Tổn thương do biến đổi khí hậu đối với khai thác và nuôi trồng thủy sản

Việc đánh giá tác hại và những tổn thương do biến đổi khí hậu đối với khai thác và nuôi trồng thủy hải sản là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Qua đó, tìm cách khắc phục để khai thác và nuôi trồng thủy hải sản ở nước ta thật sự bền vững.
Khai thác và nuôi trồng thủy hải sản trong biến đổi khí hậu vô cùng thách thức (Ảnh: thuysanvietnam.com.vn)
Khai thác và nuôi trồng thủy hải sản trong biến đổi khí hậu vô cùng thách thức (Ảnh: thuysanvietnam.com.vn)

Qua việc nghiên cứu sử dụng phương pháp đánh giá tổn thương của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), để đánh giá tổn thương do biến đổi khí hậu gây ra đối với khai thác và nuôi trồng thủy sản khu vực ven biển phía Bắc, bao gồm các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế; nhóm các nhà khoa học Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã nêu ra những tác động xấu đã và sẽ xảy ra do biến đổi khí hậu đối với khai thác và nuôi trồng thủy sản ở các địa phương nêu trên.

Rủi ro từ hiện tượng thời tiết bất thường

Theo đánh giá của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương bởi tác động của biến đổi khí hậu trong khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng toàn cầu chỉ số rủi ro do biến đổi khí hậu (CRI) giai đoạn 1991-2010; đứng thứ 23 trong bảng xếp hạng toàn cầu chỉ số tổn thương do biến đổi khí hậu gây ra trong 30 năm tới.

Các kịch bản về biến đổi khí hậu cho Việt Nam nêu rõ, đến cuối thế kỷ XXI, khí hậu trên tất cả các vùng của Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi, tổng lượng mưa năm và lượng mưa mùa mưa tăng trong khi lượng mưa mùa khô giảm. Ngoài ra, mực nước biển sẽ dâng lên khoảng 75cm so với trung bình thời kỳ 1980-1999. Tuy chưa có đánh giá thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, nhưng thiệt hại hàng năm do các hiện tượng thời tiết bất thường như băo, lũ, triều cường gây ra là đáng kể đối với Việt Nam.

Trong giai đoạn 1994-2003, thiệt hại trung bình do thiên tai gây ra đối với Việt Nam vào khoảng gần 250 triệu đôla mỗi năm, chiếm khoảng 0,8% GDP trung bình trong cùng khoảng thời gian này. Trong đó thủy sản là ngành kinh tế quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, giá trị xuất khẩu thủy sản đă tăng gấp 3 lần trong 10 năm qua và đạt 7 tỷ USD năm 2016. Song thủy sản lại là ngành chịu nhiều ảnh hưởng từ các hiện tượng thời tiết bất thường.

Chỉ tính riêng cơn bão Linda năm 1997 đă làm chìm và hư hại gần 2.000 tàu thuyền khai thác thủy sản, gây thiệt hại khoảng 136.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản và hơn 34.000 tấn thủy hải sản. Ngoài ra, với hàng triệu lao động trực tiếp và gián tiếp tham gia hoạt động sản xuất thủy sản, chủ yếu sống ở khu vực ven biển, ngành thủy sản Việt Nam rất dễ bị tổn thương bởi các tai biến thiên nhiên và nước biển dâng do biến đổi khí hậu gây ra. Đặc biệt là ở khu vực phía Bắc, nơi đã và đang phải hứng chịu rất nhiều tai biến thiên nhiên như bão, lũ. Trung bình hàng năm có từ 4-10 cơn bão đổ bộ vào Việt Nam, trong đó chủ yếu ven biển các tỉnh phía Bắc và miền Trung.

Theo các kịch bản biến đổi khí hậu đến năm 2050, thiệt hại do nước biển dâng và bão gây ra có thể chiếm trung bình từ 10,9-42,5% GDP ở vùng Đồng bằng sông Hồng. Số lượng tàu thuyền và sản lượng khai thác thủy sản ở vịnh Bắc Bộ là đáng kể so với cả nước, chiếm 31% tổng số tàu thuyền và 17% tổng sản lượng khai thác thủy sản của cả nước năm 2011. Các tỉnh có số lượng tàu thuyền khai thác ven bờ nhiều bao gồm Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Diện tích và sản lượng nuôi trồng thủy sản ở vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ cũng chiếm đáng kể so với cả nước: 20% tổng diện tích và 21% tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản của cả nước năm 2010.

Các tỉnh có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản lớn bao gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Như vậy, các tỉnh có số lượng tàu thuyền và diện tích nuôi trồng thủy sản lớn ở khu vực Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ - duyên hải miền Trung bao gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Đây có thể là những tỉnh sẽ có thủy sản chịu tác động nhiều nhất của biến đổi khí hậu ở miền Bắc.

