Với tư cách là người phát tâm ủng hộ toàn bộ chi phí xây dựng, bà Nguyễn Phương Hằng đề nghị bố trí nhân sự thay thế ông Yên và gia đình trong việc quản lý Hưng An Tự.
Suy sụp lòng tin
Theo bà Nguyễn Phương Hằng, vào năm 2020, bà đã quyên góp xây dựng Hưng An Tự nhưng hiện nay, ông Yên và gia đình đang quản lý nơi đây. “Tôi không đồng ý để ông Yên và gia đình quản lý, mà phải do chức sắc của Trung ương Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam quản lý. Còn việc tiền từ thiện và các vấn đề liên quan, về vấn đề ông Yên có lừa đảo hay không tôi sẽ nhờ cơ quan công an làm rõ. Tôi cảm thấy lòng tin của mình bị tổn thương nặng nề, sụp đổ hoàn toàn vì đặt niềm tin vào sai chỗ”, bà Hằng bày tỏ.
Bên cạnh đó, bà Hằng cũng đặt vấn đề về hoạt động cứu trợ của ông Võ Hoàng Yên khi đi cứu trợ đồng bào bão lụt miền Trung, với kinh phí do Công ty Đại Nam cùng các nhà hảo tâm quyên góp. Theo bảng báo cáo tài chính mà ông Yên gửi lại thì số tiền thấp hơn rất nhiều so với số tiền quyên góp.
Bà Hằng cảm thấy lòng tin của mình bị tổn thương nặng nề vì đặt niềm tin sai chỗ. |
Còn ông Huỳnh Uy Dũng cho biết: “Năm 2019, tôi tình cờ biết được ông Võ Hoàng Yên, qua quá trình tìm hiểu, với mong muốn có một nơi để bá tánh, những người mắc bệnh tới khám chữa bệnh đàng hoàng, tôi đã bàn với ông Võ Hoàng Yên có kế sách lâu dài, xây dựng một trung tâm chữa trị cho người bệnh. Đồng thời trồng các vườn thuốc nam để có nguồn nguyên liệu làm thuốc cấp cho người bệnh miễn phí.
Trung tâm Khám chữa bệnh sẽ là nơi lương y Võ Hoàng Yên chữa miễn phí các bệnh nhân câm điếc, bại liệt, các bệnh liên quan cơ, xương khớp... Bên cạnh đó, tôi cũng đề nghị với ông Yên mở mang vườn thuốc nam nhằm phát, điều trị miễn phí cho người dân. Mọi chi phí đều do tôi đầu tư. Tuy nhiên, qua quá hợp tác triển khai ý định của tôi với ông Võ Hoàng Yên không như mong đợi nên có những thay đổi.
Một lần tôi cùng chú Yên (ông Võ hoàng Yên) đi chữa bệnh ở tỉnh An Giang, đến nơi thì hoạt động chữa bệnh cho người dân đã không diễn ra. Trong khi đó, tôi lại nghe người dân phản ánh, muốn ông Yên chữa bệnh thì phải có phiếu. Để có phiếu đó, người khám chữa bệnh phải đóng 10 triệu, 5 triệu, 2 triệu đồng…
Trên đường về, khi ngồi cùng xe, ông Yên còn buột miệng khoe tài sản giờ có cả trăm triệu đô la. Khi đó, tôi mới giật mình. Tôi nhờ mối quan hệ để tìm hiểu một người đi chữa bệnh không lấy tiền thì làm sao có khối tài sản khổng lồ như thế này, từ đó mới biết tất cả những nơi chữa bệnh đều có xảy ra chuyện bán phiếu. Sau đó tôi mới nói với vợ tôi.
Ông Dũng cho biết trong một lần đi khám bệnh cùng ông Yên đã phát hiện ra việc bán phiếu. |
Việc một hai trăm tỷ thì tôi không quan tâm. Tôi làm gì cũng từ phát tâm, không phải mong chờ sự hồi báo. Đồng tiền tôi mồ hôi nước mắt làm ra, tôi chỉ muốn chia sẻ cho người nghèo thôi. Tôi đến đây là bảo vệ lòng tin, với tâm thánh thiện. Bà xã tôi là người phát tâm xây dựng ngôi tự và thưa gửi nguyện vọng về ngôi chùa, hướng đến điều thành thiện nhất”.
