Hàng trăm nhà khí tượng học hàng đầu thế giới dự đoán nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng lên ít nhất 2,5° C trong thế kỷ này, vượt xa các dự báo trước đó và dự đoán sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho nhân loại và hành tinh.
Gần 80% thành viên đến từ Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) dự đoán mức độ nóng lên toàn cầu ít nhất là 2,5°C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Trong số đó, gần một nửa chuyên gia ước tính rằng nhiệt độ toàn cầu có thể tăng đến 3°C. Chỉ có 6% tin rằng nhân loại có thể duy trì giới hạn 1,5°C như dự kiến.
Những nhà khoa học đã hình dung ra một viễn cảnh đen tối, nơi đói kém, xung đột, và di cư hàng loạt trở thành hiện thực do những đợt nắng nóng, cháy rừng, lũ lụt với sức mạnh và tần suất vượt xa những gì chúng ta từng biết.
Chuyên gia Gretta Pecl từ Đại học Tasmania (Australia), cho biết: “Tôi nghĩ chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong vòng 5 năm tới. Sự thiếu ứng phó do các hiện tượng thời tiết cực đoan liên tục xảy ra là điều không thể tránh khỏi, việc sản xuất lương thực sẽ bị gián đoạn. Tôi cảm thấy vô cùng tuyệt vọng trước viễn cảnh tăm tối này.”
Nhưng nhiều người cho rằng cuộc chiến chống biến đổi khí hậu phải tiếp tục, cho dù nhiệt độ toàn cầu có tăng cao đến đâu, bởi vì dù chỉ một phần nhỏ nhiệt độ giảm cũng sẽ giúp xoa dịu những tổn thất của nhân loại
Chuyên gia Peter Cox từ Đại học Exeter (Vương quốc Anh), cho biết: “Biến đổi khí hậu sẽ không đột nhiên trở nên nguy hiểm ở mức 1,5°C vì chúng ta vốn đang ở trong tình trạng này. Và nếu nhiệt độ toàn cầu tăng vượt ngưỡng 2°C, điều này cũng không đồng nghĩa là trò chơi kết thúc, vì chúng ta vẫn có thể đối phó với tình hình".
Cuộc khủng hoảng khí hậu đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho cuộc sống và sinh kế trên toàn thế giới, với mức nhiệt độ toàn cầu trung bình chỉ tăng 1,2°C trong bốn năm qua. Chuyên gia Nathalie Hilmi, tại Trung tâm Khoa học Monaco, người dự đoán nhiệt độ sẽ tăng 3°C, cho biết: “Chúng ta không thể duy trì ở ngưỡng dưới 1,5°C”.
Các chuyên gia đồng thuận rằng việc chuẩn bị một cách toàn diện để bảo vệ nhân loại khỏi những hậu quả tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu là cực kỳ cấp bách.
Chuyên gia Leticia Cotrim da Cunha từ Đại học bang Rio de Janeiro (Brazil), cho biết: “Tôi cảm thấy rất lo lắng về cái giá mà chúng ta sẽ phải trả cho sự tồn vong của loài người".
Mục tiêu 1,5°C được xác lập để ngăn chặn cuộc khủng hoảng khí hậu tồi tệ nhất và đây được coi là kim chỉ nam quan trọng cho các cuộc đàm phán quốc tế. Tuy nhiên, các chính sách hiện nay đang hướng tới một tương lai với mức tăng nhiệt độ khoảng 2,7°C.
Các nhà khoa học trẻ tuổi đang tỏ ra bi quan hơn, với 52% số người dưới 50 tuổi được phỏng vấn dự báo mức tăng nhiệt độ ít nhất là 3°C, so với chỉ 38% ở những người trên 50 tuổi.
Trong đó, 49% các nhà khoa học nữ tin rằng nhiệt độ toàn cầu ít nhất sẽ tăng 3°C, tuy nhiên con số tương ứng với các nhà khoa học nam là 38%. Đáng chú ý, có rất ít sự khác biệt giữa các nhà khoa học từ các châu lục khác nhau.
Dipak Dasgupta từ Viện Năng lượng và Tài nguyên ở New Delhi (Ấn Độ), cảnh báo: "Dù thế giới có giàu có đến đâu đi chăng nữa, nếu chúng ta chỉ đứng nhìn và không hành động để giải quyết tình trạng khốn khổ của người nghèo, cuối cùng tất cả chúng ta đều sẽ chịu thiệt".
Các chuyên gia đã giải thích rõ ràng lý do vì sao thế giới chưa thể giải quyết được cuộc khủng hoảng khí hậu. Gần 75% số người được phỏng vấn cho biết họ tin rằng sự thiếu ý chí chính trị là một trong những nguyên nhân chính, trong khi 60% cho rằng các lợi ích doanh nghiệp cũng là nguyên nhân hàng đầu, như là ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch.
Nhiều người cũng nêu lên vấn đề về khoảng cách giàu nghèo và sự thất bại của giới tài phiệt trong việc hỗ trợ người nghèo, những người gánh chịu tổn thất nặng nề nhất từ hậu quả của biến đổi khí hậu.
Khoảng 25% chuyên gia của IPCC cho rằng nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng ở mức 2°C hoặc thấp hơn nhưng ngay cả họ cũng không chắc chắn về điều này.
Henry Neufeldt, tại Trung tâm Khí hậu Copenhagen của Liên hợp quốc, cho biết: “Tôi tin rằng chúng ta có tất cả các giải pháp cần thiết cho ngưỡng tăng nhiệt 1,5° C và chúng ta sẽ thực hiện chúng trong 20 năm tới. Tuy nhiên, tôi lo ngại rằng hành động của chúng ta có thể quá muộn và sẽ không đáp ứng được các mục tiêu đề ra”.