Triển khai toàn diện và hiệu quả hoạt động 'Đền ơn đáp nghĩa' trong Quân đội

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - 75 năm qua, dưới sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, công tác chính sách và phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" luôn được các cấp, ngành, địa phương và toàn xã hội quan tâm thực hiện ngày càng tốt hơn, thể hiện tình cảm, trách nhiệm và lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã cống hiến, hy sinh xương máu vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì sự trường tồn của dân tộc.
Thượng tướng Đỗ Căn, Phó chủ Nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Bí thư Đảng ủy Cơ quan Tổng cục Chính trị dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên.
Thượng tướng Đỗ Căn, Phó chủ Nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Bí thư Đảng ủy Cơ quan Tổng cục Chính trị dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên.

Là một mặt quan trọng của công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội, quán triệt các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, công tác chính sách quân đội, hậu phương quân đội và phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" đã được triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ trong toàn quân, đạt hiệu quả thiết thực, trực tiếp góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ và các đối tượng chính sách, người có công.

Đồng bộ các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công

Ngay từ những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, cảm phục trước những tấm gương hy sinh của liệt sĩ, thương binh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo chọn một ngày làm “Ngày thương binh toàn quốc”. Theo đó, ngày 27/7/1947, tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra một buổi lễ, tại đó công bố bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người viết: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang san, sự nghiệp, mồ mả, nhà cửa, đền thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha, mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa, của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập, ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta? Đó là những chiến sĩ mà nay một số đã thành ra thương binh... Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy.”

Với sự mở đầu của Sắc lệnh số 20/SL ngày 16/2/1947, đây là văn bản quy phạm văn bản pháp luật đầu tiên quy định tiêu chuẩn xác nhận thương binh, truy tặng tử sĩ, thực hiện chế độ lương hưu, thương tật và tiền tuất tử sỹ. Cũng từ đó, qua từng thời kỳ cách mạng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với các bộ, ngành đề xuất với Đảng, Nhà nước tiếp tục xây dựng, ban hành bổ sung, hoàn thiện nhiều chính sách mới đối với thương binh, liệt sĩ và người có công.

Hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng đã được nghiên cứu xây dựng, ban hành tương đối toàn diện, đầy đủ, kịp thời, bảo đảm chất lượng để từng bước cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, là cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân, cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra.

Đặc biệt, để ghi nhận công lao to lớn của các Bà mẹ Việt Nam đã có nhiều cống hiến hy sinh, Quân đội đã chủ động phối hợp nghiên cứu đề xuất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Đến nay đã có hơn 130.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được tôn vinh. Đây là chủ trương chính sách có ý nghĩa chính trị xã hội sâu rộng, góp phần làm sâu sắc thêm truyền thống yêu nước cách mạng, truyền thống đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc.

Từ những phong trào “Hội giúp đỡ binh sỹ tử nạn”, cuộc vận động “Mùa đông binh sỹ”... ngay từ những năm đầu sau Cách mạng tháng Tám, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trở nên sâu rộng trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đến nay đã phát triển thành phong trào toàn dân với nhiều chương trình, hoạt động lớn, thường xuyên, có ý nghĩa chính trị- xã hội và nhân văn sâu sắc.

Đến nay, cả nước có trên 9,2 triệu người có công (chiếm khoảng 10% dân số) đã được hưởng các chính sách ưu đãi người có công, trong đó gần 1,2 triệu liệt sỹ, trên 139.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 1,4 triệu người có công và thân nhân của họ đang được hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng.

Chỉ tính từ năm 2013 đến nay, Chính phủ đã cấp cho các địa phương trên 2.450 tỷ đồng để hỗ trợ gần 80.000 hộ gia đình người có công khó khăn về nhà ở. 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được các địa phương và đơn vị quân đội nhận phụng dưỡng. 97% xã, phường làm tốt công tác thương binh - liệt sỹ. 98,5% người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú, có việc làm, nhà ở ổn định. Nhiều thương binh, bệnh binh, người có công, thân nhân liệt sỹ nỗ lực phấn đấu vươn lên trở thành tấm gương tiêu biểu, điển hình nhân tố mới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Triển khai toàn diện và hiệu quả hoạt động 'Đền ơn đáp nghĩa' trong Quân đội ảnh 1

Bộ Quốc phòng tổ chức gặp mặt đại biểu người có công và thân nhân liệt sĩ đang công tác trong quân đội

Thể hiện tình cảm, trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ toàn quân

Chính sách hậu phương quân đội và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” có vai trò quan trọng trong xây dựng hậu phương quân đội vững mạnh; tác động trực tiếp đến các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, những người đã, đang công tác trong quân đội và lực lượng làm nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ở địa phương.

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn quan tâm, thực hiện công tác thương binh liệt sỹ, người có công và chính sách hậu phương quân đội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các đối tượng chính sách, tạo động lực tinh thần to lớn cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Quán triệt thực hiện các quan điểm chủ trương của Đảng về công tác chính sách đối với người có công và thân nhân liệt sỹ, những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành và triển khai thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công và chính sách hậu phương quân đội.

