|
Xe tự lái của Waymo |
Nhìn lại AI của 2018
Năm 2018 được ghi nhận như một dấu mốc lớn đối với các phương tiện tự hành (autonomous), theo cả mặt tích cực lẫn tiêu cực.
Hồi đầu năm 2018, công ty chuyên nghiên cứu xe tự lái Waymo của Google đã phải đối mặt với Uber trong các vụ kiện về quyền sở hữu trí tuệ.
Chỉ vài tháng sau, dù đã xóa bỏ được những mâu thuẫn, song hai cái tên Waymo và Uber vẫn được chú ý trong làng công nghệ xe tự hành vì những lý do... khác biệt.
Xe tự hành của Uber đã gây ra tai nạn chết người đầu tiên trong ngành, khiến doanh nghiệp này phải tạm ngừng các dự án thử nghiệm. Vụ việc trên cũng khiến các công ty sản xuất xe tự hành khác phải đưa chương trình thử nghiệm xe của họ vào trạng thái tạm dừng.
Đến cuối năm 2018, thử nghiệm xe tự hành của Uber đã được khởi động trở lại, nhưng ở chế độ thủ công (tức là có người điều khiển). Một số chuyên gia đặt câu hỏi nếu vẫn cần người lái như vậy thì sao Uber có thể nói đây là xe tự hành.
Trong khi đó, Waymo của Google đã công bố dịch vụ xe không người lái dưới thương hiệu Waymo One. Có lẽ cuối cùng những chiếc xe tự lái đã chính thức có mặt, nhưng kinh nghiệm ban đầu đã cho thấy rằng vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết trước khi các phương tiện có khả năng tự chủ hoàn toàn.
Cùng với đó, các thiết bị tích hợp trợ lý “ảo” và được điều hành thông qua giọng nói đã có một vị trí lớn trong xu hướng AI trong năm 2018.
Những thiết bị này đã được đầu tư về mặt ngoại hình một cách đáng kể, với Amazon, Google, Microsoft, Apple, Samsung đều đưa ra những phiên bản có nhiều màu sắc, kích cỡ, tính năng và khả năng khác nhau.
Amazon đang đẩy mạnh khả năng phát video trên các thiết bị của họ, trong khi Google và Apple đang cạnh tranh về chất lượng âm thanh và các tính năng khác tập trung vào người tiêu dùng.
Chiến lược AI quốc gia
Không quá lời khi nói rằng năm 2018 là năm của chiến lược AI cấp quốc gia. Khoảng một năm trước đây, Trung Quốc đã công bố chi tiết về lộ trình 3 bước thể hiện mục tiêu muốn trở thành nước dẫn đầu trong lĩnh vực AI vào năm 2030.
Sang năm 2018, Bắc Kinh đã đưa ra một loạt những chương trình định hướng cho phát triển lĩnh vực AI, trong đó bao gồm các sáng kiến và mục tiêu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), công nghiệp hóa, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh hoạt động giáo dục và nâng cao kỹ năng, thiết lập và quy định các tiêu chuẩn, chuẩn mực đạo đức và an ninh.
Các động thái gia tăng đầu tư mạnh mẽ vào AI của Bắc Kinh trong năm 2018, bao gồm kế hoạch thiết lập nguồn quỹ trị giá 5 tỷ USD cùng một công viên công nghệ trị giá 2,1 tỷ USD để tạo điều kiện cho phát triển AI, cho thấy quốc gia này coi AI là một công cụ cạnh tranh và mang tính chiến lược.
Không nằm ngoài cuộc đua với Trung Quốc, chính quyền Mỹ đã thúc đẩy mạnh mẽ kế hoạch chiến lược về AI với Lầu Năm Góc, bên cạnh việc tuyên bố kế hoạch đầu tư 2 tỷ USD vào các sáng kiến liên quan đến AI.
Ngoài Mỹ, các quốc gia châu Âu cũng đang đặt cược rất lớn vào các sáng kiến AI của họ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra một chiến lược quốc gia cho lĩnh vực AI trong năm 2018 với kế hoạch đầu tư hơn 1,5 tỷ euro (khoảng 1,7 tỷ USD) vào hoạt động nghiên cứu liên quan đến AI trong 5 năm tới.
