Bill kỹ lưỡng nhưng phóng khoáng; khó tính nhưng hài hước; nghiêm túc nhưng đầy ngẫu hứng... Những triết lý của ông không chỉ lạ, độc mà còn cực kỳ sâu sắc. Chúng tôi gặp nhau khi Bill kết thúc việc sắp xếp đồ cho nhà hàng Pink Pearl tại JW Marriott Phú Quốc (Tập đoàn SunGroup) với quần short, áo pull.
Nhưng năng lượng và sự hứng khởi của ông khiến tôi quên sạch những "trắc trở" do Bill liên tục thay đổi thời gian, địa điểm; thậm chí cả nguy cơ bị hủy cuộc phỏng vấn đã được đặt trước vài tháng này.
Sáng tạo là vô tận
Ông qua VN đúng dịp 2 dự án do ông thiết kế là InterContinental Đà Nẵng (Tập đoàn SunGroup) xác lập một kỷ lục chưa từng có trong lịch sử ngành du lịch thế giới khi lần thứ tư liên tiếp được vinh danh “Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới” và JW Marriott Phú Quốc trở thành “Khu nghỉ dưỡng mới đẳng cấp nhất thế giới”, cảm xúc của ông thế nào?
Rất xin lỗi vì tôi không được trịnh trọng lắm. Tôi mới làm việc cả ngày. Đúng như mô tả của bạn, 2 dự án như những đứa con tinh thần của tôi và tôi rất vui khi chúng đạt “vương miện”.
Được biết, ông đã nhiều lần từ chối lời mời của Tập đoàn SunGroup trước khi nhận lời thiết kế InterContinental Đà Nẵng nhưng đây lại là dự án mang lại cho ông nhiều giải thưởng nhất, đã có lúc nào ông tự nhủ “ồ may mà mình đã nhận lời”?
Đúng thế. Tôi cảm thấy rất may mắn bởi không phải tất cả các thiết kế đều trở nên tốt và đạt được những thành tựu như vậy. Một trong những lý do khiến dự án thành công là mối quan hệ, chủ đầu tư, khách hàng và nhà thiết kế. Đó là sự tin tưởng lẫn nhau.
Ông nói ông chỉ nhận lời thiết kế một dự án khi ông vui, vậy điều gì khiến ông vui? Tiền, các yêu cầu được thỏa mãn, sự hấp dẫn của dự án hay mối quan hệ với chủ đầu tư?
Quan trọng nhất đối với tôi là những cái gì mới, lạ. Tôi muốn đến những nơi mới chưa ai đến, làm những điều chưa ai làm và kể những câu chuyện không ai biết. Những mảnh đất có bề dày lịch sử, giàu truyền thống văn hóa luôn hấp dẫn tôi. Ví dụ như Đà Lạt, Mỹ Sơn... và đặc biệt là Huế.
Ông đã thiết kế khoảng 200 resort ở nhiều nước trên thế giới, liệu sự tương đồng về văn hóa, truyền thống có khiến các thiết kế bị lặp lại?
Ồ không. Không bao giờ chuyện đó xảy ra. Nếu có sự trùng lặp như thế thì nhà thiết kế đã chết rồi. Nếu bạn nhìn thấy điều đó thì không phải là tôi. Ở Xiêm Riệp (Campuchia) có dự án khách sạn mà tôi thiết kế đã mở cửa từ 2005. Đến nay khoảng 20 khách sạn sao chép thiết kế này.
Ăn cắp thiết kế? Ông ứng xử thế nào trong trường hợp này?
Rất tự hào. Chắc chắn rồi. Nếu dự án không tốt, không đẹp thì không ai bắt chước cả.
Ồ, đó là một cảm xúc rất ngược đời. Các nhà tạo mẫu thời trang, đạo diễn, nhà thơ, nhà văn... thường tức giận, thậm chí đi kiện khi tác phẩm của họ bị đánh cắp, còn ông thì...?
Với tôi, sao chép hết sức bình thường vì với dự án khác, tôi lại làm một cái khác hẳn. Không bao giờ lặp lại và luôn luôn tiến lên. Sự sáng tạo là vô tận.
