Động thái trên của Hội đồng Nhà nước Pháp - tòa án cấp cao nhất của nước này về các vấn đề chính phủ - diễn ra vài ngày sau khi một viện hải dương học báo cáo rằng có ít nhất 910 con cá heo đã trôi dạt vào bờ biển của Pháp ở Đại Tây Dương kể từ đầu mùa Đông năm nay.
Theo báo cáo ngày 17/3 của Đài quan sát hải dương học Pelagis có trụ sở tại thành phố La Rochelle, phía Tây nước Pháp, chỉ trong vòng hơn một tuần đã phát hiện hơn 400 con cá heo mắc cạn dọc bờ biển của Pháp, một con số "chưa từng có". Một số tổ chức bảo vệ môi trường, trong đó có Hội bảo tồn động vật biển Sea Shepherd (Mỹ) đã đệ đơn khiếu nại Chính phủ Pháp chưa làm đủ để bảo vệ các loài đang có nguy cơ biến mất khỏi các khu vực của Vịnh Biscay dọc bờ biển Đại Tây Dương. Theo những tổ chức này, hầu hết những con cá heo được tìm thấy đều bị thương do bị mắc vào lưới, các thiết bị đánh bắt cá khác hoặc động cơ của các tàu đánh bắt cá. Nhiều con đã chết trong tháng 2 và tháng 3, thời điểm cá heo thường di chuyển vào gần bờ biển hơn để tìm kiếm thức ăn và có nguy cơ tiếp xúc nhiều hưn với hoạt động đánh bắt cá.
Chính phủ Pháp cho đến nay chưa áp đặt các lệnh cấm đánh bắt cá, thay vào đó, thực hiện các giải pháp giảm thiểu tác động của hoạt động đánh bắt cá công nghiệp đối với cá heo, chẳng hạn như lắp đặt các máy quay phim trên tàu hoặc thiết bị âm thanh lớn để xua cá heo.
Tuy nhiên, trong phán quyết ngày 20/3, Hội đồng Nhà nước Pháp cho rằng các công cụ "ngăn chặn bằng âm thanh" trên các tàu đánh cá "không đảm bảo tình trạng thuận lợi đối với việc bảo tồn các loài động vật biển có vú cỡ nhỏ", trong đó có cá heo. Hội đồng này đã ấn định thời hạn 6 tháng để Chính phủ Pháp thiết lập các khu vực cấm đánh bắt cá.