Những giải thưởng hàn lâm
Cứ tháng 3 hàng năm là giới yêu điện ảnh lại nhốn nháo với giải Oscar, giải thưởng cao quí nhất của những nhà làm phim trên thế giới. Kể từ năm 1929, trong suốt gần một thế kỷ qua, các đạo diễn, diễn viên, biên kịch và tất cả những người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh đều đặn hướng về Los Angeles hàng năm để ngóng chờ những cái tên được xướng lên. Nhưng giải Oscar, thực chất là một giải thưởng điện ảnh của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh (AMPAS), chứ không phải của chính phủ Hoa Kỳ.
AMPAS là một tổ chức được thành lập năm 1927 tại Hoa Kỳ với mục đích vinh danh những thành tựu sáng tạo trong nghệ thuật điện ảnh. Hiện nay AMPAS có khoảng trên 6.000 hội viên, là những người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, phần lớn trong số họ là các nghệ sĩ điện ảnh Hoa Kỳ. Bên cạnh Oscar, AMPAS còn trao Giải Oscar sinh viên cho các nhà làm phim trẻ, một số học bổng chuyên ngành điện ảnh.
Một giải thưởng cũng tốn nhiều giấy mực không kém, đó là giải Pulitzer dành cho giới báo chí và văn học. Đặc biệt là trong lĩnh vực báo chí, Pulitzer được coi là giải quan trọng nhất thế giới. Những loạt phóng sự điều tra, những bức ảnh đạt giải Pulitzer ghi lại những thời khắc đặc biệt trong từng năm, luôn bộc lộ những mảng tối tăm nhất và cũng mở ra những hy vọng thay đổi. Nhưng giải này cũng không được điều hành bởi chính phủ Hoa Kỳ.
Đứng đằng sau nó là Viện đại học Columbia - viện đại học nghiên cứu tư thục nằm ở quận Manhattan, thành phố New York, tiểu bang New York, Hoa Kỳ. Joseph Pulitzer, chủ bút báo New York World, đã đóng góp cho trường Đại học Clolumbia hai triệu USD để xây dựng khoa báo chí mới và giải thưởng mang tên ông, vào năm 1917. Hiện nay, giải Pulitzer có tới 21 nội dung, người chiến thắng ở mỗi hạng mục sẽ được nhận giấy chứng nhận và giải thưởng tiền mặt trị giá 15.000 USD.
Tương tự, người ta có thể dễ dàng kể ra những giải thưởng danh giá nhất trong các lĩnh vực học thuật, đều được trao bởi các tổ chức phi chính phủ. Sẽ có nhiều người ngạc nhiên khi biết rằng Viện hàn lâm khoa học Thụy Điển - nơi quyết định sự tưởng thưởng cao nhất trong giới nghiên cứu - giải Nobel, là một tổ chức độc lập với chính phủ Thụy Điển. Tiền thưởng của giải Nobel, cũng được quyết định bởi quỹ Nobel, một quỹ được thành lập theo di chúc của nhà phát minh Alfred Nobel.
Những huân chương hiếm hoi
Một trong những buổi lễ cuối cùng tại nhiệm ở Nhà Trắng, cựu Tổng thống Barack Obama đã khiến "phó tướng" Joe Biden rơi nước mắt. Vị tổng thống da màu đầu tiên của Hoa Kỳ đã bất ngờ trao cho người đồng hành cùng mình 8 năm qua huân chương Tự do của Tổng thống - danh hiệu cao quí nhất với một công dân Hoa Kỳ.
Cựu tổng thống Obama đã không tiếc những lời khen tặng dành cho một người mà ông gọi là "sự lựa chọn tốt nhất, không chỉ với tôi, mà cả với nhân dân Hoa Kỳ". 36 năm làm thượng nghị sĩ và 8 năm giữ chức Phó tổng thống, không chỉ ghi dấu ấn trên chính trường, Joe Biden còn khiến người ta phải nghiêng mình vì sự giản dị và hết lòng vì gia đình. 44 năm làm chính trị gia, ngày nào ông cũng đi tàu lửa từ Delaware đến Washington D.C, chứ không dùng xe công vụ đưa đón, đơn giản "để được chúc các con ngủ ngon mỗi đêm, và hôn chúng vào buổi sáng ngày hôm sau”.
