Tranh chấp trên 'nóc nhà' của thế giới

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Trong những năm gần đây, biên giới tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ ngày càng làm gia tăng căng thẳng. Các cuộc đụng độ dọc theo đường biên giới, hay còn được gọi là Đường kiểm soát thực tế (LAC), có nguy cơ dẫn đến xung đột toàn diện giữa hai "gã khổng lồ" châu Á.
Tranh chấp trên 'nóc nhà' của thế giới

Những căng thẳng gia tăng trên dãy Himalaya cũng ảnh hưởng đến Mỹ và chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của nước này. Sự thù địch quân sự giữa hai cường quốc hạt nhân có nguy cơ leo thang thành một cuộc xung đột có thể khiến một cường quốc hạt nhân thứ ba bị cuốn theo, đó là Pakistan. Một cuộc xung đột mở rộng như vậy sẽ là thảm họa đối với khu vực, mặc dù hiện tại nó vẫn còn là một viễn cảnh xa vời.

Nhiều khả năng, tình hình căng thẳng sẽ tiếp tục âm ỉ khi Trung Quốc và Ấn Độ tăng cường năng lực quân sự và xây dựng cơ sở hạ tầng dọc biên giới.

Nếu giao tranh gia tăng dọc theo LAC, Mỹ có thể hỗ trợ Ấn Độ về mặt ngoại giao và quân sự, nhưng sẽ không khoa trương về sự hỗ trợ này. Chính quyền Washington có thể tìm ra những cách sáng tạo để củng cố vị thế của New Delhi, ngay cả khi người Mỹ không tìm cách hòa giải xung đột. Mỹ không thể đơn giản bỏ qua tranh chấp biên giới đang leo thang này cho đến khi nó bùng phát thành một cuộc xung đột toàn diện, và cũng không thể hoàn toàn đứng ngoài cuộc.

Đối đầu trên dãy Himalaya

Trung Quốc và Ấn Độ hiện chưa đạt thỏa thuận thống nhất về đường biên giới chung của hai nước mà chỉ có một đường biên giới kế thừa từ thời thuộc địa Anh trải dài theo nhiều dải đất xa xôi và phần lớn không có người ở của dãy Himalaya. Tranh chấp bùng phát thành chiến tranh vào năm 1962, với ưu thế nghiêng về phía Trung Quốc.

Từ cuối những năm 1980 cho đến giữa những năm 2010, tình hình trên dãy Himalaya vẫn tương đối yên bình và hai bên đã tiến hành các cuộc đàm phán lẻ tẻ để giảm căng thẳng. Hai nước hy vọng sẽ gác lại tranh chấp biên giới và tập trung vào các lĩnh vực khác trong mối quan hệ của họ. Nhưng mối quan tâm của Trung Quốc trong việc củng cố sự kiểm soát đối với khu vực Tây Tạng và nhận thức của nước này về mối quan hệ đang được củng cố giữa Ấn Độ và Mỹ đã khiến Bắc Kinh công khai sử dụng những luận điệu gay gắt hơn vào khoảng năm 2007.

Cùng với những tuyên bố có phần hiếu chiến đó, Trung Quốc bắt đầu thực hiện các hành động khiêu khích dọc theo LAC, dẫn đến hai cuộc xung đột vào năm 2013 và 2014, và một cuộc đối đầu kéo dài vào mùa hè năm 2017 tại Doklam, nơi giáp ranh giữa Bhutan, Trung Quốc và Ấn Độ, khi Trung Quốc đã cố gắng xây dựng một con đường.

Việc hoàn thành con đường đó sẽ mang lại cho Bắc Kinh một vị trí quân sự vững chắc trong khu vực, cho phép quân đội Trung Quốc trông ra một dải đất của Ấn Độ được gọi là "Cổ gà" - một hành lang nối các bang phía đông bắc của Ấn Độ với phần còn lại của đất nước. May mắn thay, không có cuộc giao tranh nào trong số này dẫn đến thiệt mạng.

Tình hình đã thay đổi vào tháng 6 năm 2020 tại thung lũng sông Galwan ở Ladakh, khu vực biên giới phía tây, nơi 20 binh sĩ Ấn Độ và ít nhất 4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng trong một cuộc ẩu đả tay đôi. Cuộc đụng độ diễn ra sau đợt tăng cường quân sự lớn của Trung Quốc vào mùa xuân năm 2020 với 30.000 binh sĩ cùng với xe tăng và pháo binh tại 5 địa điểm khác nhau dọc theo LAC, bao gồm cả những khu vực mà Ấn Độ thường xuyên tuần tra.

