Nếu “Lâm mặt thẹo” tự giới thiệu vài câu: “Tui tên Lâm, sinh ra và lớn lên ở quận Tư”, thì lại càng khiến người nói chuyện phải e dè. Bởi quận Tư ở Sài Gòn nổi tiếng là “đất lành” của giới anh chị. Thế nhưng, chỉ cần nói chuyện với “Lâm mặt thẹo” chừng 30 giây, sẽ nhận ra đây là một nghệ sĩ hiền lành được bủa quanh rất nhiều tình bạn dẫu trong sâu thẳm là sự cô đơn.
Sự cô đơn này được Bùi Quang Lâm chuyển tải qua rất nhiều tác phẩm hội họa nhưng dường như vẫn chưa bớt… cô đơn nên anh còn viết thêm văn xuôi nhằm nguôi ngoai phần nào. Triển lãm năm 2017 tại Hội Mỹ thuật TP.HCM của Bùi Quang Lâm có tên “Miền đất lạ” được vẽ từ miền Tây Nam bộ, Bắc bộ, Tây Bắc và vùng đất của những cơn mộng bàng hoàng mà kiếp người chưa một lần đặt chân đến. Cuốn sách đầu tay của Lâm có tên “Đất K” như một cuốn tự truyện những ngày anh tham gia nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia.
Tác phẩm trong triển lãm Miền ký ức |
Và hôm qua 21/4, Bùi Quang Lâm có buổi ra mắt tập sách “Nồi đất” và khai mạc triển lãm tranh “Miền ký ức” với 45 họa phẩm tại 81 Trần Quốc Thảo, Q.3, TP.HCM. Tên nhiều cuộc triển lãm tranh và sách của Bùi Quang Lâm thường liên quan đến… bất động sản dù anh thừa nhận bản thân mình không có cục đất để chọi chim.
Nếu dùng câu chữ để vẽ chân dung mình, Bùi Quang Lâm đã vẽ thế này: “Mặt mũi rằn ri mái tóc dài/ Lằng nhằng ăn nói chẳng giống ai/ Rảnh rang tìm bạn lai rai rượu/ Hết tiền cơm nguội báo oan gia”.
Sau khi ra quân trở về cuộc sống thường nhật, Bùi Quang Lâm được giới vẽ pano quảng cáo ngoài trời biết đến đầu tiên như một người không… sợ chết. Những năm ấy, khi một người bình thường vẽ pano ngoài trời kiếm được khoảng 50 ngàn đồng một ngày, thì Bùi Quang Lâm thường làm việc gấp 3 lần. Lý do, thời gian đó anh rất cần tiền để nuôi đứa cháu ruột vừa lọt lòng được hơn tháng thì mẹ cháu qua đời. “Lâm mặt thẹo” treo mình ngoài trời ở những điều kiện khó khăn nhất anh cũng nhận lời.
Trong giới “bầu show” vẽ pano quảng cáo ngoài trời, có một người tên H thường chạy xe vespa cổ, cứ gặp chỗ nào những người vẽ pano khác chê vì nguy hiểm, lập tức H đi tìm Lâm. Bùi Quang Lâm kể: “Sáng sớm đang ngồi trong nhà mà nghe tiếng xe vespa cổ của H đến, tui tự nói với mình: Thần chết đến gõ cửa”. Anh đã 3 lần bị tai nạn rơi từ trên cao xuống khi mưu sinh bằng nghề này nhưng thật may mắn khi được thần chết chối từ nhận “Lâm mặt thẹo” về “đội”.
Bùi Quang Lâm sinh năm 1960 tại Quận 4, Sài Gòn. Lớn lên trong môi trường sản sinh ra nhiều giang hồ cộm cán như thế, nhưng hình như anh chưa hề vác dao đi chém người khác. Về hội họa, Bùi Quang Lâm có năng khiếu từ nhỏ. Thời học tiểu học, anh từng đoạt giải hội họa do Osaka (Nhật) tài trợ.