Mới đây, chia sẻ tại cuộc gặp mặt đại biểu người có công và thân nhân liệt sỹ tiêu biểu trong quân đội, Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh: "Cần làm cho mọi cấp, mọi ngành, mọi cán bộ, chiến sỹ trong toàn quân có nhận thức sâu sắc đầy đủ về công tác chính sách quân đội, hậu phương, quân đội và người có công, là một nội dung quan trọng của cấp ủy Đảng, chỉ huy các cấp, để từ đó lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện hiệu quả, thực chất, coi đó vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm thiêng liêng của cán bộ, chiến sĩ toàn quân.”

Theo đó, những năm qua hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” trong quân đội được triển khai cả bề rộng và chiều sâu, với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo. Tính riêng từ năm 2017 đến nay, các đơn vị quân đội đã vận động cán bộ, chiến sỹ và huy động các nguồn đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được hơn 402 tỷ đồng; xây dựng hơn 4.028 nhà tình nghĩa với số tiền trên 302 tỷ đồng; phụng dưỡng 2.879 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, số tiền hơn 100 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị đã hỗ trợ gia đình quân nhân hy sinh, bị thương trong khi thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, số tiền hơn 8,4 tỷ đồng; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gần 400.000 lượt đối tượng chính sách, tổng kinh phí gần 20,4 tỷ đồng; tặng 2.849 sổ tiết kiệm cho đối tượng chính sách, số tiền khoảng 10,8 tỷ đồng; tham gia tôn tạo nghĩa trang liệt sỹ với 69.105 ngày công, số tiền hơn 12,5 tỷ đồng; tặng trang thiết bị y tế, trang thiết bị dùng chung cho các trung tâm nuôi dưỡng người có công và một số trung tâm điều dưỡng người có công; hỗ trợ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, số tiền hơn 54,8 tỷ đồng...

Để thân nhân của các liệt sỹ đã hy sinh anh dũng trong các cuộc kháng chiến chưa tìm kiếm quy tập được hài cốt yên lòng, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, có nhiều chủ trương, giải pháp về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin, sớm ban hành, bổ sung, hoàn thiện các chính sách về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ. Với tinh thần tích cực, chủ động, trách nhiệm cao, từ năm 1975 đến 1992, các đơn vị, địa phương trong toàn quốc đã tìm kiếm, quy tập được 767.000 hài cốt liệt sỹ, trong đó quân đội tìm kiếm, quy tập được 514.813 hài cốt liệt sỹ.

Cùng với đó, Bộ Quốc phòng đã và đang phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về liệt sỹ, gắn với cơ sở dữ liệu nền địa lý. Theo Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ (Ban Chỉ đạo Quốc gia 515), hiện quân đội đã tiến hành rà soát, cập nhật được hơn 900.000 hồ sơ liệt sỹ vào phần mềm; bàn giao cho Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số của Bộ Thông tin và Truyền thông hơn 800.000 bản ghi về liệt sỹ.

Đồng thời, Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận bàn giao và đã chuẩn hóa dữ liệu, rà soát, đến nay đã hoàn thành hơn 460.000 bản ghi dữ liệu của Bộ Quốc phòng quản lý; chuẩn hóa, liên thông hơn 68.000 bản ghi dữ liệu về liệt sỹ của hai Bộ, làm cơ sở để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về liệt sỹ.

Những kết quả nêu trên đều là con số biết nói, góp phần đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với người có công với cách mạng.

Năm 2022, nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, toàn quân đã phát động đợt thi đua cao điểm “Uống nước nhớ nguồn, tri ân người có công với cách mạng”. Ngoài một số hoạt động thường xuyên như hằng năm, kế hoạch hoạt động đền ơn đáp nghĩa dịp này tập trung vào các nội dung cơ bản như: Tiếp tục tham gia phụng dưỡng, chăm sóc Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; hỗ trợ xây nhà tình nghĩa tặng người có công với cách mạng; tặng sổ tiết kiệm cho đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn; tặng quân phục, áo ấm cho thương bệnh binh; xem xét, tuyển dụng, giải quyết việc làm đối với thân nhân liệt sỹ hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ quân sự quốc phòng, đấu tranh phòng chống tội phạm; tổ chức gặp mặt, biểu dương người có công với cách mạng và thân nhân liệt sỹ tiêu biểu đang công tác trong Quân đội...

Hiếm có đất nước nào mà mỗi tấc đất đều thấm đẫm máu đào của các hùng liệt sỹ, mỗi địa phương đều có nghĩa trang liệt sỹ... Trải qua các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc sống của mình cho đất nước. Họ đã ngã xuống trên chiến trường, hoặc khi trở về mang trên mình đầy thương tích.

75 năm trôi qua kể từ ngày Thương binh - Liệt sỹ đầu tiên, ngày 27/7 hằng năm đã trở thành biểu tượng sinh động của hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Tháng 7 hằng năm đã trở thành tháng của những tưởng nhớ và hoài niệm trong dạt dào cảm xúc thiêng liêng. Đây là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân có nhiều hoạt động thiết thực, nghĩa tình như chăm sóc thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng..., không chỉ thể hiện sự tri ân mà còn góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng và nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; khơi dậy, phát huy tiềm năng to lớn của toàn xã hội để chăm lo tốt hơn cho đời sống vật chất, tinh thần của người có công./.

Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?