Chính quyền Bắc Kinh sau đó cũng triển khai máy bay chiến đấu và máy bay ném bom, lực lượng tên lửa và radar phòng không tại một số điểm dọc theo biên giới tranh chấp.

Kể từ đó, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã rút lực lượng khỏi các vị trí gây tranh cãi nhất và thiết lập các vùng đệm tạm thời, nhưng cả hai bên đều giữ lại một số lượng lớn binh lính dọc biên giới. Một cuộc đụng độ diễn ra gần Tawang, ở bang Arunachal Pradesh, miền Đông Ấn Độ, vào tháng 12 năm 2022 là một lời nhắc nhở rằng, mặc dù sự chú ý gần đây tập trung vào Ladakh, nhưng nhiều điểm nóng khác dọc theo tuyến biên giới ngàn dặm có thể bùng phát thành cuộc khủng hoảng tại bất cứ lúc nào.

Bắc Kinh muốn tiến tới một mối quan hệ song phương rộng lớn hơn với New Delhi, bất kể tình trạng tranh chấp biên giới của hai bên như thế nào, nhưng New Delhi không nghĩ vậy. Ấn Độ muốn đặt điều kiện để bình thường hóa quan hệ song phương chỉ khi Trung Quốc sẵn sàng cho quân quay trở lại các vị trí dọc theo tuyến biên giới như thời điểm trước tháng 5 năm 2020.

New Delhi khẳng định rằng hai bên vẫn cần đàm phán về việc rút quân ở Đồng bằng Depsang, một khu vực thuộc phần phía bắc của LAC, cũng như Charding Nullah xa hơn về phía nam. Các quan chức Ấn Độ tin rằng Trung Quốc muốn buộc họ phải chấp nhận tình hình theo kiểu “sự đã rồi”, khiến quân đội Ấn Độ không thể tuần tra các khu vực mà họ đã kiểm soát trước đây, dẫn đến việc New Delhi về cơ bản phải nhượng lại lãnh thổ mà họ tuyên bố chủ quyền.

Nguồn lực dồi dào của Trung Quốc cho phép các lực lượng vũ trang nước này tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng với tốc độ nhanh để hỗ trợ các hoạt động quân sự ở biên giới. Trung Quốc đang củng cố vị trí quân sự của mình dọc theo biên giới phía tây bằng cách xây dựng và nâng cấp các sân bay, bãi đáp trực thăng, đường bộ, đường sắt và các cơ sở hạ tầng khác. Những con đường mới của Bắc Kinh đi qua những khu vực đặc biệt nhạy cảm.

Ví dụ, như một phần của chương trình cơ sở hạ tầng quốc gia lớn, Trung Quốc đang xây dựng đường cao tốc G695, nối Tân Cương và Tây Tạng qua khu vực Aksai Chin (Ấn Độ đã mất vào tay Trung Quốc trong cuộc chiến năm 1962), điều này sẽ cho phép Trung Quốc triển khai quân đội dễ dàng hơn đến LAC. Sau khi hoàn thành, con đường này sẽ trở thành tuyến cao tốc lớn thứ hai được xây dựng ở Aksai Chin kể từ năm 1955.

Chính quyền Bắc Kinh cũng đang xây dựng một cây cầu thứ hai bắc qua các khu vực tranh chấp của Hồ Pangong ở Ladakh, cũng được thiết kế để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc triển khai quân tới khu vực. Cuối cùng, Trung Quốc gần đây đã xây dựng một số công trình lớn dọc theo LAC để làm nơi đóng quân trong mùa đông.

Theo một ước tính của Ấn Độ, việc mở rộng các cơ sở của Trung Quốc trong hai năm qua sẽ cho phép nước này đồn trú 120.000 quân trong vòng gần 100 km tính từ biên giới tranh chấp đối diện với phía đông Ladakh.

Phần lớn sự gia tăng quân số của Ấn Độ dọc theo LAC kể từ cuộc đụng độ năm 2020 đến từ việc tái triển khai và tái cân bằng lực lượng của nước này. Ví dụ: vào tháng 6 năm 2021, Ấn Độ đã chuyển khoảng 50.000 quân tới LAC, mà 20.000 quân trong số đó được rút khỏi biên giới phía tây đang tranh chấp với Pakistan.

