Về tên triển lãm, họa sĩ Trang Thanh Hiền cho biết “Ảnh xạ” đến với chị một cách hết sức ngẫu nhiên trong sự tìm kiếm, suy ngẫm về sự sáng tạo của bản thân. Đó là sự phản chiếu, sự in dấu, lúc tĩnh lúc động, lúc vô tình, lúc hữu ý. Tôi có thể tự ví tâm hồn mình như một mặt nước hồ, nó ghi nhận phản chiếu vô vàn những khoảng khắc của cuộc sống, và những tác phẩm của tôi, chính là sự khúc xạ trở lại những giá trị sống đó. Nó bao chứa trong đó không chỉ là hình màu, không chỉ là bút mực, không chỉ là kỹ thuật tạo hình mà cả những nghiên cứu trong suốt một hành trình ngược dòng tìm về mỹ thuật cổ, mỹ thuật Phật giáo và khai phóng tâm hồn mình lên những bức tranh.
Họa sĩ chia sẻ: “Cuộc triển lãm lần này, tôi muốn bắt đầu từ câu chuyện của tuổi đôi mươi từ những năm 2000. Thời gian mà tôi vừa “chập chững” bước những bước đi đầu tiên trong nghề. Khi đó internet bắt đầu trở thành một phương tiện mới và cũng là thời điểm cho sự lựa chọn sáng tạo hay nghiên cứu. Thời điểm đó tôi vẽ khá nhiều, nhưng rồi việc vẽ tranh đã dừng lại hoặc chỉ là thêm thắt vào những lúc rảnh mà nhường toàn bộ tâm trí cho sự nghiệp nghiên cứu bởi sự hấp dẫn của những thông điệp cha ông ẩn sau những mái đình, mái chùa hay những pho tượng cổ. Tuy vậy trong những tác phẩm được vẽ ra lúc đấy, bây giờ nhìn lại, như thể chúng đã định rõ cho tôi một hình hài, một dáng điệu. Điều mà hai mươi năm sau, khi niềm đam mê giục giã, và khi tôi quyết định làm cuộc triển lãm cá nhân thứ hai sau triển lãm Đáy sóng năm 2015, tôi tìm thấy lại những tác phẩm của năm 2002 với một niềm xúc động khó tả. Những bức vẽ đó dường như khiến tôi trở lại với thời tuổi trẻ của mình với bao nhiêu hoài bão. Và năm 2023, sự hiển thị của những ý tưởng trong “Ảnh xạ” trở nên sắc nét hơn, đa chiều hơn và nhiều suy ngẫm hơn. Nó vừa tạo nên một sợi dây liên kết xuyên suốt quá trình sáng tác, nhưng cũng đồng thời ở thời điểm này, những nghiên cứu về mỹ thuật Phật giáo, đã giúp tôi tự soi rọi bản thân, tìm thấy mình trong vô số những xáo trộn của đời sống đương đại”.
Chị cũng tiết lộ: “Trong thế giới ý niệm của chính mình Phật là một biểu tượng, Phật vừa rõ ràng hiển hiện trong những hành động sống của mỗi con người, nhưng bên cạnh đó theo quan niệm của người Việt “Phật tại tâm” là một khái niệm đầy tính chất tinh thần. Thông thường nhất Phật gắn liền với biểu tượng hoa sen, một giá trị tượng trưng từ ngàn đời về sự thanh khiết, sự vươn lên trong bùn nhơ, uế tạp để nở ra những cánh muốt ngần với hương thơm ngát dịu. Với tôi, trong những bức tranh của mình hình bóng như dáng ngồi của một vị chư Phật là một ý niệm không tương liên với giáo lý, tôn giáo mà chính là ảnh xạ của sự phản ánh biểu tượng đó. Nó như sự hiện hữu của thế giới tinh thần một cách trung trinh, ôm trọn vào đó các giá trị. Trong đó có mưa gió, có núi sông, có sen nở sen tàn, và có cả bản nguyên của con người, nhưng tinh thần trung trinh đó dường như không thay đổi. Nó lấp lánh rực rỡ, hào sảng và cuốn hút tôi vào dòng thác lũ của những cảm xúc sống dậy trong mình. Cảm xúc ấy như sự yêu đương mãnh liệt của thủa đôi mươi. Và, dẫu vẫn vẽ những đôi môi hoá thành chiếc lá, cánh sen như nhiều năm trước, nhưng rõ ràng xúc cảm để soi chiếu nội tâm trở nên rõ ràng.”
Có thể nói Ảnh xạ không chỉ đơn thuần là một sự phản chiếu, hay sự ẩn tàng mà còn là một sự kết nối, giữa hiện tại và quá khứ, giữa những bóng hình biểu tượng đã định hình từ những năm 2000 để vượt thời gian, để hiện hữu trong sự đồng hành ngoạn mục giữa nghiên cứu và sáng tác. Tất cả như những khúc nhạc trong cuộc đời mình mà tôi muốn tỏ bày cùng bè bạn và công chúng. Các tác phẩm trong triển lãm Ảnh xạ có 3 mốc thời điểm bao gồm: một bộ 5 bức vẽ năm 2002; seri tranh 12 bức của hai mươi năm sau là năm 2022; seri tranh in kết hợp với vẽ mực nho, màu nước trên giấy dó (18 bức), tượng điêu khắc gỗ (9 bức) được sáng tác trong năm 2023.
