Chén trà hữu nghị
Trong các nghi thức ngoại giao, tiệc trà không chỉ là một sự kiện mang tính xã giao mà còn là nhịp cầu kết nối văn hóa và chính trị. Tại Việt Nam, những buổi trà ngoại giao cấp cao đã trở thành điểm nhấn đặc biệt, nơi văn hóa Việt được truyền tải tinh tế qua từng chi tiết nhỏ nhất. Từ hương trà Shan tuyết cổ thụ đến không gian trang trí mang đậm bản sắc dân tộc, mỗi yếu tố đều được chuẩn bị cẩn trọng để không chỉ thể hiện lòng hiếu khách mà còn khẳng định vị thế văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.
Một trong những minh chứng rõ nét cho giá trị của tiệc trà ngoại giao là buổi Bà Ngô Phương Ly, phu nhân Tổng bí thư Tô Lâm tiếp đón bà Dinisia dos Reis Embaló, Phu nhân Tổng thống Guinea-Bissau. Trong không gian được bài trí trang nhã, nữ thượng khách được thưởng thức trà Shan tuyết cổ thụ ướp sen bách diệp Tây Hồ, một biểu tượng của sự thanh tao và tinh tế. Mỗi tách trà không chỉ mang đến hương vị đặc biệt mà còn kể câu chuyện về những cây chè hàng trăm năm tuổi trên đỉnh Suối Giàng, nơi thiên nhiên và con người hòa quyện để gìn giữ tinh hoa truyền thống. Phu nhân Guinea-Bissau bày tỏ sự xúc động khi cảm nhận được sự tôn trọng và chiều sâu văn hóa qua từng chi tiết của buổi tiệc.
Một tiệc trà ngoại giao khác cũng để lại dấu ấn đặc biệt khi Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni tham dự. Được tổ chức trang trọng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, buổi tiệc là sự kết hợp khéo léo giữa nghệ thuật pha trà và các nghi thức ngoại giao chuẩn mực. Từng động tác pha trà thể hiện sự tinh tế, chuẩn xác, vừa phản ánh triết lý sống vừa truyền tải thông điệp văn hóa. Sau buổi tiệc, Quốc vương đã trao tặng món quà mang biểu tượng hoàng gia cho nghệ nhân như một cách ghi nhận và trân trọng giá trị mà Việt Nam truyền tải qua nghệ thuật trà.
![]() |
Tiệc trà ngoại giao trang trọng giữa không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám |
Tiệc trà ngoại giao còn là cơ hội giao lưu văn hóa, nơi các giá trị truyền thống Việt Nam được giới thiệu đến bạn bè quốc tế một cách sinh động. Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 20/10, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã chủ trì buổi trà chiều tiếp đón 28 nữ đại sứ quốc tế. Hai phẩm trà quý, Hồng trà và Bạch trà Shan tuyết Suối Giàng, được lựa chọn kết hợp cùng các món bánh truyền thống mang đậm tinh thần Việt, tạo sự gần gũi với các thực khách. Trong không gian trang trọng, từng câu chuyện về trà, về văn hóa và con người Việt Nam được nhà lãnh đạo chia sẻ, để lại ấn tượng sâu sắc đối với các nữ đại sứ.
Góp phần quan trọng vào thành công của các buổi tiệc trà này là nghệ nhân Đào Đức Hiếu, người đã dành hơn 20 năm nghiên cứu và gắn bó với trà Shan tuyết cổ thụ, loại trà quý được xem là “báu vật” của vùng núi cao Suối Giàng. Với sự am hiểu sâu sắc, niềm đam mê mãnh liệt, nghệ nhân không chỉ mang đến những tách trà thượng hạng mà còn truyền tải được tinh hoa văn hóa Việt qua từng câu chuyện và nghi thức pha trà.
