Trải nghiệm chợ phiên vùng cao tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam

(Ngày Nay) - "Phiên chợ vùng cao-Chào năm mới 2025," tái hiện không gian văn hóa đậm sắc màu của các dân tộc vùng cao, hứa hẹn mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách.
Chợ phiên của bà con dân tộc Mông ở xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN
Chợ phiên của bà con dân tộc Mông ở xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN

"Chợ phiên vùng cao-Chào năm mới 2025” là chủ đề được tổ chức từ ngày 1/12/2024 đến 1/1/2025 tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), giúp du khách cảm nhận những nét văn hóa truyền thống, đặc trưng của các dân tộc.

Điểm nhấn của chuỗi hoạt động này là chương trình “Chào năm mới 2025” với nhiều hoạt động thú vị như: tái hiện Tết Nào Pê Chầu của dân tộc Mông, tỉnh Điện Biên; chương trình dân ca dân vũ “Niềm vui đón năm mới”; chương trình dân ca dân vũ “Bản Mông vui đón Tết”; chương trình giới thiệu “Món ngon vùng miền-Chào năm mới 2025."

Đến với không khí ngày Tết Nào Pê Chầu, du khách có thể tìm hiểu và khám phá những loại hình Di sản Văn hóa Phi vật thể, trong đó có các nghi lễ trong ngày Tết, thưởng thức ẩm thực với những món ăn theo cách chế biến của người Mông hay hương vị thơm ngon của những chiếc bánh dày được làm bằng các thao tác cầu kỳ; chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các bộ trang phục truyền thống...

Du khách sẽ được lắng nghe những giai điệu dân ca Mông mượt mà hay những âm thanh trầm bổng của tiếng khèn, tiếng sáo; được dõi theo những động tác múa khèn điêu luyện của các chàng trai Mông...

Sau phần nghi lễ là phần hội với các tiết mục dân ca, dân vũ và trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Mông.

Tại chương trình giới thiệu “Món ngon vùng miền-Chào năm mới 2025,” mỗi đồng bào sẽ giới thiệu món ăn đặc trưng của dân tộc mình trong ngày lễ, tết, góp phần tạo thành "mâm cơm đoàn kết."

Một hoạt động điểm nhấn tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam trong tháng 12 là “Phiên chợ vùng cao-Chào năm mới 2025," tái hiện không gian văn hóa đậm sắc màu của các dân tộc vùng cao.

Không gian chợ phiên tái hiện không khí vui tươi khi các chàng trai, cô gái dân tộc Mông xuống chợ, cùng nhau múa khèn, giã bánh dày...

Chợ phiên còn có các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian (đẩy gậy, kéo co, ném còn…), ẩm thực dân tộc, sản vật địa phương, nghề thủ công truyền thống với sắc màu của các dân tộc Mông, Dao, Thái (Thanh Hóa) và các nhóm đồng bào phía Bắc.

Trải nghiệm chợ phiên vùng cao tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam ảnh 1
Nam nữ thanh niên ném pao vui chơi trong ngày Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Mông tại xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN

Không gian chợ có hơn 50 gian hàng bao gồm: 33 gian hàng giới thiệu sản vật địa phương tại khu vực chợ vùng cao; 10 gian nhà lá giới thiệu ẩm thực truyền thống; 9 gian hàng nước phục vụ nhu cầu của du khách tham quan.

Tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam còn có hoạt động giới thiệu, trình diễn múa khèn của dân tộc Mông, tỉnh Thanh Hóa. Tại đây, đồng bào Mông sẽ trình diễn các tiết mục đặc sắc múa khèn đơn, khèn đôi; giới thiệu cấu tạo của chiếc khèn và cách sử dụng khèn tới đồng bào và du khách.

Các nghệ nhân giúp mọi người tìm hiểu về cây khèn, tập thổi khèn, múa khèn, hòa cùng không khí niềm vui của những ngày cuối năm cũ, chào đón năm mới.

Cũng trong dịp này, các hoạt động giới thiệu, trình diễn nghề thủ công truyền thống của các nhóm đồng bào vùng cao sẽ được tổ chức.

Nghề thủ công truyền thống là một trong những nét đẹp văn hóa gắn với cộng đồng các dân tộc vùng cao. Đồng bào giới thiệu các nét văn hóa độc đáo ấy với sắc màu thổ cẩm của nghề thêu và trang trí hoa văn trên vải của nhóm Dao, nhóm Thái tỉnh Thanh Hóa, dệt vải, thêu khăn, đan lát của các đồng bào dân tộc phía Bắc...

Lễ Mừng cơm mới của dân tộc Thái, trích đoạn Lễ hội cầu may của các dân tộc Mông, Dao, Thái tỉnh Thanh Hóa cũng sẽ được tái hiện.

Lễ “mừng cơm mới” là một nét văn hóa truyền thống mang tính nhân văn sâu sắc được người Thái coi trọng và gìn giữ từ đời này sang đời khác. Đây là dịp để người thân trong gia đình, làng xóm hội ngộ, chung vui, chia sẻ với nhau công việc làm ăn, xây dựng gia đình và thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng.

Đồng thời, cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, người dân trong bản lại nô nức rủ nhau đi xin lộc cầu may cho tiêu tan bệnh tật, mùa màng tốt tươi.

Hoạt động cuối tuần tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng có nhiều nội dung đặc sắc như: tìm hiểu về văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc đang sinh sống tại Làng; khám phá và trải nghiệm với không gian cây, hoa dịp cuối năm và đầu Xuân mới với đồng bào qua chương trình giao lưu “Sắc hoa dã quỳ” của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đang hoạt động tại Làng; chương trình giao lưu “Mùa hoa cải về” của đồng bào các dân tộc phía Bắc…

Những nét văn hóa, phong tục tập quán cùng các hoạt động tại “ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam hứa hẹn sẽ mang lại cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị.

Tác phẩm trong "Giấc mơ rực rỡ"
Cảm hứng từ di sản dân gian trong “giấc mơ rực rỡ”
(Ngày Nay) - “Giấc mơ rực rỡ” là tên triển lãm của họa sĩ Khổng Đỗ Duy vừa khai mạc tối qua 3/1/2025 tại Huyen Art House, 8A Đặng Tất, Q.1, TP.HCM. Đây là triển lãm cá nhân lần thứ hai của họa sĩ trẻ sinh năm 1987 quê Vĩnh Phúc, trưng bày hơn 20 tác phẩm được anh vẽ trong hơn một năm qua.
Google thanh toán phí sử dụng nội dung cho các cơ quan báo chí Canada
Google thanh toán phí sử dụng nội dung cho các cơ quan báo chí Canada
(Ngày Nay) - Ngày 3/1, Google thông báo đã thanh toán 100 triệu CAD (tương đương 69 triệu USD) cho các cơ quan báo chí Canada để sử dụng nội dung thông tin trên nền tảng này. Đây là một phần trong thỏa thuận giữa Google và Chính phủ Canada nhằm bù đắp thiệt hại về doanh thu quảng cáo của ngành báo chí truyền thống.