Tại Hội thảo góp ý dự thảo phạm vi hoạt động của nhân viên tâm lý lâm sàng và tài liệu chuyên môn hướng dẫn thực hiện dịch vụ tâm lý lâm sàng do Bộ Y tế tổ chức trong hai ngày 16-17/12, tại Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, hiện nhu cầu về chăm sóc sức khỏe tinh thần để vượt qua những khó khăn, khủng hoảng trong cuộc sống là rất lớn.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2019, cứ 8 người thì có 1 người - tương đương 970 triệu người trên thế giới đang chung sống với rối loạn tâm thần, 14% thanh thiếu niên rối loạn lo âu và trầm cảm là các rối loạn tâm thần phổ biến nhất. Hơn 20% người trưởng thành từ 60 tuổi trở lên có rối loạn tâm thần hoặc thần kinh (không bao gồm rối loạn đau đầu). Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng rối loạn tâm thần có xu hướng gia tăng.
Dịch COVID-19 đã làm gia tăng đáng kể các rối loạn tâm thần như tỷ lệ mắc rối loạn trầm cảm (31,4%), rối loạn lo âu (31,9%) và rối loạn giấc ngủ (41,1%)… Các rối loạn lo âu, trầm cảm, mất ngủ là những vấn đề về sức khỏe tâm thần thường gặp nhất trong đại dịch. Tình trạng này không chừa một ai, kể cả y, bác sĩ đã và đang chữa trị cho bệnh nhân.
“Trong giai đoạn COVID-19 vừa qua, số thầy thuốc mắc chứng trầm cảm, rối loạn về tâm lý không phải là nhỏ. Bản thân đội công tác chống dịch COVID-19 của chúng tôi cũng có rất nhiều người gặp vấn đề về tâm lý mất rất nhiều thời gian hồi phục. Thời điểm đó, chúng tôi đã phải huy động các bác sĩ tâm thần, bác sĩ tâm lý giúp cho việc trị liệu cán bộ y tế”, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa chia sẻ.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho rằng: Đây là lĩnh vực vô cùng quan trọng và phải tìm cách đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của xã hội, ứng dụng kinh nghiệm, tiến bộ về hành vi, tâm lý, tâm thần để chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người dân.
“Mặc dù lĩnh vực lĩnh tâm lý lâm sàng hiện nay đang được xếp vào nhóm khoa học về hành vi và xã hội, tuy nhiên đây là vấn đề có liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, trong đó sức khỏe tinh thần là vấn đề vô cùng quan trọng. Vì thế Ban soạn thảo đã đưa chức danh tâm lý lâm sàng vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh, coi đây là một chức danh hành nghề trong lĩnh vực y tế”, Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa cho biết thêm.
Để triển khai, hiện thực hóa Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế xây dựng trình Chính phủ Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó quy định những vấn đề liên quan đến chức danh tâm lý lâm sàng, điều kiện hoạt động của cơ sở tâm lý lâm sàng và những điều kiện liên quan đến giấy phép hành nghề cho chức danh tâm lý lâm sàng và các chức danh khác được tham gia một số nhiệm vụ trong lĩnh vực tâm lý lâm sàng.
Đặc biệt, để hướng dẫn cụ thể, thông tư hướng dẫn cũng đã dự thảo một số nội dung liên quan đến phạm vi hoạt động chuyên môn của tâm lý lâm sàng, nhiệm vụ của các chức danh khác như bác sĩ tâm thần, điều dưỡng… tham gia trong lĩnh vực tâm lý lâm sàng.
Tại hội thảo, với sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của các chuyên gia hàng đầu về tâm lý lâm sàng như Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hoàng Minh, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu lâm sàng về tâm lý; Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Mai Hiên, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam; Giáo sư, Tiến sĩ Bahr Weiss, cố vấn chuyên môn của Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam, chuyên gia tâm lý lâm sàng, Đại học Vanderbilt, Hoa Kỳ; Giáo sư, Tiến sĩ Ron O’Donnell, nhà tâm lý lâm sàng, Đại học Arizona, Hoa Kỳ, chuyên gia tư vấn của WHO, các đại biểu đã tập trung thảo luận về phạm vi hoạt động chuyên môn của tâm lý lâm sàng, chuyên khoa tâm thần, các chức danh chuyên môn khám chữa bệnh khác có phạm vi hoạt động về tâm thần.
Theo các đại biểu, đây là lĩnh vực khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng là lĩnh vực được phát triển từ rất lâu trên thế giới với những hệ thống lý thuyết, công vụ, phương pháp để thực hiện việc tư vấn, trị liệu, điều trị về tâm lý cho người bệnh, người dân để đảm bảo giúp cho cân bằng tâm lý, giải quyết vấn đề sức khỏe tâm thần..., cần nghiên cứu quy định thế nào cho phù hợp và theo kịp quốc tế.
Trước đó, thông tin tại Hội thảo Xây dựng đề án tăng cường năng lực hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần giai đoạn 2023-3030 do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức cho thấy so với các chuyên ngành khác, sức khỏe tâm thần là lĩnh vực sức khỏe cộng đồng ít được quan tâm hơn. Dịch vụ sức khỏe tâm thần ở Việt Nam chủ yếu là điều trị bằng thuốc. Cả nước có khoảng 100 triệu dân, trong đó có khoảng 14 triệu người rối loạn tâm thần nhưng chỉ có 143 nhà tâm lý lâm sàng và tâm lý trị liệu. Tuy nhiên dịch vụ tâm lý lâm sàng chưa phải là dịch vụ chính thức được bảo hiểm y tế chi trả, do vậy các nhà tâm lý lâm sàng và tâm lý trị liệu chủ yếu được coi là kỹ thuật viên và làm các trắc nghiệm tâm lý, không phải dịch vụ tâm lý lâm sàng thực sự. Các dịch vụ phục hồi chức năng tâm thần cũng rất hạn chế. Không có dịch vụ sức khỏe tâm thần chính thức cho người dân bị tác động của thiên tai, thảm họa ví dụ như lũ lụt, hạn hán và dịch bệnh (như đại dịch COVID-19).