Theo kế hoạch, từ ngày 10/4, Sở Tài nguyên - Môi trường và Sở Giao thông Vận tải sẽ phối hợp đưa thông tin về các chỉ tiêu chất lượng môi trường của TP HCM trên 48 bảng điện tử (đang được sử dụng để thông báo thông tin về giao thông).
Các chỉ tiêu chất lượng không khí được công bố gồm NO2, CO2, bụi, tiếng ồn; còn chỉ tiêu môi trường nước gồm pH, BOD5, COD và DO.
Theo Sở Tài nguyên – Môi trường, việc công bố này giúp xác định nguyên nhân từ đâu gây ra và có giải pháp xử lý hiệu quả. Đồng thời, để người dân sớm tiếp cận và giám sát chất lượng môi trường sống của mình.
Trước đây, các chuyên gia từng cho rằng tình hình ô nhiễm môi trường tại thành phố chưa được cảnh báo để có hành động kịp thời. Họ cũng đề nghị chính quyền thành phố không chỉ dừng lại ở việc tổ chức quan trắc để lấy số liệu về môi trường mà phải xử lý được số liệu, đưa ra các dự báo, cảnh báo cho người dân biết.
Từ nhiều năm qua, thành phố vẫn chưa đầu tư hệ thống quan trắc môi trường hoàn chỉnh, việc thu thập dữ liệu về môi trường chủ yếu dựa vào phương pháp bán tự động (nhân viên đi lấy mẫu đem về phòng thí nghiệm phân tích) nên chưa cung cấp toàn diện số liệu và khó có thể đánh giá hiện trạng ô nhiễm không khí, môi trường nước của thành phố một cách chính xác, đồng bộ.
9 trạm quan trắc do Chính phủ Na Uy và Đan Mạch hỗ trợ xây dựng từ năm 2003 hoạt động đến năm 2012 thì bị hỏng hoàn toàn. 16 trạm quan trắc nước thải tại các khu công nghiệp, một số trạm cũng đang trục trặc.
Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất UBND thành phố chấp thuận dự án đầu tư xây dựng 27 trạm quan trắc tự động và 227 trạm quan trắc bán tự động để thu thập các dữ liệu ô nhiễm nước mặt, nước ngầm và không khí. Việc xây dựng dự kiến từ năm nay đến năm 2020, với kinh phí khoảng 495 tỷ đồng.