Một tác phẩm khác của Bùi Quang Lâm. |
Có khiếu vẽ từ nhỏ và không biết “cầm dao chém người” như nhiều “anh, chị” hàng xóm, nhưng khi đang học trung học phổ thông, Bùi Quang Lâm phải gác lại chuyện học hành và giấc mơ họa sĩ. Anh nhập ngũ cầm súng đánh giặc xâm phạm bờ cõi Tây Nam giết hại đồng bào. Làm nhiệm vụ ở Campuchia, đối diện cái chết, anh ra quân với cái mặt thẹo – dấu vết của bom đạn. Bùi Quang Lâm, nói: “Qua chiến cuộc mà mình còn sống chắc nhờ thần chết chối từ”.
Xuất ngũ về học khoa Văn, ĐH Tổng hợp TP.HCM. Anh vừa học vừa đi vẽ pano kiếm sống. Sau những giờ mưu sinh, Bùi Quang Lâm đi học vẽ từ họa sĩ Trần Thanh Vân - giảng viên ĐH Mỹ thuật TP.HCM. Ngoài ra, anh rất chịu khó tự học vẽ, học kiến thức từ sách, báo. “Lâm mặt thẹo” nói: “Tui đã ăn cắp không biết bao nhiêu học phí từ những người thầy đã dạy tôi trên sách, báo nhưng không biết cách gì để trả lại”.
Dù khó khổ đến mấy, nhưng bản tính lúc nào cũng hào sảng, nghe tin bạn bè bị tai nạn, bệnh hiểm nghèo, anh liền xách túi đi xin mỗi người một ít cho bạn. Anh nói anh đi “ăn mày cho bạn” nên rất mạnh dạn hơn là “ăn mày cho bản thân”. Đi ăn mày cho bạn cũng gặp tai nạn, có lần anh xin được một ít tiền kèm theo danh sách người cho, tìm đến nhà bạn thì bạn từ chối vì bệnh không nặng đến nỗi phải cầm số tiền này. Công đoạn đi trả lại tiền đã xin cho từng người “rất là gian nan”.
Tác phẩm Nồi đất |
Bùi Quang Lâm còn nổi tiếng là họa sĩ vẽ tranh từ thơ, nhạc và thậm chí là nhật ký chiến trường. Anh đã vẽ thành tranh sau khi nghe các ca khúc của nhạc sĩ Thế Hiển, Nguyễn Văn Hiên, thơ Trần Ngọc Thọ… Đọc thơ, nghe nhạc xong, Bùi Quang Lâm tìm ra “tứ họa” cho bức tranh của mình. Anh nói: “Tui vẽ thơ, nhạc thành tranh được chắc nhờ đi học văn chương và mê đọc sách văn học”.
Tranh của Bùi Quang Lâm ngoài để xem, mỗi bức họa thường khiến người xem dừng lại lâu hơn để đọc. Đọc ở đây không phải để hiểu nội dung họa sĩ muốn thể hiện gì. Đọc để cảm thêm chiều sâu không gian, những tàng ẩn phía sau lớp màu vật chất kia là một linh hồn luôn luôn cô độc.
Chính vì vẽ để người xem đọc nên Bùi Quang Lâm đã viết cũng không ngoài mục đích này chăng? “Nồi đất” là cuốn sách thứ 3 của Bùi Quang Lâm sau “Đất K” – Giải thưởng Văn học 2020 Hội Nhà văn TP.HCM và “Sài Gòn mưa nắng”. Nhà văn Đoàn Thạch Biền, nhận xét: “Bùi Quang Lâm càng viết càng lên tay”. Còn nhà văn Trầm Hương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, thì: “Tôi đọc và kinh ngạc vì trữ lượng phong phú, sinh động trong “Nồi đất”. Dù trước đó có nghi ngờ vốn sống của Bùi Quang Lâm đã trút hết trong “Đất K”.
Bùi Quang Lâm vẽ tranh như anh đang làm thơ bằng màu sắc chứ không đơn thuần là một họa sĩ cầm cọ. Xưa nay, "thi trung hữu họa", trong thơ có họa và ngược lại trong họa có thơ. Hơn thế, những bức - tranh - thơ của Bùi Quang Lâm còn là những bài "thơ có tứ", chứ không buông thả lan man, được đóng khung gọn gàng và nhẹ nhàng thấm sâu vào lòng người đọc, người xem.