Đức cũng tuyên bố thành lập Cyber Valley, một khu vực trung tâm công nghệ mới ở miền Nam nước này, với hy vọng tạo ra những cơ hội hợp tác mới giữa các học giả và các doanh nghiệp chú trọng vào AI.
Ngay cả Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Hàn Quốc cũng đã công bố các sáng kiến lớn về AI.
|
Dự báo thời tiết chính xác sẽ giúp thế giới tránh được nhiều thiệt hại lớn từ thiên tai |
Theo Channel NewsAsia, các "gã khổng lồ" công nghệ như Google, Microsoft, Salesforce, Alibaba... đã có dự báo về AI trong năm 2019.
Bà Irina Kofman, Giám đốc quản lý Google AI, cho hay AI không chỉ “có tiềm năng hữu ích để giải quyết một loạt vấn đề cũ” mà còn có thể giúp Google “thực hiện khám phá khoa học mới, xác định vấn đề mới vốn chưa thể được xác định và giải quyết trước đây”.
Google chứng kiến nhiều lợi ích đầu tiên mà AI có thể mang lại cho mọi người. Hiện hãng đang nỗ lực để giúp AI đến với nhiều người hơn. “Chúng tôi làm việc này theo 3 cách: Phát triển ứng dụng và dịch vụ trở nên hữu ích hơn với AI, giúp các doanh nghiệp, nhà phát triển đổi mới công cụ như khung máy học nguồn mở TensorFlow và làm việc với giới nghiên cứu để giải quyết nhiều thách thức xã hội khó khăn như y tế, bảo vệ môi trường và tiêu thụ năng lượng bằng AI”, bà Kofman nói.
Giám đốc Google chia sẻ rằng AI có thể giúp giải quyết nhiều vấn đề rất sâu rộng. Bà chỉ ra rằng khoảng 250 triệu người trên thế giới bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và dự báo thảm họa tự nhiên có thể giúp người dân, chính quyền chuẩn bị tốt hơn cho các sự kiện như thế. Việc dự báo chính xác hiện chưa xuất hiện.
Để giải quyết vấn đề này, hãng công nghệ Mỹ nghiên cứu nhiều mô hình dự báo tốt hơn và hợp tác với Ủy ban Nước Trung ương Ấn Độ để đưa ra cảnh báo lũ sớm, bắt đầu từ khu vực Patna của nước này trước khi mở rộng ra thêm nhiều nước trong tương lai.
Tương tự như Google, Microsoft cũng kỳ vọng đưa AI đến gần hơn với mọi người. Giám đốc kỹ thuật ở Singapore của Microsoft, ông Richard Koh, chia sẻ rằng họ đang thêm lớp AI vào sản phẩm để giúp chúng hiệu quả hơn với người dùng. Ví dụ về điều này là việc nhúng công cụ hỗ trợ AI dịch giữa tiếng Trung Quốc, Đức và tiếng Anh vào ứng dụng Microsoft Translator. “Các dịch vụ sẽ giúp phá vỡ rào cản giao tiếp, cho phép kỹ thuật số hóa cuộc họp tại nhiều thị trường”, ông Koh cho hay.
Phó Chủ tịch bộ phận kỹ thuật giải pháp ở Thái Bình Dương của Salesforce, ông Rob Newell, cho biết doanh nghiệp xem AI là cách để đơn giản hóa mọi thứ và tăng cường cho người tiêu dùng kỹ năng, kiến thức với hướng dẫn chính xác giúp họ làm việc hiệu quả hơn.
“Năm 2019, chúng tôi hy vọng rằng những người ra quyết định trong doanh nghiệp nâng cao hiểu biết của họ một cách hiệu quả nhất, kết hợp nhiều phần phù hợp, có liên quan đến AI để tạo lợi thế cạnh tranh, thêm hoạt động kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng”, ông Newell nói.