Ấn Độ cũng đã tăng cường khả năng phòng thủ dọc theo LAC, triển khai máy bay không người lái cho các hoạt động giám sát ở phía đông Ladakh và tiến hành các cuộc tập trận trên không trong khu vực.

Mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn với Mỹ đã cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang Ấn Độ và cho phép New Delhi mua sắm các hệ thống vũ khí tiên tiến hơn.

Ấn Độ cũng được hưởng lợi từ cuộc tập trận quân sự hàng năm mà nước này tổ chức với Mỹ có tên là Yudh Abhyas, diễn ra ở địa hình cao và giúp Ấn Độ trau dồi khả năng chống lại đối phương khi tác chiến ở khu vực núi cao. Vào đầu tháng 12 năm 2022, quân đội Mỹ và Ấn Độ đã hoàn thành cuộc tập trận lần thứ 18, lần này là ở vùng núi thuộc bang Uttarakhand của Ấn Độ, chỉ cách LAC 96 km. Trung Quốc phản đối cuộc tập trận, cho rằng nó vi phạm tinh thần của các thỏa thuận biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ vào năm 1993 và 1996.

"Nhân tố" Pakistan

Khi căng thẳng biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ vẫn ở mức cao, Pakistan có thể sẽ đóng một vai trò quan trọng. Việc Trung Quốc và Pakistan duy trì mối quan hệ thân thiết đã khiến Ấn Độ lo ngại rằng chính quyền Islamabad sẽ tìm cách khai thác căng thẳng giữa New Delhi và Bắc Kinh.

Pakistan được coi là kẻ thù không đội trời chung của Ấn Độ kể từ khi cả hai quốc gia được thành lập vào năm 1947, chủ yếu là do tranh chấp giữa hai nước đối với vùng lãnh thổ Jammu và Kashmir. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Trung Quốc hoặc Pakistan, Ấn Độ lo sợ nước còn lại sẽ tham chiến. Các chiến lược gia Ấn Độ ngày càng quan ngại rằng họ phải chuẩn bị cho quân đội Ấn Độ chiến đấu trên hai mặt trận.

Pakistan có thể sẽ thận trọng trong bất kỳ cuộc xung đột biên giới tiềm tàng nào giữa Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng New Delhi cũng phải tính đến chiến lược và các hoạt động của Pakistan trong bất kỳ đánh giá toàn diện nào về tranh chấp biên giới với Trung Quốc.

Sau cuộc đụng độ ở thung lũng Galwan giữa Trung Quốc và Ấn Độ vào tháng 6 năm 2020, một số quan chức quân sự cấp cao của Ấn Độ đã suy đoán rằng Pakistan có thể cố gắng tận dụng thời điểm nguy hiểm và tấn công các lực lượng Ấn Độ dọc theo Đường kiểm soát (LOC) ngăn cách Kashmir do Pakistan quản lý với vùng Kashmir do Ấn Độ quản lý. Pakistan cho đến nay vẫn đứng ngoài cuộc. Năm 1962, lần cuối cùng Trung Quốc và Ấn Độ tham chiến, áp lực từ Washington đã thuyết phục Islamabad không tham chiến.

Dù không tạo ra mặt trận thứ hai, Pakistan vẫn có thể hỗ trợ Trung Quốc trong trường hợp xảy ra khủng hoảng biên giới Trung Quốc - Ấn Độ trong tương lai. Pakistan có thể quyết định tiến hành các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn cho thấy tinh thần sẵn sàng tham chiến. Các đơn vị tình báo và quân đội Pakistan có thể khuyến khích các nhóm khủng bố tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu trong khu vực Kashmir do Ấn Độ quản lý hoặc tại các thành phố lớn của Ấn Độ.

Hoặc Islamabad có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm cảnh báo New Delhi. Những động thái này của Pakistan sẽ buộc Ấn Độ phải xem xét điều động các nguồn lực và sự chú ý từ LAC sang LOC, điều này có khả năng mang lại lợi thế quân sự cho Trung Quốc.

