Cấp cứu phải “nịnh” người báo tin
19 giờ ngày 29 Tết, những nhân viên y tế tại Trung tâm Cấp cứu 115 vẫn tất bật với những cuộc gọi về liên tiếp. Thậm chí trong suốt thời gian 1 giờ đồng hồ, họ không dừng lại được chút nào vì máy trên tay chưa dập xuống, máy dưới bàn đã kêu.
Một nhân viên tên Hoa nói với chúng tôi: "Giờ này họ mới ăn uống xong rồi ra đường nên dễ va chạm và khi xảy ra việc, nơi đầu tiên họ gọi tới là 115”.
Điện thoại tổng đài 115 liên tục đổ chuông dù đã là đêm 29 Tết. |
Chị Hoa chưa dứt lời, đầu dây bên kia là một cuộc gọi đến từ Tam Hiệp – Thanh Trì – Hà Nội, một nam thanh niên bị tai nạn giao thông bị thương rất nặng đang cần cấp cứu, người gọi điện đến không phải là người nhà, bạn bè của người bị nạn mà chỉ là một người đi đường.
“Anh hãy miêu tả cho em đường nơi xảy ra tai nạn để chúng em đến được nhanh nhất có thể….Anh là người đi đường ạ! Thế mong anh giúp đỡ hay mở máy và đợi 115 đến anh nhé. Vì chúng bên em sẽ phải liên hệ vào số anh, người đầu tiên gọi đến”, chị Hoa nói như “van xin” tới người đi đường tốt bụng vừa gọi tới 115.
Dứt cuộc điện thoại, nữ nhân viên này lập tức bốc máy điều xe cấp cứu 115 từ trạm cấp cứu Thanh Trì đi ứng cứu người bệnh. Đúng lúc cần kíp nhất, trạm Thanh Trì quá tải và đã hết xe. Nhanh như cắt, chị Hoa tiếp tục bốc máy gọi trạm cấp cứu 115 Hà Đông để điều xe.
Vừa điều phối xe, các nhân viên vừa theo dõi hành trình xe cứu thương trên đường đón người bệnh |
Khi đã nhận lệnh, xe cấp cứu lập tức lên đường và trong thời gian đó, ngoài tiếp nhận những cuộc gọi đến liên hồi, chị Hoa còn phải nhìn trên bản đồ để xem xe đã di chuyển đến đâu. Chưa đầy 10 phút xe cấp cứu đã đến và đón được bệnh nhân chuyển đến viện 103.
115 bị lãng quên sau khi đến bệnh viện
Chỉ trong vòng hơn 1 giờ đồng hồ ở trạm điều hành Trung tâm cấp cứu 115, quyển số nhật ký đã dày lên trông thấy với khoảng gần 100 cuộc gọi đến liên hồi. Đến 20 giờ 10 phút, một cuộc gọi từ phố Khâm Thiên cho biết, một cụ bà bị tai biến nặng nhờ sự hỗ trợ khẩn cấp của 115.
Chuông báo động được ấn liên hồi sau khi nhận được điện, phía trong một bác sĩ và điều dưỡng vừa xách hộp dụng cụ y tế, vừa chạy thẳng ra xe cứu thương. Chúng tôi cũng được theo chiếc xe này để ghi lại hành trình.
Đoạn đường từ Trung tâm Cấp cứu 115 ra phố Khâm Thiên chỉ vài cây số, còi ủ hú vang khắp dọc đường. Ấy vậy mà vẫn có những người đứng ngang nhiên ngay trước đầu xe không tránh, hoặc có người còn lái xe tạt đầu xe cứu thương.
Xe cấp cứu luôn sẵn sàng đợi lệnh. |
“Hôm nay ngày Tết, đường như thế này là vắng lắm rồi. Chứ ngày thường, xe cứu thương cũng như bao chiếc xe bình thường khác, phải nhích từng centimet đi đón người bệnh”, anh lái xe tên Hùng nói với chúng tôi và đó cũng là lúc đến được nơi người bệnh cần hỗ trợ, khoảng thời gian là gần 10 phút di chuyển.