Sự lãng phí nào cũng đáng ghét
Trên đường đi vào đây (JW Marriott Phú Quốc), tài xế kể rằng ông đang giận dỗi và bỏ ăn sáng chỉ vì một cây xoài bị chết. Tôi cũng đã từng nghe ông đếm 800 cây của một dự án ở Thái Lan hay từng bỏ về nước 6 tháng chỉ vì xe ủi tông phải một cái cây ở InterContinental Đà Nẵng... Ông bị ám ảnh về cây?
Những cái cây mà bạn nói không đáng bị chết. Nó chết vì nhà thầu lười nhác, không chăm sóc cho nó lớn lên. Đó là việc khiến tôi giận giữ. Thứ 2 là chủ đầu tư phải bỏ tiền ra để mua cây khác. Đó là sự lãng phí. Tôi lớn lên trong một gia đình rất nghèo nên bất cứ sự lãng phí nào cũng đáng ghét. Tôi là nhà thiết kế về cây xanh. Với một nhà thiết kế cây xanh, việc bảo vệ mẹ trái đất, bảo vệ thiên nhiên là quan trọng nhất và là việc đầu tiên phải làm.
Nhưng làm sao ông có thể đếm và nhớ từng cây? Tôi thì luôn mặc định rằng các nhà thiết kế đầu óc thường bay bổng, hay ông “dọa” người ta?
(Cười lớn) Tôi không biết. Một cách nào đó khiến tôi nhớ. Nếu buộc phải lý giải thì tôi nghĩ, đó là vì tôi hiểu được cách vận hành của tự nhiên, kiểm soát không gian đó và những cái cây sống trong không gian đó. Triết lý thiết kế của tôi là can thiệp ít nhất vào tự nhiên. Tận dụng và giữ tất cả những cái đã có sẵn. Vẫn xây dựng, vẫn phát triển nhưng phải hài hòa với tự nhiên. Bạn có thể nhận thấy điều đó qua những dự án của tôi ở VN như JW Marriott Phú Quốc, InterContinental Đà Nẵng hay ở bất cứ đâu.
Ngoài InterContinental Đà Nẵng lập kỷ lục vô tiền khoáng hậu tại World Travel Awards - “Oscar của ngành du lịch toàn cầu”, VN cũng đã có nhiều khu nghỉ dưỡng, bãi biển đẹp nhưng so với Thái Lan và các nước trong khu vực, du lịch VN vẫn bị đánh giá thấp hơn rất nhiều, ông nghĩ chúng tôi phải làm gì để khai phá hết tiềm năng của mình?
Tôi nghĩ VN không cần nhanh chóng và vội vã đuổi kịp Thái Lan vì Thái có quá nhiều khách sạn và resort. Có thể nói là dày đặc rồi. Nói sao nhỉ, ý tôi là Thái Lan đã qua cái thời kỳ phát triển vì không còn nhiều người muốn tới Thái Lan nữa. Nó quá đông đúc và chật chội. VN vẫn còn rất mới. Các bạn cứ từ từ phát triển với kiểu riêng của mình mà không cần chạy theo nước nào.
Được tạp chí Time gọi là “ông hoàng resort”, ông luôn được các chủ đầu tư săn đón. Đã bao giờ vì thấy một vùng đất đẹp, một địa danh hấp dẫn mà ông "gạ gẫm" họ để được thiết kế chưa?
Ồ chưa? Vì tôi nghĩ những người yêu cái đẹp một ngày sẽ gặp nhau, nếu thực sự đó là một vùng đất đẹp.
Những dự án của ông đều làm rất đắt đỏ, khi thiết kế ông có nghĩ tới vấn đề hiệu quả của dự án hay chỉ thỏa mãn sự sáng tạo của mình?
Nhà thiết kế, chủ đầu tư... cũng giống như một teamwork (nhóm cộng sự). Tôi muốn thiết kế đẹp nhất, tuyệt nhất nhưng thiết kế cũng phải tận dụng được tối đa những lợi thế để khai thác hiệu quả. Tôi luôn rõ ràng với chủ đầu tư. Cùng bàn bạc, thống nhất về chi phí để thực hiện dự án một cách tốt nhất. Tôi không muốn lãng phí bất cứ một cái gì hết. Tôi không muốn cứ bỏ tiền ra mà không mang lại một giá trị gì.