Vai trò của Mỹ

Các quan chức Ấn Độ tin rằng Trung Quốc đang cố gắng kiềm chế đối thủ bằng cách buộc nước này chuyển nhiều nguồn lực hơn vào việc bảo vệ cả sườn biên giới phía tây với Pakistan và sườn phía đông với Trung Quốc. Bị kéo dãn cả hai đầu, Ấn Độ ít có khả năng thách thức Trung Quốc. Bạo lực và tăng cường quân sự dọc theo LAC vào năm 2020 đã giúp làm rõ tư duy chiến lược của Ấn Độ đối với Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Ấn Độ giờ đây nhận thức được một thách thức cơ bản từ Trung Quốc giống như các nhà lãnh đạo Mỹ.

Tất nhiên, Ấn Độ không tìm kiếm hoặc mong đợi bất kỳ sự tham gia trực tiếp nào của Mỹ vào tranh chấp biên giới với Trung Quốc, nhưng Ấn Độ nên tự tin rằng họ có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ của Mỹ, nếu được yêu cầu. Vào năm 2020, ngay sau cuộc đụng độ Galwan, Mỹ đã cung cấp thông tin tình báo quan trọng, cũng như thiết bị, bao gồm cả việc cho thuê hai máy bay không người lái giám sát.

Các quan chức cấp cao của Ấn Độ đã lưu ý rằng sự hỗ trợ này rất quan trọng trong việc giúp nước này bảo vệ biên giới của mình. Chiến lược An ninh Quốc gia của chính quyền Tổng thống Joe Biden, được công bố vào tháng 10 năm 2022, cũng nêu rõ rằng Mỹ sẽ hỗ trợ Ấn Độ trong bất kỳ cuộc khủng hoảng biên giới nào trong tương lai với Trung Quốc.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ nên xem xét điểm bùng phát có thể xảy ra này một cách nghiêm túc hơn, đề cập đến nó trong mọi tài liệu và bài phát biểu chiến lược liên quan đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Mỹ cũng có thể thường xuyên chỉ trích các nỗ lực gây hấn của Bắc Kinh tại các diễn đàn đa phương, bao gồm tại Liên Hợp Quốc, Đối thoại Shangri-La, hội nghị thượng đỉnh G-20 và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á.

Các phương tiện truyền thông Ấn Độ theo sát các đề cập về Ấn Độ ở Washington. Bằng cách chỉ đề cập đến sự hỗ trợ của Mỹ trong việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ, các quan chức của Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao sẽ giành được sự tin tưởng của chính phủ và công chúng Ấn Độ.

Mỹ cũng có thể cung cấp cho Ấn Độ công nghệ quân sự tinh vi mà nước này cần để bảo vệ biên giới của mình, đồng thời khởi xướng việc hợp tác sản xuất và hợp tác phát triển các thiết bị đó, cũng như khuyến khích New Delhi giảm sự phụ thuộc vào vũ khí của Nga.

Mặc dù Ấn Độ đã chi ra 20 tỷ USD để mua vũ khí Mỹ trong 15 năm qua, nhưng nước này đã không thực hiện một giao dịch mua quân sự lớn nào với Mỹ kể từ thỏa thuận mua máy bay trực thăng trị giá 3,5 tỷ USD được ký vào tháng 2 năm 2020.

Cuối cùng, Washington nên gửi thông điệp tới Islamabad, khuyến khích Pakistan giữ thái độ trung lập trong trường hợp bùng phát xung đột dọc biên giới Trung Quốc-Ấn Độ trong tương lai. Mặc dù có mối quan hệ đối tác lâu dài với Trung Quốc, Pakistan gần đây đã chỉ ra rằng họ không muốn trở nên quá phụ thuộc vào sự trợ giúp của Trung Quốc và muốn cải thiện mối quan hệ với Mỹ. Cựu tham mưu trưởng quân đội Pakistan và Ngoại trưởng hiện tại của nước này đều đã đến thăm Washington vào cuối năm ngoái. Mặc dù Mỹ có thể sẽ kiềm chế việc nối lại viện trợ quân sự quy mô lớn, nhưng Washington có thể mang lại cho nền kinh tế đang bị bao vây của Pakistan dòng vốn đầu tư rất cần thiết, cũng như hỗ trợ cho một gói viện trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Nếu Mỹ không ủng hộ Ấn Độ trong tranh chấp biên giới với Trung Quốc, thì Bắc Kinh có thể sẽ được khuyến khích tiếp tục các hoạt động gây hấn. Các đồng minh và đối tác khác của Mỹ sẽ lưu ý đến việc chính quyền Washington thờ ơ với hoàn cảnh của New Delhi, và Mỹ dường như là một đối tác không đáng tin cậy khi nói đến việc chống lại sự xâm lược của Trung Quốc.