Theo chia sẻ của nghệ nhân Đào Đức Hiếu, điểm chung trong các buổi tiệc trà ngoại giao của Việt Nam là sự cẩn trọng đến từng chi tiết. Từ việc chọn trà đến không gian bài trí đều mang ý nghĩa biểu tượng. Trà Shan tuyết cổ thụ, loại trà quý từ các vùng núi cao, là lựa chọn hàng đầu bởi không chỉ thể hiện được sự tinh tế mà còn gắn liền với câu chuyện gìn giữ di sản. Không gian thưởng trà thường sử dụng các sản phẩm thủ công truyền thống như gốm Bát Tràng, mây tre đan Phú Vinh, và tranh Đông Hồ để tái hiện chiều sâu văn hóa Việt.
Lan tỏa tinh hoa văn hóa
Tiệc trà ngoại giao không chỉ dừng lại ở việc thưởng thức trà, mà còn mở ra cơ hội giới thiệu văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Thành công của mỗi buổi tiệc phụ thuộc rất nhiều vào sự chuẩn bị cẩn trọng cùng phong thái chuyên nghiệp qua những chi tiết nhỏ nhất, từ cách thức tổ chức đến nghệ thuật tiếp đón.
Trong thời đại hội nhập văn hóa toàn cầu, tiệc trà ngoại giao đòi hỏi kỹ thuật pha trà hoàn hảo đi kèm với sự am hiểu sâu sắc về phong tục và đặc thù văn hóa của các quốc gia tham dự. Nghệ nhân trà, người giữ vai trò trung tâm, vừa gây ấn tượng bởi kỹ năng điêu luyện mà vừa có khả năng kể câu chuyện văn hóa qua từng thao tác tinh tế.
Đối với nghệ nhân Đào Đức Hiếu, yếu tố quan trọng nhất khi chuẩn bị một tiệc trà ngoại giao chính là tính chuyên nghiệp, sự trân trọng dành cho thượng khách. Từ lời chào đón đầu tiên đến từng tách trà được dâng lên mời khách, mọi hành động đều toát lên sự lịch thiệp, trang trọng. Trong suốt buổi tiệc, đội ngũ phục vụ luôn duy trì thái độ tinh tế, kín đáo, tạo cảm giác thoải mái, thân thiện dành cho các vị khách quý.
Việc lựa chọn trà và đồ ăn kèm cũng tạo nên điểm nhấn, mang lại sức hút riêng cho mỗi tiệc trà. Những lá trà Shan tuyết cổ thụ được hái từ các vùng núi cao hàng trăm năm tuổi, đạt tiêu chuẩn organic, luôn được ưu tiên để thể hiện đẳng cấp và sự trân trọng. Đi cùng trà là các món ăn nhẹ mang đậm dấu ấn truyền thống, từ bánh cốm, bánh chả đến mứt sen, mứt gừng... Tất cả đều được tinh tuyển để hòa quyện với hương vị trà, đồng thời phù hợp với khẩu vị đa dạng của các vị khách đến từ nhiều quốc gia khác nhau.
![]() |
Tiệc trà ngoại giao giữa phu nhân Ngô Phương Ly và phu nhân Tổng thống Guinea-Bissau |
Không dừng lại ở giá trị ẩm thực, trà và bánh trong tiệc trà ngoại giao còn chứa đựng những giá trị văn hóa sâu sắc. Đó là câu chuyện về nguyên liệu tự nhiên, hương vị thanh đạm đại diện cho lịch sử và phong tục Việt Nam. Chẳng hạn, bánh cốm gợi nhớ về nét xưa của Hà thành, với những con phố nhỏ và hàng cây xanh mát; trà sen Tây Hồ minh chứng cho sự cầu kỳ trong nghệ thuật ướp trà của người xưa. Qua mỗi món trà, bánh, những giá trị về sự hiếu khách, sự coi trọng mối quan hệ giữa các dân tộc được khéo léo truyền tải.