Về triển lãm, PGS.TS. Nguyễn Nghĩa Phương (Phó Hiệu trường Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam) đánh giá: “Gần đây ai cũng biết, Trang Thanh Hiền không chỉ đam mê với lý luận mà còn thực hành nghệ thuật với năng lượng cháy bỏng. Ở lần ra mắt triển lãm cá nhân này, tác giả trình làng một nghệ thuật tổng hợp, đa diện với sự hòa trộn các ngôn ngữ của hội họa, đồ họa và điêu khắc; với sự dung hợp những biểu tượng truyền thống quen thuộc trong các hình thể mang tính nhận diện cá nhân. Trong các bộ tác phẩm đều hiện diện bản chất nữ trong tinh thần khó đoán định, chấp chới giữa thanh tao và trần tục, giữa những chuyển động dữ dội và nét tự tại, bình thản. Liệu đó có phải là những khoảnh khắc, những sự thật bên trong đời sống của một cá tính, của một bản thể tồn tại trong đời sống đương đại phức tạp này?”.
PGS.TS Quách Thị Ngọc An chia sẻ: “Những nét tạo hình chuyển biến trong các tác phẩm của họa sĩ Trang Thanh Hiền cho thấy việc định hình phong cách được khẳng định qua nhiều năm tháng. Ở bộ 5 bức vẽ năm 2002 và triển lãm “Đáy sóng” – năm 2015, cách phối màu và nét giàu tính biểu cảm trên giấy dó, kỹ thuật tối giản đến mức tự nhiên như phóng bút, họa sĩ gợi cho người xem cảm nhận sự vẽ như bản năng, như hơi thở được tràn ra từ trong tâm tư. Seri tranh khắc gỗ của triển lãm “Mùa trong vườn” - năm 2022 mang nhiều cảm hứng cá nhân trong khám phá các kỹ thuật khắc và in khác nhau, in nối bản, ghép bản, in phối hợp cùng thủ ấn họa… khiến cho người xem cảm nhận trong tranh có một sự chuyển động về màu sắc,… vượt qua những lối mòn quy tắc truyền thống tạo ra những sáng tạo bay bổng đầy chất thơ thấm đẫm cái tôi trữ tình. Triển lãm “Ảnh xạ” – năm 2023, vẫn là từ khóa sen, lá, thiền… trong suốt hơn 20 năm nhưng được lồng ghép thể hiện vẻ đẹp phụ nữ và trạng thái cuồng nhiệt cùng những đường cong mềm mại mà dáng nét vẫn vô cùng thanh tú. Chất liệu và kỹ thuật trong triển lãm này dường như được mở rộng hơn cùng với ngôn ngữ và hình tượng nghệ thuật. Trong tranh và tượng có cả tâm tư, bản ngã của con người, có mưa gió, núi sông, sen nở sen tàn …”.
“Ảnh xạ của Trang Thanh Hiền đậm ngôn ngữ đàn bà, đàn bà kiểu tràn đầy khát vọng, nổi loạn, cuồng nhiệt mà nhường nhịn, thăm thẳm như một dòng chảy. Việc phối hợp hài hòa giữa kỹ thuật in khắc gỗ sắc sảo và cách xử lý mực nước loang nhoè phóng khoáng trên giấy dó cho thấy cái cá tính gai góc và nền nã đã hợp nhất làm một để cho ra lối tạo hình cô đọng kiểu “tiết diện” hay “lát cắt”, họa sĩ Vũ Đình Tuấn bình luận.
Hình tượng Phật phẳng hoá trong nhục thể kiết già, thanh tịnh và bí ẩn, đủ đầy hay trống vắng một nửa… được giao hòa giữa các họa tiết liên hoa, những chiếc lá hình môi, những thiên thủ thiên nhãn lùa chạm vào sông- núi, nắng - mưa trong hay ngoài cõi giới… Tất cả gợi ra một cấu trúc đồng hiện siêu thực, linh thiêng kiểu tranh thờ dân gian, nhưng lại trập trùng phồn thực và tự do theo tinh thần của chủ nghĩa hiện sinh. Có thể nói, đây là một “lát cắt” mới về tư tưởng cũng như kỹ thuật của Trang Thanh Hiền trong hành trình sáng tạo từ sau sự kiện “Đáy sóng”.
Hy vọng, “lát cắt” ấy không là cơn say thiền định nhất thời, mà là “ảnh xạ” vời vợi của một cuộc hành trình dài với những trải nghiệm riêng tư, thinh lặng, thậm chí có cả tâm thức hoài nghi về mối liên kết có - không, trong - ngoài, trên - dưới, trước - sau, cứng - mềm, mờ - tỏ… Phật ở trong tâm hay ở đâu giữa đôi bờ thực - ảo?