Ngược lại, điều này sẽ khuyến khích các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khác thỏa hiệp, thay vì đứng lên chống lại Trung Quốc và các chiến thuật gây hấn của nước này, do đó làm suy yếu mục tiêu của Mỹ trong việc duy trì một trật tự có lợi cho nước này trong khu vực.

Theo Foreign Affairs
Những thách thức Australia phải đối mặt khi tỷ lệ sinh giảm
Những thách thức Australia phải đối mặt khi tỷ lệ sinh giảm
Dữ liệu mới nhất do Cục Thống kê Australia (ABS) công bố cho thấy tỷ lệ sinh ở Australia hiện thấp gần như ở mức kỷ lục, cho dù nước này đã áp dụng chính sách “tiền thưởng sinh con” từ cách đây 20 năm (2004) để khuyến khích người dân sinh con nhằm khắc phục tình trạng già hóa dân số. Các chuyên gia cho rằng thực tế này có thể gây ra những hậu quả sâu rộng đối với lực lượng lao động, hệ thống y tế và bản sắc văn hóa của đất nước.
Dịch tả nguy hiểm nhất trong hơn 10 năm qua hoành hành miền Nam châu Phi
Dịch tả nguy hiểm nhất trong hơn 10 năm qua hoành hành miền Nam châu Phi
Dịch tả tại khu vực miền Nam châu Phi đang trở nên đáng báo động với các nước Zambia, Zimbabwe và Malawi trở thành tâm điểm của đợt bùng phát nguy hiểm nhất ở châu lục trong ít nhất một thập kỷ này, nhất là trong bối cảnh kho dự trữ vaccine phòng tả toàn cầu đã cạn kiệt.
Đại tá Nguyễn Hữu Tài và Đại tá, PGS, TS Nguyễn Mạnh Hà tham gia buổi giao lưu, tọa đàm.
70 năm - Vang mãi bản hùng ca Điện Biên
(Ngày Nay) - Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), ngày 16/4, tại Hà Nội, Thư viện Quân đội (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) tổ chức giao lưu, tọa đàm với chủ đề “70 năm - Vang mãi bản hùng ca Điện Biên”.
Ảnh minh hoạ.
Xác thực trên 96,4 triệu thông tin nhân khẩu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và dân cư
(Ngày Nay) - Thông tin về triển khai Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh BHXH Việt Nam cho biết, thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu, đến nay, trên 96,4 triệu thông tin nhân khẩu có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm đã được xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có khoảng 87,7 triệu người đang tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.
Tập quán xã hội và tín ngưỡng Mo Mường của đồng bào dân tộc Mường (Nho Quan, Ninh Bình) được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể
(Ngày Nay) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 39/2024/NĐ-CP quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ dâng hương Miếu Ông, Miếu Bà tại Lễ hội Chợ Phong lưu Khâu Vai 2023.
Nhiều hoạt động đặc sắc sẽ diễn ra tại Lễ hội Chợ phong lưu Khâu Vai 2024
(Ngày Nay) - Lễ hội Chợ phong lưu Khâu Vai 2024 bao gồm nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao phong phú, đa dạng, như: Lễ dâng hương miếu Ông, miếu Bà; giao lưu văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian truyền thống thi leo cột chinh phục tình yêu, đánh yến, trình diễn thổi khèn Mông, múa nhảy lửa, múa trống đồng; điệu nhảy trên cây của dân tộc Lô Lô, trưng bày và giới thiệu các sản phẩm nông sản đặc trưng...
Đèn Maple Leaf của Tiffany Studios. Ảnh: The Lamps of Louis Comfort Tiffany
Họa tiết lá phong: Khi nghệ thuật hòa quyện cùng thiên nhiên trên đèn kính màu Tiffany
(Ngày Nay) - Cuốn hút như những chiếc lá phong mùa thu, đèn Maple Leaf của Tiffany Studios là một kiệt tác nghệ thuật kết hợp tinh tế giữa vẻ đẹp tự nhiên và sự sáng tạo của con người. Từng đường nét, từng sắc thái màu sắc đều được trau chuốt tỉ mỉ, mang đến một bức tranh đầy ấn tượng.