vị thành hoàng làng được các triều đại phong tước “Đại trung nghĩa lang, Tá bộc xạ Trung thánh công”; “Nam hiến sát sứ công” vào ngày 7/1 âm lịch hàng năm.
Với giá trị ý nghĩa và bề dày lịch sử, năm 2018, Hội vật làng Vĩnh Khê đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Hội làng Vĩnh Khê (An Dương, Hải Phòng) gắn liền với một hội thi đấu vật, thường chỉ diễn ra một ngày nhưng thu hút rất nhiều đô vật đến từ các lò vật nổi tiếng tại Hải Phòng và các tỉnh, thành phố lân cận.
Theo đó, mở đầu hội là nghi lễ truyền thống theo phong tục của làng, gồm lễ giao điệp và đấu vật tượng trưng trước ban thờ. Sau đó, các đô vật sẽ bước vào thi đấu trên khán đài được dựng ở sân đình.
Lễ giao điệp để thỉnh cầu trời đất và hai vị thành hoàng làng, bày tỏ lòng nhớ ơn của con cháu đối với người xưa. Hai vị cao niên với trang phục áo dài, quần trắng, chân đất, khăn đầu, đai lưng cùng màu và hai người trong hai trang phục màu khác nhau sẽ cùng bước ra vái thành hoàng làng, chào nhau và bắt đầu keo vật.
Dù là lễ giao điệp, hai đô vật già cũng phải thực hiện đủ 3 keo. Sau khi lễ giao điệp kết thúc, giải vật mới chính thức được bắt đầu. Người được chọn tham gia lễ giao điệp là hai cụ ông từ 60 tuổi trở lên. Được tham gia lễ giao điệp không chỉ là vinh dự của một cá nhân mà còn là niềm tự hào của cả gia đình, dòng tộc. Hội vật làng Vĩnh Khê đề cao tinh thần thượng võ, hào sảng của các đô vật.
Nét độc đáo riêng biệt trong lễ hội vật truyền thống của làng Vĩnh Khê chính là thể lệ thi đấu không tuân theo bất cứ một quy chuẩn sẵn có của đấu vật mà hoàn toàn là theo lệ làng quy định. Chính vì thế, các đô vật tham gia cuộc thi sẽ đấu với nhau mà không cần tính thời gian, lứa tuổi hay hạng cân. Thông thường, các đô vật tham gia hội thi sẽ phải thi đấu trong 3 hiệp, mỗi hiệp diễn ra trong 3 phút.
Tuy nhiên nếu kết thúc cả 3 hiệp thi đấu mà vẫn không tìm được người thắng cuộc thì các đô vật sẽ bước vào hiệp phụ mà không tính thời gian. Đô vật được coi là chiến thắng tuyệt đối khi phải hạ đối thủ ở tư thế hai vai, một mông hoặc hai mông, một vai chạm thảm trong thời gian 3 giây.
Chính điều này khiến cho nhiều đô vật chuyên nghiệp tham gia cũng phải chật vật mới giành chiến thắng trên sới vật của làng Vĩnh Khê. Một nét riêng biệt khác mà chỉ có hội vật làng Vĩnh Khê mới có, đó là cơ cấu giải thưởng thường khá lớn vì khách xem hội có người ủng hộ cả triệu đồng riêng cho đô vật và cho giải thưởng chung của lễ hội.
Với giá trị ý nghĩa và bề dày lịch sử, năm 2018, Hội vật làng Vĩnh Khê đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Lễ hội là nét đẹp truyền thống thể hiện cho tinh thần thượng võ của người dân địa phương. Cũng từ lễ hội này, nhiều đô vật giỏi, có thứ hạng cao trong phong trào thể dục thể thao của huyện và thành phố đã được khai phá và tỏa sáng.