Huân chương tự do của Tổng thống dùng để trao tặng cho những đóng góp đặc biệt trong giữ gìn an ninh công cộng, lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ, thế giới hòa bình hay lĩnh vực văn hóa hoặc các nỗ lực đáng kể của một cá nhân hay tập thể. Huân chương này bắt đầu được trao tặng từ năm 1946. Từ năm 1946 đến 1993, mỗi năm hầu như chỉ có 1 người được tặng huân chương này mà thôi. Từ năm 1994 trở đi, số người có vinh dự này nhiều hơn, khoảng 11 người 1 năm.
Còn tại Anh, Huân chương Chữ thập Victoria (VC) là phần thưởng cao quý nhất của Nữ hoàng Anh và Vương quốc Anh dành cho các cá nhân, đơn vị quân đội hoặc đơn vị phục vụ quân đội. Huân chương này được Nữ hoàng Victoria trao tặng lần đầu tiên vào ngày 29 tháng 1 năm 1856. Từ năm 1856 đến nay, tổng cộng có 1.355 người được nhận Huân chương chữ thập Victoria.
Theo thống kê, thì 628 chiếc huân chương VC được trao tặng trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Còn kể từ sau khi Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc đến nay, chiếc huân chương cao quí này chỉ xuất hiện thêm 15 lần, trong đó, 4 chiếc trong Chiến tranh Triều Tiên, 1 chiếc trong xung đột giữa Indonesia - Malaysia năm 1965, 2 chiếc trong chiến tranh Manivat 1982, 1 chiếc cho chiến tranh Iraq năm 2003 và 3 chiếc cho cuộc chiến tại Afghanistan vào năm 2006 và 2012…
Sự hiếm hoi này đã khiến chiếc huân chương VC trở nên vô cùng quí giá, thậm chí là được săn lùng. Từ năm 1879 đến nay, có 300 chiếc huân chương VC được tổ chức bán đấu giá công khai, bên cạnh đó còn có nhiều chiếc được bán bí mật. Kỉ lục được thiết lập năm 2009, khi một chiếc VC được mua với giá 1,5 triệu bảng Anh.
Tương tự như vậy, ở Pháp, huân chương cao quí nhất của nhà nước này là Bắc đẩu bội tinh. 215 năm qua, Bắc đẩu bội tinh được trao cho khoảng hơn 110.000 cá nhân. Bắc đẩu bội tinh có 5 cấp bậc chính: Hiệp sĩ, Sĩ quan, Chỉ huy, Đại sĩ quan, Binh đoàn danh dự. Không chỉ là danh hiệu dành riêng cho phững công dân Pháp có đóng góp đặc biệt cho đất nước, Bắc đẩu bội tinh còn được trao tặng cho những người nước ngoài, thường là các nguyên thủ quốc gia, các thành viên quốc hội, các đại sứ và bất cứ người nước ngoài nào có công trạng lớn đối với nước Pháp. Năm 2015, Pháp trao tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh cho ba công dân Hoa Kỳ giúp ngăn chặn một vụ tấn công trên tàu cao tốc Pháp. Những vị khách dũng cảm được nhận cấp Hiệp sĩ, cấp phổ biến nhất.
Dễ nhận thấy rằng, những sự tưởng thưởng cấp nhà nước thường mang tính chính trị cao. Và ngay cả trong trường hợp các giải thưởng này được dành cho những cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, như khi “Mr. Bean” hay Alex Ferguson được Nữ hoàng Anh phong tước, thì mục đích của nó cũng thường là để vinh danh các đóng góp vào “quyền lực mềm” của nền văn hóa quốc gia đó trên tầm thế giới - thay vì công bằng với mọi cống hiến.
Vào tháng 9 của năm trước, Ủy ban Nobel bí mật gửi mẫu đề cử cho 3.000 chuyên gia là những người từng được nhận giải Nobel, thành viên của đơn vị trao thưởng, các chuyên gia trong lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Sinh học hoặc Y học, các giáo sư đầu ngành của nhiều trường đại học và các viện nghiên cứu nổi tiếng trên thế giới.
Tháng 2 của năm trao giải là thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ. Ủy ban Nobel sẽ sàng lọc và lựa ra các ứng cử viên. Sau đó, hội đồng chọn ra khoảng từ 250-350 người lọt vào vòng tiếp.
