Đây là cảnh báo do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đưa ra ngày 18/3.
Hơn 1,42 tỷ người trên thế giới, trong đó 450 triệu trẻ em, đang phải sống tại các khu vực dễ bị tổn thương ở mức cao hoặc nghiêm trọng về nguồn nước.
Báo cáo của UNICEF nêu rõ khu vực miền Nam châu Phi và Đông Phi ghi nhận tỷ lệ trẻ em sống trong khu vực như trên cao nhất với hơn một nửa (58%) gặp khó khăn trong việc tiếp cận đầy đủ nước sạch hằng ngày. Tiếp sau đó là khu vực Tây và Trung Phi (31%), Nam Á (25%) và Trung Đông (23%). Theo báo cáo này, khu vực Nam Á là khu vực có số trẻ em sống tại khu vực dễ bị tổn thương về nguồn nước ở mức cao hoặc nghiêm trọng đông nhất, với hơn 155 triệu em.
Báo cáo này cũng chỉ ra 37 quốc gia bị coi là "điểm nóng", nơi trẻ em đối mặt với nhiều điều kiện khắc nghiệt xét về số lượng và tỷ lệ trẻ bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu nước, đồng thời cũng là những khu vực mà thế giới cần dồn các nguồn lực, hỗ trợ và hành động khẩn cấp. Danh sách này bao gồm các nước như Afghanistan, Burkina Faso, Ethiopia, Haiti, Kenya, Niger, Nigeria, Pakistan, Papua New Guinea, Sudan, Tanzania và Yemen
Trong một thông cáo báo chí, Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore cảnh báo cuộc khủng hoảng nước đang xảy ra và sẽ trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu. Bà Fore nhấn mạnh trẻ em là những nạn nhân chính trong cuộc khủng hoảng này. Bà viện dẫn khi các giếng nước cạn khô, trẻ nhỏ buộc phải bỏ trường lớp để đi tìm nước. Các em cũng đối mặt nguy cơ bị suy dinh dưỡng và chậm phát triển khi hạn hán xảy ra cắt đứt nguồn cung thực phẩm. Khi bão lũ ập tới, trẻ em chịu các bệnh lây lan từ nguồn nước, các em không thể đảm bảo vệ sinh cá nhân để chống lại dịch bệnh khi nguồn nước cạn kiệt.
Báo cáo này nằm trong sáng kiến "Water Security for All" (tạm dịch: An ninh nước cho tất cả) của UNICEF với mục tiêu đảm bảo tất cả trẻ em trên thế giới được tiếp cận các dịch vụ nước sạch bền vững và không bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Sáng kiến nhằm huy động các nguồn lực, quan hệ đối tác, tiến bộ và phản ứng toàn cầu để xác định những điểm nóng.
Cùng ngày, tại cuộc họp cấp cao nhằm thúc đẩy triển khai các mục tiêu về nước sạch trong Chương trình Nghị sự 2030, Phó Tổng thư ký LHQ (TTK LHQ) Amina Mohammed đã kêu gọi các nước có các biện pháp nhằm đạt được việc tiếp cận nước sạch và vệ sinh toàn cầu. Bà Mohammed cho rằng thế giới đang không trên lộ trình hoàn thành Mục tiêu phát triển bền vững 6 (Nước sạch và vệ sinh) đến năm 2030 và để đạt được việc mục tiêu này trên toàn cầu, các nước phải tăng tốc gấp 4 lần.
Không chỉ vậy, Phó TTK cho hay cuộc khủng hoảng hành tinh, bao gồm các nguy cơ liên quan đến nhau của biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học sụt giảm và ô nhiễm môi trường, sẽ làm gia tăng tình trạng khan hiếm nước sạch. Bà Mohammed cảnh báo đến năm 2040, cứ 4 trẻ dưới 18 tuổi thì có 1 trẻ sẽ sống tại các khu vực có nguy cơ dễ bị tổn thương về nguồn nước ở mức cao hoặc nghiêm trọng, tương đương 600 triệu em.
Cho tới nay, khoảng 3 tỷ người, đặc biệt tại khu vực hẻo lánh và các nước kém phát triển, thiếu thốn các cơ sở vật chất vệ sinh cơ bản tại nhà.