Cùng với đó, không gian bài trí của tiệc trà là yếu tố không thể thiếu trong việc tạo nên ấn tượng mạnh mẽ. Một bàn trà được đặt tại vị trí trung tâm, nổi bật với bộ ấm trà gốm sứ Bát Tràng, khay trà tre đan tinh xảo và hoa sen tỏa hương nhẹ nhàng, đủ để tái hiện bức tranh văn hóa Việt Nam đầy quyến rũ. Không gian ấy không chỉ là nơi diễn ra nghi thức mà còn mang đến cảm giác như bước vào một tác phẩm nghệ thuật sống động. Với sự sắp xếp tỉ mỉ, sự hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại, mỗi tiệc trà không chỉ là một sự kiện ngoại giao mà đã “hô biến” hành trình trải nghiệm văn hóa độc đáo, để lại ấn tượng khó quên trong lòng thượng khách.
Nhịp cầu văn hóa từ trà Việt
Trà luôn gắn bó mật thiết với đời sống người Việt, như lời Chủ tịch nước Lương Cường từng nhấn mạnh. Từ lâu, văn hóa thưởng trà đã thấm sâu vào tâm hồn, trở thành một dòng chảy xuyên suốt lịch sử, gắn bó chặt chẽ với đời sống của con người Việt Nam. Không chỉ là thức uống, trà còn phản ánh tinh thần, phong cách sống, giá trị văn hóa bền vững qua từng thế hệ.
Trong những buổi tiếp đón ngoại giao, trà vượt lên khỏi vai trò một nghi thức để trở thành biểu tượng cho sự giao thoa giữa văn hóa và chính trị. Qua nghệ thuật pha chế tinh tế, những bộ trà cụ truyền thống được chế tác công phu, các món ẩm thực đặc sắc đi kèm, hay không gian thưởng trà đầy ý nghĩa, Việt Nam không chỉ giới thiệu những nét đẹp văn hóa dân tộc mà còn truyền tải thông điệp về sự hiếu khách, bản sắc riêng biệt.
Những buổi tiếp đãi ngoại giao bằng trà góp phần làm cầu nối giữa các nền văn hóa, mở ra những cơ hội trao đổi và hợp tác. Với một tách trà, Việt Nam thể hiện sự tôn trọng và khát vọng xây dựng quan hệ hữu nghị. Bên cạnh câu chuyện về chính trị hay kinh tế, tiệc trà còn là dịp để chia sẻ các giá trị văn hóa, tạo dựng niềm tin, làm sâu sắc thêm sự hiểu biết giữa các quốc gia trên thế giới.
Trong bối cảnh nghệ thuật ngoại giao ngày càng được đề cao, đặc biệt ở các quốc gia nơi trà là biểu tượng văn hóa tiêu biểu, Việt Nam đã khéo léo sử dụng tiệc trà như một phương tiện để quảng bá hình ảnh đất nước. Không chỉ là một quốc gia giàu truyền thống, Việt Nam còn thể hiện mình như một đối tác sẵn sàng kết nối, cởi mở trong cộng đồng quốc tế. Qua từng tiệc trà ngoại giao, bạn bè quốc tế không chỉ thưởng thức hương vị độc đáo của các loại trà Shan tuyết cổ thụ hay trà sen Tây Hồ mà còn cảm nhận được tinh thần hiếu khách và lòng nhiệt thành của người Việt.
![]() |
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân chủ trì tiệc trà ngoại giao tiếp đón 28 nữ đại sứ |
Mỗi nghi thức trong tiệc trà đều ẩn chứa sự tỉ mỉ, thông điệp tinh tế. Ngoài khía cạnh thể hiện sự khéo léo, trà còn kể câu chuyện về thiên nhiên và văn hóa Việt. Những bộ ấm trà gốm sứ với họa tiết hoa sen hay các khay trà làm từ tre nứa thủ công là minh chứng sống động cho sự kết tinh của các làng nghề truyền thống.
Với những giá trị ý nghĩa trên, trà ngoại giao không chỉ giúp Việt Nam quảng bá hình ảnh mà còn củng cố vị thế dân tộc trên trường quốc tế. Từ hương vị của tách trà, sự sắp đặt trang nhã trong không gian, đến thông điệp được truyền tải qua những câu chuyện, trà ngoại giao đã và đang là sợi dây gắn kết con người, mở ra những cánh cửa hợp tác và hiểu biết giữa các nền văn hóa.