Tại đây, cụ bà 90 tuổi được các nhân viên y tế thăm khám và nhanh chóng xin tham khảo ý kiến người nhà. Sau đó cụ được nhân viên dùng cáng đưa ra xe tới khoa Cấp cứu C9, Bệnh viện Bạch Mai.
Trên đường đi, người nhà lo lắng đứng ngồi không yên, còn bác sĩ thì tất bật cấp cứu cho người bệnh. Chỉ vài phút đồng hồ, xe cứu thương được chuyển đến bệnh viện Bạch Mai, tại đây người bệnh nhanh chóng được tiếp nhận và đưa vào buồng bệnh.
Tuy nhiên, sự việc trớ trêu đã xảy ra, nữ điều dưỡng không tìm thấy người nhà để ký sổ. Nên các bác sĩ 115 phải chạy vào tận phòng để gọi người nhà ra làm một số thủ tục giao-nhận. Lẽ ra công việc này chỉ mất vài phút, nhưng do không thấy người nhà nên gần 15 phút sau xe mới lăn bánh về Trung tâm cấp cứu 115 để chuẩn bị đi đón người bệnh khác.
Cụ bà được thăm khám ngay tại nhà.. |
“Khi đến viện, họ (người nhà bệnh nhân - PV) chỉ cần bác sĩ ở trong đó, còn chúng tôi lại "ra rìa". Họ coi chúng tôi thế nào cũng được, nhưng thủ tục thì chúng tôi bắt buộc phải hoàn thiện, vì thế nhiều khi phải đi tìm người nhà đến khổ”, nữ điều dưỡng nói.
Xe về đến trung tâm, phía trong phòng điều hành vẫn vang lên từng hồi chuông điện thoại, chuông báo khẩn cấp liên tục được bấm vì rất nhiều người bệnh đang cần hỗ trợ dù hôm nay đã là 29 Tết.
Dịp Tết tai nạn giao thông rất hay xảy ra, dưới đây là các bước tiến hành sơ cứu cơ bản nhất:
Bước 1: Nhanh chóng gọi người hỗ trợ.
Bước 2: Xem nạn nhân có bị ngừng tim chưa (gọi hỏi không biết, ngừng thở hoặc thở ngáp, mạch cổ không đập). Nếu có ngừng tim cần để nạn nhân nằm ngửa nhẹ nhàng, duỗi thằng chân tay, tránh gập cổ…rồi ép tim ngay, đặt 2 tay chồng lên nhau giữa ngực nạn nhân và ép thật mạnh, thật nhanh, thả tay để ngực nở tối đa sau mỗi lần ép tim. Ép tim liên tục không nghỉ, sau 2 phút có người thay. Ép cho đến khi tim đập lại (tỉnh ra, thở được, có mạch cổ đập), hoặc cho đến khi nhân viên cứu hộ chuyên nghiệp đến.
Chỉ di chuyển nạn nhân bị ngừng tim vào bệnh viện khi tim đã đập lại. Nếu nạn nhân vẫn tỉnh, hoặc lơ mơ, vẫn tự thở thì sang bước 3.
Bước 3: Đặt nạn nhân nằm nghiêng an toàn, nằm nghiêng một bên, 2 tay duỗi, một chân vắt chéo sang bên đối diện.
Bước 4. Cố định cột sốt cổ, yêu cầu cột sống cố phải thẳng với trục cơ thể. Có thể dung 2 bao cát hay 2 viên gạch chèn 2 bên tai khi bệnh nhân nằm.
Bước 5: Tìm các vết thương chảy máu để cầm máu, bằng cách băng ép bằng quần áo, dây. Với nạn nhân chảy máu ở đầu, người cứu phải quấn băng quanh đầu để cầm máu, nhưng vẫn phải luôn giữ đầu cố định.
Bước 6: Cố định các vết thương gẵy xương như xương đùi, xương cẳng tay bằng nẹp, giúp giảm đau cho nạn nhân.
Bước 7: Di chuyển nạn nhân vào bệnh viện gần nhất bằng xe cứu thương, có thể bằng ô tô…tuyệt đối không vận chuyển bằng xe máy. Giữ tư thế đầu thẳng với trục cơ thể trong suốt quá trình vận chuyển.
Theo Khám phá