Theo ông Hồ Tấn Minh, mặc dù thực hiện theo Nghị định 81 của Chính phủ (về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, ban hành ngày 27/8/2021) nhưng do đại dịch COVID-19, đến năm học này, TP. Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên học phí theo mức cũ của Nghị định 86.
Đến thời điểm hiện tại, Nghị định 86 quy định về học phí của các cơ sở mầm non, phổ thông công lập đã hết hiệu lực, mặc dù là thời điểm nhạy cảm, cuộc sống của nhiều người dân vẫn chưa phục hồi như thời kỳ trước khi dịch bệnh bùng phát, nhưng Sở Giáo dục và Đào tạo bắt buộc phải đề xuất mức học phí mới theo Nghị định 81. Việc đề xuất này là sự chuẩn bị cho kỳ họp Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh vào tháng 7/2022.
Trước việc dư luận bức xúc vì mức học phí mới tăng gấp 5 lần ở bậc trung học cơ sở và gấp hơn 2 lần cho bậc trung học phổ thông, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh cho biết, Sở vẫn đang đề xuất với thành phố mức "sàn" học phí thấp nhất trong khung của Nghị định 81. Bên cạnh đó, Sở vẫn tiếp tục đề xuất miễn giảm học phí cho học sinh trung học cơ sở dù Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có hướng dẫn.
Theo Nghị định 81 của Chính phủ quy định, khung học phí cho năm học 2022 – 2023 tại bậc mầm non ở thành thị từ 300.000 - 540.000 đồng/tháng/học sinh; bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông ở thành thị từ 300.000 - 650.000 đồng/tháng/học sinh. Căn cứ vào khung này, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh đã đề xuất mức thấp nhất: 300.000 đồng/tháng đối với học sinh mầm non, trung học cơ sở, trung học phổ thông ở các quận trên địa bàn thành phố.
Theo Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh, từ năm 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh đã đề xuất miễn học phí cho học sinh trung học cơ sở. Đề xuất này đã được lãnh đạo thành phố ủng hộ nhưng cuối cùng không thể thực hiện vì vướng thủ tục, quy định hiện hành. Theo đó, TP. Hồ Chí Minh đề xuất miễn học phí cho học sinh trung học cơ sở vì bậc trung học cơ sở hiện là bậc học phổ cập. Việc miễn học phí là một chủ trương nhân đạo nhằm nâng cao dân trí, làm giảm tình trạng nghỉ - bỏ học...
Ở giai đoạn giáo dục cơ bản thì học sinh tiểu học đã được miễn học phí. Sở đề xuất miễn học phí cho học sinh trung học cơ sở để tất cả con em của người dân thành phố được đi học, được trang bị tri thức phổ thông nền tảng.
Đến thời điểm này, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên quan điểm nên miễn học phí cho học sinh trung học cơ sở. Sau khi học hết lớp 9, học sinh sẽ có nhiều con đường để lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp. Từ giai đoạn sau trung học cơ sở, việc thu học phí đối với học sinh là hoàn toàn hợp lý.
Liên quan đến vấn đề hỗ trợ người lao động tại TP. Hồ Chí Minh đi thuê nhà, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Lâm cho biết, dự kiến gần 1,2 triệu người lao động ngoại tỉnh và đang ở thuê tại TP. Hồ Chí Minh sẽ được hỗ trợ tiền thuê nhà với tổng kinh phí gần 2.100 tỷ đồng.
Cụ thể, hơn 987.000 người lao động đang làm việc sẽ được hỗ trợ, tổng kinh phí 1.480 tỷ đồng (1,5 triệu đồng mỗi người) và hơn 205.000 người quay lại thị trường lao động cũng được hỗ trợ tổng số tiền hơn 616 tỷ đồng (3 triệu đồng mỗi người). Số này đã bao gồm người làm việc tại khu công nghiệp, khu chế xuất.
Theo ông Nguyễn Văn Lâm, ngành bảo hiểm xã hội sẽ duyệt hồ sơ doanh nghiệp gửi đến trong hai ngày làm việc. Hiện, 1.439 doanh nghiệp đã gửi hồ sơ và khoảng 15.000 người đã được duyệt. "Số người được duyệt sẽ tăng lên hàng ngày và khi có tiền sẽ gửi về UBND quận huyện rồi chuyển ngay về doanh nghiệp. Thời gian chi trả không quá hai ngày cho người lao động", ông Nguyễn Văn Lâm nói.
Trước tình trạng nhiều người lao động gặp khó khăn khi lấy xác nhận của nhà trọ bởi đây là cơ sở để doanh nghiệp lập danh sách, theo ông Nguyễn Văn Lâm, đây là quan hệ giữa người dân và chủ nhà trọ. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố đã chỉ đạo phòng chuyên môn ở 22 quận, huyện kêu gọi chủ nhà trọ tạo điều kiện cho người lao động hưởng gói hỗ trợ.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh, Quyết định 08 của Thủ tướng về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động quy định rõ ngày doanh nghiệp gửi danh sách cho bảo hiểm xã hội và UBND quận, huyện phê duyệt, thời hạn doanh nghiệp phải chi trả cho người lao động. Để đảm bảo tiến độ, Sở đã tham mưu UBND TP. Hồ Chí Minh lập ba đoàn kiểm tra việc thực hiện chính sách này. Đến ngày 28/3, Chính phủ thông qua chính sách 6.600 tỷ đồng hỗ trợ tiền nhà cho lao động với mức 1,5-3 triệu đồng mỗi người, tối đa ba tháng. Hai nhóm thụ hưởng gồm người có hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội đang làm việc trong doanh nghiệp và người quay lại thị trường lao động, làm việc khu công nghiệp, chế xuất, khu kinh tế, 24 tỉnh thành thuộc 4 vùng kinh tế trọng điểm.
Tính đến hết ngày 16/5, thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có 53 địa phương ban hành kế hoạch triển khai gói hỗ trợ; hai tỉnh Lai Châu, Điện Biên không có lao động thuộc chính sách hỗ trợ và 8 tỉnh chưa có kế hoạch.