Tôi rất tò mò, không biết nhà riêng của “ông hoàng resort” sẽ như thế nào?
Nhà tôi nhỏ thôi, nhưng vườn thì rất lớn. Trong vườn được chia ra các khu vực riêng tư như khu uống trà, khu làm tiệc nướng ngoài trời, khu ao hồ có ếch kêu... Khách vào nhà tôi có cảm giác đi qua rất nhiều khu vườn khác nhau và họ đều rất ngạc nhiên.
Bill tự mình sắp đồ trong nhà hàng Pink Pearl tại JW Marriott Phú Quốc |
“Nhảy” trước nghĩ sau
Câu chuyện về JW Marriott Phú Quốc được phục dựng từ một trường đại học của thế kỷ trước do ông tự “sáng tác” nhưng đã khiến nhiều người lầm tưởng, có một trường đại học Lamarck thực sự...?
Thế là rất tốt. Nếu mọi người không nói về nó mới đáng lo. Vì nếu họ không nói về nó, họ sẽ không tò mò, họ có thể đến hoặc không. Nhưng nếu họ nói về nó, họ sẽ tới.
Ông không sợ bị ném đá?
Nhiều câu chuyện trên ti vi có thật đâu? Cũng chưa ai có câu chuyện như thế về một khu nghỉ dưỡng. Vậy tại sao chúng ta lại không? Tôi là nhà thiết kế nhưng tôi cũng là người rất thích đi du lịch.
Mỗi năm tôi dành 3 tháng chỉ để đi đây đó. Nếu đến chỉ để tắm thôi thì biển dù đẹp đến đâu cũng sẽ chán. Vì vậy tôi nghĩ, tại sao không lồng vào đó một câu chuyện thú vị. Đó là ý tưởng ban đầu.
Sau đó, tôi chiêm nghiệm từ bản thân mình, tôi luôn muốn đến những nơi có bề dày lịch sử, truyền thống, văn hóa. Nghĩa là mọi người đều có nhu cầu về một câu chuyện gì đó. Vì thế, tại sao tôi lại không cho nó một câu chuyện?
Sắp xếp lại khu vườn, đảo lộn đồ đạc, thêm cái này, bớt cái kia... sao ông cứ phải tự làm khổ mình hay quan điểm về cái đẹp của ông thiếu nhất quán?
Bạn muốn nói đến việc sắp đồ của tôi sáng nay? Tôi xem đây (JW Marriott Phú Quốc - NV) giống như nhà của mình và mỗi lần về nhà lại có ý tưởng mới, lại thay đổi cho nó càng ngày càng tốt hơn. Sự sáng tạo không có giới hạn.
Liên tục thay đổi trong công việc, vậy trong tình yêu, ông có phải là người dễ “thay lòng đổi dạ” không?
Tôi đã cưới 29 năm rồi nhưng giờ tôi còn yêu nhiều hơn so với lần đầu tiên gặp. Chưa bao giờ tôi nghĩ đến việc làm gì có lỗi với người bạn đời của mình.
Làm thế nào để yêu một người nhiều hơn theo thời gian?
Giống như lịch sử, càng lâu thì càng có bề dày, càng hấp dẫn. Và cũng giống như đồ cổ, càng để lâu thì càng quý giá. Tôi không biết. Có thể bạn tôi chán tôi nhưng tôi chưa bao giờ chán. Bố mẹ tôi đã lấy nhau 52 năm, ông bà tôi thì đã sống với nhau hơn 60 năm. Lịch sử gia đình bảo tôi rằng hãy cưới và hãy giữ hôn nhân.
Ông giải trí bằng cách gì?
Tôi có 4 con chó. Tôi cũng tuổi chó nếu tính theo văn hóa của các bạn, tôi là con đầu đàn trong nhà. Việc tôi thích làm nhất là chạy đua với 4 con chó đi săn rắn ở trên các cánh đồng.