Hiện chưa có nghiên cứu đánh giá tổn thương do biến đổi khí hậu đối với khai thác thủy sản ở Việt Nam nói chung và ở miền Bắc nói riêng theo các kịch bản của biến đổi khí hậu. Tuy vậy, đã có một số nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đối với nuôi trồng thủy sản được thực hiện ở miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long. Nếu không có giải pháp thích ứng, thu nhập của các hộ nuôi cá tra có thể giảm 3 tỷ đồng/ha vào năm 2020 và các hộ nuôi tôm có thể giảm 130 triệu đồng/ha vào năm 2020 và lên đến 950 triệu đồng/ha năm 2050.

Tổn thương do biến đổi khí hậu đối với khai thác và nuôi trồng thủy sản ảnh 1

Khai thác và nuôi trồng thủy hải sản trong biến đổi khí hậu vô cùng thách thức (Ảnh: thuysanvietnam.com.vn)

Kết quả đánh giá tại các địa phương

Theo định nghĩa của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu: Tính tổn thương phụ thuộc vào yếu tố tự nhiên là các tác động liên quan đến thay đổi khí hậu và thời tiết; yếu tố con người là các tác động do con người tạo ra. Chỉ số tổn thương tổng hợp phải phản ánh được tính tổn thương về kinh tế, tổn thương về môi trường và tổn thương về xã hội. Trong đó, các yếu tố liên quan đến tính tổn thương về xã hội như giảm nghèo, đa dạng hóa sinh kế, bảo vệ tài sản cộng đồng và tăng cường các hoạt động của tập thể ngày càng quan trọng vì chúng liên quan trực tiếp đến năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Qua kết quả nghiên cứu sử dụng phương pháp đánh giá tổn thương của IPCC để đánh giá tổn thương do biến đổi khí hậu đối với khai thác và nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh ven biển miền Bắc, nhóm các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, giữa các tỉnh có chỉ số thích ứng tương đối đồng đều, nhưng lại có sự khác nhau đáng kể giữa chỉ số phơi lộ và chỉ số nhạy cảm. Chỉ số phơi lộ tương đối cao đối với các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và thấp hơn đối với Quảng Ninh, Hải Phòng. Trong khi đó chỉ số nhạy cảm lại tương đối thấp đối với Hải Phòng, Hà Tĩnh, Quảng Bình và khá cao đối với Thái Bình, Nam Định.

Về khai thác thủy sản, kết quả điều tra thực địa của nhóm nghiên cứu cho thấy bão có ảnh hưởng và gây thiệt hại đáng kể nhất đối với hoạt động khai thác thủy sản. Các hiện tượng thời tiết cực đoan khác như mưa lớn, rét đậm có thể làm ảnh hưởng đáng kể (vì ngư dân sẽ không đi khai thác được, năng suất khai thác giảm mạnh). Nắng nóng cũng có thể hạn chế việc đánh bắt của ngư dân, nhưng ở mức độ thấp.

Đối với nuôi trồng thủy sản, bão có ảnh hưởng và gây thiệt hại đáng kể nhất (hư hỏng ao đầm, thất thoát thủy sản, dịch bệnh sau bão), sau đó đến nắng nóng (ngao, tôm chết, bệnh), mưa (làm giảm độ mặn, có thể gây ảnh hưởng đến con nuôi, đặc biệt là tôm), sau đó đến rét đậm.

Tổng hợp lại, chỉ số tổn thương do biến đổi khí hậu đối với nuôi trồng thủy sản cao nhất là Thái Bình và Hà Tĩnh. Trong khi chỉ số tổn thương của Quảng Ninh và Hải Phòng là nhỏ nhất ở khu vực ven biển miền Bắc. Tương tự như nuôi trồng thủy sản, có sự tương đồng của các chỉ số phơi lộ, tổn thương và thích ứng đối với biến đổi khí hậu trong khai thác thủy sản giữa các huyện trong tỉnh. Nhưng có sự khác nhau đáng kể giữa chỉ số thích ứng, phơi lộ và chỉ số nhạy cảm giữa các tỉnh. Chỉ số phơi lộ tương đối cao đối với các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và thấp hơn đối với Quảng Ninh, Hải Phòng. Chỉ số tổn thương do biến đổi khí hậu đối với khai thác thủy sản cao nhất là Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Trong khi chỉ số tổn thương của Quảng Ninh, Hải Phòng và Nam Định là nhỏ nhất khu vực miền Bắc./.

Theo ĐCSVN
Mẹ đẻ là "vũ khí bí mật" của tỷ phú Musk
Mẹ đẻ là "vũ khí bí mật" của tỷ phú Musk
(Ngày Nay) - Bà Maye Musk, mẹ của tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk, là gương mặt tiêu biểu của xu hướng “những người ảnh hưởng bạc” (silver influencer) với thành công trong vượt qua nghịch cảnh và tạo đồng cảm mạnh mẽ tại Trung Quốc. Liệu bà có thể là vũ khí bí mật của tỷ phú Elon Musk tại quốc gia tỷ dân?