Từ tháng 3 đến tháng 5, các chuyên gia đánh giá công trình của các ứng cử viên, sau đó Ủy ban Nobel tiến cử người đạt giải để Viện Hàn lâm chọn trên đa số phiếu bầu.
Tháng 6 đến tháng 8, Ủy ban Nobel tập hợp các báo cáo có kèm theo danh sách tiến cử gửi cho Viện Hàn lâm. Bản báo cáo này được các thành viên hội đồng cùng ký tên.
Vào đầu tháng 10, Viện Hàn lâm chọn ra người đoạt giải dựa trên đa số phiếu bầu. Đây là lựa chọn cuối cùng hầu như không có sự thay đổi nào khác, sau đó chính thức công bố tên người đoạt giải. Việc bỏ phiếu để chọn ra người đoạt giải Nobel được giữ bí mật đến giờ chót.
Hàng năm, trước ngày 15-11, Ban tổ chức sẽ phải công bố danh sách những người được nhận phần thưởng cao quý này.
Trong lịch sử trao giải, có một số giải Nobel gây tranh cãi:
Nobel Văn học năm 2004
"Elfriede là ai?", nhiều người đã tự hỏi như vậy khi Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển chọn nữ nhà văn người Áo Elfriede Jelinek để trao giải Nobel Văn học năm 2004.
Hầu như không được biết đến bên ngoài thế giới nói tiếng Đức (Áo là nước sử dụng tiếng Đức), Jelinek được biết đến với các tiểu thuyết và vở kịch "mang dòng chảy du dương của những tiếng nói và giọng điệu đối nghịch". Lập trường theo khuynh hướng tả của bà là nguyên cớ dẫn đến những chỉ trích cho rằng, việc trao giải cho bà có động cơ chính trị, nhưng các nhà chấm giải bác bỏ chỉ trích này.
Nobel Y học năm 2011
Năm 2011, giải Nobel Y học dành cho ba giáo sư Jules Hoffman (Pháp), Bruce Beutler (Mỹ) and Ralph Steinman (Canada) gây tranh cãi vì giáo sư Steinman qua đời ba ngày trước khi giải được công bố.
Theo quy định, giải Nobel không được trao cho người đã khuất. Nếu một người đoạt giải Nobel qua đời sau khi giải thưởng được công bố nhưng trước khi giải chính thức được trao vào ngày 10/12 hàng năm, họ vẫn được công nhận giải thưởng. Ủy ban chấm giải Nobel Y học không biết rằng Steinman, giáo sư tại Đại học Rockefeller, Mỹ đã qua đời trước khi công bố giải.
Sau một cuộc họp khẩn cấp, các quan chức giải Nobel quyết định dành một ngoại lệ cho trường hợp của Steinman và thông báo rằng: "Giải Nobel Y học dành cho Ralph Steinman được quyết định bằng sự thiện chí, dựa trên giả định rằng người đoạt giải vẫn còn sống". Vợ của Steinman sau đó đã nhận giải tại lễ trao chính thức.
Giải Nobel Văn học 2016 trao cho nhạc sĩ Bob Dylan (Mỹ) cũng là một sự ngạc nhiên. Bob Dylan cũng không đến nhận giải mà phải 5 tháng sau khi được công bố trao giải và 3 tháng sau khi Thụy Điển tổ chức lễ trao giải chính thức, Bob Dylan mới nhận giải thưởng danh giá này, kèm số tiền 900.000 USD.
Trong khi đó, Mahatma Gandhi, người chỉ đạo cuộc kháng chiến chống chế độ thực dân của Đế quốc Anh và giành độc lập cho Ấn Độ, chưa bao giờ đoạt giải Nobel Hòa bình được nhìn nhận là một thiếu sót.
Khó có ai trong lịch sử hiện đại có thể được xem là biểu tượng của cuộc đấu tranh bất bạo động hơn ông Gandhi. Tuy nhiên, dù được đề cử 5 lần, ông Gandhi chưa bao giờ đoạt giải. Ủy ban Nobel Na Uy sau đó thừa nhận rằng đây là một sự thiếu sót và năm 1989, hơn 40 năm sau khi ông Gandhi qua đời, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Egil Aarvik đã bày tỏ lòng tôn kính đến Gandhi.