TP HCM: Sân khấu kịch cho thiếu nhi đang vào mùa

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Thị trường tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ thiếu nhi tại Thành phố Hồ Chí Minh đang vào mùa. Trong đó, nhiều chương trình nghệ thuật, vở diễn… được phụ huynh chọn để đáp ứng nhu cầu vui hè ý nghĩa và bổ ích dành cho con trẻ.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trước khi chương trình “Ngày xửa ngày xưa” của Sân khấu Kịch Idecaf công diễn suất đầu tiên vào ngày 1/6, các em nhỏ đã và đang được thưởng thức hàng loạt vở diễn, chương trình nghệ thuật đặc sắc khác tại Thành phố Hồ Chí Minh; trong đó có vở diễn “Vương quốc những người xấu xí” phần 2 với tên gọi “Bộ lạc nanh trắng”, được dàn dựng bởi tác giả Vương Huyền Cơ và đạo diễn Huy Hoàng của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ (Quận 3). Để giữ chân khán giả, giá vé của sân khấu dao động từ 70.000 đồng/vé và 200.000 đồng/3 vé, diễn liên tục vào các sáng thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần. Trong nhiều suất diễn vừa qua, vở diễn luôn “cháy” vé.

Cùng con xem kịch thiếu nhi tại Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ, anh Bùi Hồng Quang Nghĩa (ngụ quận Gò Vấp) cho biết, anh là khán giả thân quen của sân khấu từ khi vở “Vương quốc những người xấu xí” mới công diễn phần đầu tiên. Anh Nghĩa cho rằng, các em thiếu nhi luôn cần có không gian tinh thần ngoài các chương trình truyền hình, games show hay giải trí trên mạng. Vì thế, anh mong rằng thời gian tới nhiều đơn vị nghệ thuật tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ quan tâm, đầu tư dàn dựng các tác phẩm kịch, xiếc, múa rối… nhằm đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa của thanh, thiếu niên, nhi đồng.

Chị Trần Thị Thu Giang, giáo viên tại một Trường Mầm non ở quận Tân Bình cũng rủ bạn đưa hai con gái nhỏ đi xem kịch. Chị Giang cho hay, đây là chương trình có nội dung phù hợp, hấp dẫn và bổ ích dành cho các bé. Khi xem kịch trực tiếp, các con có cơ hội được giao lưu với diễn viên, tiếp xúc với nhiều bạn nhỏ. Chị cũng mong rằng, các sân khấu sẽ kết nối mô hình này với nhiều trường học để đem đến cho thiếu nhi những vở kịch hay và hấp dẫn.

Theo Nghệ sỹ ưu tú Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ, khi dựng vở, đơn vị đều cố gắng tạo không gian sân khấu nhiều màu sắc, đậm chất trẻ thơ, vui nhộn, cuốn hút khán giả nhỏ tuổi qua các câu chuyện chung tay bảo vệ thiên nhiên, động vật quý hiếm. Sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo khán giả là tín hiệu tích cực, khả quan cho sân khấu, là động lực để sân khấu ngày một nỗ lực duy trì nhịp diễn và ra mắt thêm các vở mới.

Nhận định về sản phẩm kịch “Bộ lạc nanh trắng” cho thiếu nhi trong mùa hè này, Nghệ sỹ ưu tú Ca Lê Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, vở diễn dù gọn nhẹ, giản dị, tiết kiệm cảnh trí lẫn trang phục nhưng vẫn đủ đẹp, lung linh, kích thích trí tưởng tượng của các bé. Bên cạnh đó, vở diễn còn mang tính hài hước, vui nhộn, biết tạo những câu nói hoặc tình huống để tương tác với các bé, tạo không khí sôi nổi. Nhiều bé chạy lên với diễn viên để hòa nhập vào câu chuyện, tăng thêm tính hấp dẫn. Thông điệp về bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ thiên nhiên được thể hiện một cách sinh động, dễ tiếp nhận đối với lứa tuổi thiếu nhi.

Cũng trong hè này, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam (Quận 5) đang lên phương án thay đổi, dựng mới các chương trình biểu diễn. Bên cạnh các vở kịch xiếc hấp dẫn và cuốn hút khán giả như “Ba Tư huyền bí”, “Công chúa tóc mây”, “Mekong show”, Nhà hát vừa ra mắt chương trình xiếc tổng hợp “Giấc mơ tuổi thơ”, trình diễn những màn xiếc cuốn hút gồm tung hứng với đuốc, vòng tròn, nón, bóng, đu dây trên không, lắc vòng, đạp xe một bánh, múa lụa, trượt patin, lớp học của những chú chó ngoan, xiếc hề… Chương trình diễn liên tục vào 2 ngày cuối tuần trong suốt tháng 6/2022.

Ngoài ra, khu trải nghiệm múa rối và xiếc dành cho trẻ thơ trong khuôn viên rạp xiếc tại Công viên Gia Định (quận Phú Nhuận) sẽ phục vụ thiếu nhi vào sáng Chủ nhật hàng tuần. Nhà hát Múa rối Nụ cười (rối cạn) và Nhà hát Múa rối Rồng Vàng (rối nước), đóng tại Cung Văn hóa Lao động Thành phố Hồ Chí Minh (Quận 1) liên tục phục vụ khán giả các suất diễn vào các sáng thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần.

Về sự trở lại của thương hiệu kịch thiếu nhi “Ngày xửa ngày xưa” mùa thứ 33, ông Huỳnh Anh Tuấn, đại diện Sân khấu Kịch Idecaf cho biết, chương trình có 25 suất diễn từ ngày 1/7 đến 7/8, mỗi vở có thời lượng ngắn hơn so với mọi năm, chỉ khoảng 2 tiếng. Dự kiến, sân khấu sẽ diễn thêm 4 suất vào dịp trung thu và Noel thêm 4 suất nữa. Vé của chương trình này được bán hoàn toàn trên trang mạng Ticketbox và theo từng đợt.

Nói về việc đầu tư sân khấu cho thiếu nhi, ông Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ, ông thích đầu tư lớn, quy mô, với mong muốn làm đúng trách nhiệm đối với con trẻ. Trên thực tế, nếu sân khấu thiếu nhi làm tốt sẽ đạt được rất nhiều hiệu quả như phát triển các loại hình nghệ thuật sân khấu; đẩy mạnh nguồn thu, xây dựng nguồn khán giả tương lai. Trước mắt, một thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh cần xây dựng thêm nhiều sân khấu thiếu nhi để đáp ứng thực tiễn đang thiếu hụt; đồng thời, việc có nhiều sân chơi giải trí nghệ thuật mang tính cộng đồng góp phần hạn chế trẻ con tự “trói buộc” không gian cuộc sống với các thiết bị công nghệ điện tử…

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).