Trong các cuộc chạy đua ấy ông thường thua?
Chó luôn thắng (cười lớn).
Nghệ sĩ sợ nhất là “chết vai”, việc InterContinental Đà Nẵng xác lập kỷ lục chưa từng có trong lịch sử ngành du lịch thế giới có khiến ông bị áp lực "chết vai" giống như trong nghệ thuật hay không?
Tôi nghĩ mình chưa làm được cái gì tốt cả. Tôi mới bắt đầu biết được phải làm như thế nào. Đó là điều tôi thực sự cảm thấy. Ví dụ khi đi trong một resort, tôi luôn cảm thấy cái này kinh quá, cái kia kinh quá và phải nghĩ cách để làm cho nó tốt hơn. Bạn vừa nói tôi hay thay đổi. Đó là vì tôi cảm thấy thực sự chưa làm được cái gì tốt nhất, đẹp nhất. Và khi nhìn thấy như thế, tôi luôn mong muốn làm tốt hơn nữa. Cái tốt nhất là ở phía trước.
Một câu ngắn gọn về quan điểm thiết kế của ông?
Nhảy trước nghĩ sau (đứng dậy nhún nhảy). Cứ làm đi. Bạn có thấy nó ngớ ngẩn cũng được, không vấn đề gì. Cứ làm theo trái tim của mình mách bảo, đừng nghĩ quá nhiều.
Bill Bensley - kiến trúc sư được đào tạo tại Đại học Harvard (Mỹ), sống và làm việc tại Bangkok (Thái Lan). Kể từ khi thành lập công ty thiết kế riêng vào năm 1989, Bensley đã thiết kế gần 200 công trình tại 30 quốc gia và đã giành được vô số giải thưởng.
Tạp chí Time gọi ông là “ông hoàng resort” và bình chọn ông là một trong 5 nhà thiết kế trong ngành du lịch khách sạn hàng đầu thế giới. Fast Company công nhận Bill Bensley là một trong top 100 nhân vật sáng tạo nhất thế giới. Ông cũng lọt vào danh sách Architectural Digest 100 đầy danh tiếng với danh hiệu kiến trúc sư và nhà thiết kế hàng đầu thế giới.
Đam mê và khắt khe trong công việc
Bill Bensley là người đam mê và luôn hết lòng với các đứa con tinh thần của mình. Ông rất nghiêm túc và khắt khe trong công việc. Không chùn bước trước mọi khó khăn, vướng mắc nào từ địa hình hiểm trở của dự án cho đến giải pháp thi công, giải pháp vật liệu... nhằm đem lại một tác phẩm hoàn hảo nhất, độc đáo nhất. Kỷ niệm làm tôi xúc động và nhớ mãi là giai đoạn chuẩn bị hoàn tất cho dự án InterContinental Đà Nẵng. Bill say sưa làm việc, leo trèo thoăn thoắt trên thang cao như một công nhân bốc xếp thật sự trong khi với địa vị của ông, chỉ cần chỉ tay ra lệnh thì hàng tá người phục vụ làm theo.
Ông Diệp Giáo Sinh
(Trưởng phòng Thiết kế nội thất - SunGroup)
Người cao siêu nhưng gần gũi
Tôi luôn nghĩ Bill Bensley là một người hết sức cao siêu, vượt "ngoài tầm" của mình. Nhưng khi gặp ông, nói chuyện, làm việc cùng thì thấy ông hết sức gần gũi. Ông ấy có một tình yêu đặc biệt với cây cối. Lần nào đến InterContinental Đà Nẵng hay JW Marriott Phú Quốc, việc đầu tiên là ông ấy đi một vòng để thăm và đếm xem có thiếu cây nào không. Ông cũng là người tràn đầy cảm hứng và sáng tạo không mệt mỏi. Ông thiết kế từ đồng phục nhân viên cho tới các chi tiết nhỏ nhặt để đảm bảo tất cả mọi cái phải đồng điệu trong một tổng thể.
Lê Thị Việt Thu
(Phó ban Quản lý khách sạn và dịch vụ - SunGroup)
Theo Thanh Niên