Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, tính đến ngày 14/8/2023, toàn TP đã ghi nhận 3.512 trường hợp mắc tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 440/579 xã, phường, thị trấn. Bệnh nhân có xu hương gia tăng nhanh trong vòng 4 tuần gần đây, trung bình mỗi tuần ghi nhận từ 500 – 600 trường hợp mắc mới; số mắc tăng nhiều so với cùng kỳ 2022 (753 trường hợp mắc, không có trường hợp tử vong).
Toàn TP đã ghi nhận 255 ổ dịch, trong đó,hiện còn 114 ổ dịch (chiếm 45%) đang hoạt động. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc SXH như: Thạch Thất, Thanh Trì, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Phú Xuyên, Thường Tín, Nam Từ Liêm, Hà Đông. Một số phường ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Phùng Xá, Hữu Bằng- (huyện Thạch Thất), Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì), Định Công(quận Hoàng Mai), Văn Tự (huyện Thường Tín).
Theo nhận định của Sở Y tế, dự báo tình hình sốt xuất huyết sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới, số mắc sẽ tiếp tục gia tăng. Dự báo đỉnh dịch năm 2023 có thể rơi vào khoảng tháng 9 – 10 tương tự như những năm ghi nhận nhiều bệnh nhân như năm 2015 (15.412 ca); năm 2019 (12.255 ca); năm 2022 (19.771 ca).
Phó Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh, điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển muỗi truyền bệnh, kết hợp với việc đã có nhiều ổ dịch với nhiều ca mắc trên địa bàn TP, mật độ quần thể muỗi truyền bệnh tiếp tục duy trì ở mức cao… dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Tại hội nghị, đại diện các địa phương có tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp và xuất hiện nhiều ổ dịch như: huyện Thạch Thất, quận Bắc Từ Liêm, huyện Đan Phượng, quận Hà Đông… cho biết, sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt; tuyên truyền nâng cao ý thức người dân; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch; tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn…
Theo Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn, công tác phòng, chống dịch SXH mỗi năm lại có khó khăn riêng do các chủng gây bệnh biến đổi. Dự báo tình hình dịch, CDC cho biết, những năm trước năm 2010, SXH có chu kỳ 5 năm/lần, nhưng kể từ sau năm 2010, SXH không còn quy luật rõ ràng. “Hà Nội đang là trọng điểm về SXH của miền Bắc, với số ca bệnh chiếm 80-85%” - Phó Giám đốc CDC Hà Nội khẳng định. Thời tiết nắng, mưa thất thường, cộng thêm hiện tượng Elnino là một trong số những nguyên nhân khiến dịch SXH trở nên phức tạp. Nếu không có những giải pháp quyết liệt, sẽ gia tăng hơn nữa các ca bệnh SXH trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà ghi nhận công tác tham mưu kịp thời của Sở Y tế, đồng thời, đã chủ động kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh, nhất là bệnh SXH. Về mặt tổng thể cho thấy, công tác phòng, chống dịch SXH đã được triển khai khá bài bản. Tuy nhiên, theo báo cáo tình hình thực tế, hiện nay, số ca bệnh SXH đã xuất hiện ở 30/30 quận, huyện, thị xã; số ca tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước và sớm hơn mọi năm… từ đó, dự báo dịch SXH sẽ kéo dài. Ngoài ra, trước diễn biến thời tiết khác thường và một số nguyên nhân chủ quan, khách quan, dự báo, có khả năng dịch sẽ bùng phát nếu không có những biện pháp phòng, chống kịp thời.
“Mặc dù dịch SXH vẫn trong tầm kiểm soát, song, phải chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch một cách đồng bộ và quyết liệt nhất” - Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà đề nghị các quận, huyện, thị xã; sở, ban ngành có liên quan rà soát toàn bộ nhiệm vụ và triển khai các phương án trong công tác phòng, chống dịch nói chung và dịch SXH nói riêng theo phương châm “4 tại chỗ”. Các quận, huyện, thị xã rà soát các điều kiện để bắt đầu cơ chế vận hành cao điểm trong phòng, chống dịch SXH. “Nếu chúng ta làm tốt công tác phòng bệnh, tuyên truyền tốt, thì sẽ giảm thiều được số ca bệnh, bảo vệ sức khỏe cho người dân” - Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà chỉ rõ.
Trước diễn biến phức tạp của dịch SXH, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà đề nghị, ngay sau cuộc họp, các địa phương triển khai tổng lực tất cả các nội dung. Trong đó, tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch tới từng hộ dân cư nhằm nâng cao ý thức người dân, tránh lơ là chủ quan với dịch SXH; tùy từng địa bàn, lựa chọn phương thức tuyên truyền phù hợp. Phát động vệ sinh môi trường trên địa bàn gắn với vệ sinh môi trường từng hộ gia đình…
Sở Y tế phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, các cơ quan thông tấn báo chí TP truyền thông cao điểm về công tác phòng, chống dịch SXH. Kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh nhân và kịp thời xử lý các ổ dịch…
Phó Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị, bắt đầu khởi động chế độ báo cáo hàng tuần. Đồng thời, TP sẽ tổ chức làm việc và kiểm tra đột xuất tại các địa phương còn nhiều vướng mắc, tồn tại, để làm rõ trách nhiệm cũng như triển khai các giải pháp phòng, chống dịch kịp thời.