Chiều 10/1, tại Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai phương hướng nhiệm vụ trọng tâm ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 do Sở Du lịch thành phố tổ chức, nhiều doanh nghiệp du lịch-lữ hành đã góp ý nâng tầm giá trị du lịch thành phố trong thời gian tới.
Là thành phố lớn nhất Việt Nam và là một trong những siêu đô thị trong tương lai gần, do đó nhiều doanh nghiệp nhận định Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều tiềm năng và thế mạnh trong phát triển đa dạng loại hình du lịch, nhất là du lịch đô thị, du lịch nội đô.
Du lịch nội đô không dừng lại là lựa chọn thú vị dành cho du khách tại chỗ, du khách đến từ những địa phương khác hay từ nước ngoài khi họ không có nhiều thời gian hay ngân sách hạn chế, mà còn có thể trở thành điểm nhấn trong cả một hành trình dài của du khách tại một quốc gia. Bởi chỉ với du lịch nội đô, du khách có thể tiết kiệm thời gian di chuyển và chi phí so với việc đi du lịch dài ngày ngoại tỉnh hoặc quốc tế; tránh được thủ tục nhập cảnh, thay đổi múi giờ và các yêu cầu Visa...
Theo ông Trần Quang Duy, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần dịch vụ lữ hành Chim Cánh Cụt, để khai thác hiệu quả sản phẩm du lịch nội đô tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngành Du lịch thành phố cần quan tâm xây dựng và cải thiện chất lượng đường bộ tại một số quận, huyện ngoại thành, giải quyết vấn đề giao thông, đưa khách đến tham quan; xây dựng và cải tạo cơ sở vật chất phục vụ tiện ích, tiện nghi như trạm dừng chân, nhà vệ sinh...
Về phía thành phố Thủ Đức và quận, huyện chủ động cung cấp thông tin chính thống cho doanh nghiệp xây dựng bộ thuyết minh chuẩn tại điểm đến; dữ liệu lịch sử, văn hóa, nét đặc trưng gắn với sản phẩm du lịch trên địa bàn nhằm tăng tính hấp dẫn cho sản phẩm.
Còn ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Văn Chính, Phó trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh, cho hay trong thời gian qua và giai đoạn tiếp theo, huyện Cần Giờ sẽ triển khai giải pháp phát huy vai trò của địa phương trong phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch Xanh, hướng đến phát triển bền vững của du lịch Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong đó, địa phương tăng cường hỗ trợ điểm đến du lịch cộng đồng Thiềng Liềng xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia vào mô hình du lịch cộng đồng. Đặc biệt, địa phương sẽ xây dựng những chương trình phát triển du lịch gắn với bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn, bảo tồn đa dạng sinh học và giá trị văn hóa truyền thống.
Bên cạnh ghi nhận những góp ý của cộng đồng doanh nghiệp, cũng như đánh giá cao kết quả đạt được của ngành Du lịch thành phố trong năm qua, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng những nỗ lực quyết tâm bằng hành động cụ thể đã góp phần thu hút 40 triệu lượt khách đến thành phố trong năm ngoái.
Tuy nhiên, bên cạnh sự chủ động tham mưu, phải có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ như "người trong cuộc" của nhiều ngành khác, cũng như phối hợp liên ngành để giữ chân du khách ở lâu tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung.
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Nguyễn Trùng Khánh đề nghị ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2024 cần tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố chủ động triển khai các giải pháp hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động trong ngành Du lịch, thu hút khách du lịch quốc tế theo Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ. Ngành Du lịch chú trọng đẩy mạnh định hướng xây dựng, phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, sản phẩm dịch vụ đặc trưng riêng theo hướng phát huy và khai thác bản sắc và tiềm năng về du lịch trên địa bàn.
Theo Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Nguyễn Trùng Khánh, ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng và triển khai chương trình xúc tiến du lịch của địa phương chú trọng phù hợp với định hướng chung của ngành, bám sát chương trình xúc tiến du lịch Quốc gia.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia luôn đồng hành cùng địa phương thực hiện tốt mọi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong thúc đẩy tăng trưởng du lịch Việt Nam năm 2024 và những năm tiếp theo.