“Thần y” nói không lừa đảo
Tại buổi đối chất, ông Võ Hoàng Yên lấy làm tiếc vì những gì đã xảy ra nhiều ngày qua. “Tôi rất là tiếc, bởi vì cái tình cái nghĩa ở thế gian khó gặp được. Anh chị đã từng chia sẻ với tôi, từ nay khỏi phải lo tiền bạc gì nữa, lương y đi chữa bệnh đừng nhận tiền của ai dù người ta bồi dưỡng. Ở Hưng An Tự thì đất là do gia đình tôi hiến. Tôi gặp anh chị tiến hành xây trên đất!
Anh chị có nói cho tôi 2ha đất, chị cho hơn 1ha. Nhưng đông cơ ban đầu không phải là cho, là chúng ta mua đất. Anh chị nói rằng, riêng nhóm của thầy Yên được giảm 30% - 40%. Tôi mừng quá kêu hết mọi người tới, hy vọng các em, các cháu có cơ hội lời mấy chục phần trăm để bỏ túi đi đường, xăng xe… Tôi có thể nói anh Dũng nghe nhầm, tôi có thể có gần 100 tỷ nếu tính hết đất, chứ còn 100 triệu đô thì tôi không dám nói rồi. Có khi lời nói nhầm lẫn chứ tôi không dám ngạo mạn vậy.
Khi tôi đang ngồi nhà anh chị thì chị kêu nhân viên ngân hàng đến làm số tài khoản cho tôi và ngay lúc đó có ngay một tỷ đồng vô tài khoản… Sau đó, tôi có gửi trích lục ngân hàng cũng vài chục tỷ rồi, nhưng tôi cũng có chuyển lại cho chị cái nhà, trước đó tôi có viết giấy giao với mấy chục tỷ tiền mặt. Khi tiến hành động thổ ở Hưng An Tự, tôi có nói không dám nhận tiền nữa.
Ông Võ Hoàng Yên (giữa) tại buổi đối chất |
Tôi chưa có lần nào đặt vấn đề xin tiền, mượn tiền. Tôi thấy tất cả những gì anh chị chuyển cho tôi là tình thương, thực hiện công tác phước thiện vì bá tánh. Cái chữ tập đoàn kia, là những người hy vọng mua đất được giảm 30% - 40%.
Tôi rất tiếc! Anh chị xem tôi như một chú em, tôi có gì sai tại sao không kêu tôi lại để nói chuyện, nếu tôi trốn chạy thì mới nói là dấu hiệu lừa đảo. Tôi không vay mượn gì của anh chị hết, anh chị tự làm sổ tài khoản rồi chuyển vô cho tôi thôi. Tôi có lừa gạt gì đâu. Những gì chuyển cũng đã chuyển rồi, tình thương cũng đã cho hết rồi. Anh chị cho tôi tình thương, tôi cũng chia sẻ với người khác. Còn về số liệu lũ lụt, đó là điểm sơ suất trong bảng báo cáo vì lập cập trong ngày khánh thành, tôi sẽ cũng cấp hết các giấy tờ…”.
Đại diện Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam cho biết, buổi gặp gỡ là để ghi nhận ý kiến hai bên. Sau đó Ban trị sự Giáo hội sẽ đưa ra ý kiến nội bộ của Giáo hội, còn vấn đề tiền bạc quyên góp giữa 2 bên thì Giáo hội không can thiệp.
Theo ông Đặng Thức Anh Vũ, Phó giám đốc Sở Y tế Bình Thuận, hiện Sở đã nhận được thông tin liên quan đến việc ông Võ Hoàng Yên hành nghề khám chữa bệnh trên địa bàn. Theo đó, ông Võ Hoàng Yên có chứng chỉ Y sĩ về Y học cổ truyền nên được phép hành nghề khám chữa bệnh về xoa bóp, ấn huyệt…
Còn về thông tin phản ánh việc ông Võ Hoàng Yên cấu kết với nhóm người bán phiếu khám chữa bệnh thu tiền như thế nào, có trục lợi hay không, có lưu trữ hồ sơ bệnh án theo quy định hay không thì chỉ mới nắm qua mạng xã hội. “Chúng tôi sẽ xem xét và giao cho thanh tra Sở Y tế kiểm tra, xác minh làm rõ”, ông Đặng Thức Anh Vũ thông tin.