Ban IV tiến hành cuộc khảo sát trực tuyến vào cuối tháng 4/2023 để nhận diện tình hình người lao động nhằm phản ánh một bức tranh toàn diện về nền kinh tế ở thời điểm này và nửa cuối năm 2023.
Tỷ lệ người lao động không có việc làm còn cao
Kết quả khảo sát cho thấy, trong tổng số 8.343 người lao động tham gia khảo sát trên cả nước, có 31% đang ở trong tình trạng không có việc làm. Tỷ lệ này đã giảm trong bối cảnh COVID-19 (62% tại thời điểm tháng 8/2021 và 53% vào tháng 10/2021), nhưng vẫn khá cao, cho thấy còn nhiều thách thức đối với thị trường lao động.
Xét theo ngành kinh tế chính, các ngành kinh doanh bất động sản, xây dựng và du lịch, khách sạn, nhà hàng, tỷ lệ người lao động không có việc làm cao nhất, lần lượt là 53%, 44% và 43%. Xét theo địa phương, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Đà Nẵng, tỷ lệ người lao động không có việc làm cao nhất, đều trên 30% (Thành phố Hồ Chí Minh là 34%).
Hơn 36% người lao động tham gia khảo sát thuộc doanh nghiệp ngoài nhà nước, hộ kinh doanh, lao động tự do không có việc làm. Đây là nhóm người lao động dễ bị tổn thương vì họ thường là những lao động không có hoặc có tay nghề, trình độ không cao nên dễ bị sa thải khi nền kinh tế có những cú sốc. Tỷ lệ không có việc làm cao nhất rơi vào nhóm lao động tự do (45%), tiếp đến là hộ kinh doanh (41%), doanh nghiệp ngoài nhà nước (36%), doanh nghiệp có vốn FDI (24%).
Ngành kinh doanh bất động sản và xây dựng là hai ngành có tỷ lệ người lao động không có việc cao nhất, lần lượt là 53% và 44%. Điều này phản ánh thực tế ngành bất động sản trong suốt một năm qua gặp khó khăn, giao dịch ảm đạm. Nhiều doanh nghiệp bất động sản phải tái cơ cấu, sa thải nhân sự.
Ngành xây dựng cũng bị đình trệ khi giao dịch bất động sản ảm đạm, đồng thời các dự án xây dựng không triển khai được do vướng mắc về đất đai, thủ tục pháp lý, các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước chậm giảm ngân, điều này khiến tỷ lệ người lao động trong ngành xây dựng không có việc cao thứ 2.
Ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng có tỷ lệ người lao động không có việc làm là 43%, cao thứ 3, cho thấy ngành này chưa phục hồi mặc dù hết quý I/2023, lượt khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam là gần 2,7 triệu, nhưng mới chỉ bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch COVID-19.
Nhận diện nguyên nhân không có việc làm, 32,4% người lao động không có việc cho biết họ bị mất việc là do cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng cửa, phá sản hoặc tạm ngừng kinh doanh, trong khi 27,1% đưa ra nguyên nhân do cơ sở sản xuất, kinh doanh phải sa thải lao động để cắt giảm chi phí do không có đơn hàng. Xu hướng số người lao động bị mất việc tại các doanh nghiệp không những không giảm đi mà tăng lên diễn ra từ quý IV/2022 sang quý I/2023, dự báo còn tiếp diễn trong các quý còn lại của năm 2023. Theo kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp mới đây của Ban IV, trong số các doanh nghiệp dự kiến còn hoạt động năm 2023, có đến 71,3% doanh nghiệp dự kiến sẽ phải cắt giảm quy mô lao động từ 5% trở lên.
Tỷ lệ người lao động không có việc làm do không biết ngoại ngữ và không đủ trình độ, tay nghề theo yêu cầu lần lượt là 15% và 12%. Con số này cao hơn so với khảo sát tháng 11/2021 trong bối cảnh COVID-19, tỷ lệ này lần lượt là 10% và 11%. Điều này cho thấy, việc người lao động cần được đào tạo lại và đào tạo về ngoại ngữ vẫn là cấp thiết.
Trợ lực cho doanh nghiệp phục hồi
Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, gia tăng việc làm cho người lao động trong bối cảnh nhiều thách thức hiện nay, ông Trương Gia Bình, Trưởng ban IV, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính cho rằng, việc quan trọng nhất vẫn là phải trợ lực cho doanh nghiệp để doanh nghiệp duy trì và phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Các nhóm giải pháp trợ lực cho doanh nghiệp, qua đó hỗ trợ gián tiếp cho người lao động, điển hình như: Kéo dài thời hạn giảm thuế giá trị gia tăng. Giãn, hoãn, giảm các khoản phí liên quan đến bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn, hay xem xét mức đóng thuế thu nhập cá nhân mới để phù hợp với bối cảnh mới. Tiếp tục giảm lãi suất ngân hàng và các chính sách về giãn, hoãn, khoanh nợ, đồng thời cân nhắc các khoản vay ưu đãi như cho doanh nghiệp vay trả lương cho người lao động hoặc để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ tay nghề, giữ chân người lao động…
Chính quyền cấp trung ương và địa phương cắt giảm các thủ tục hành chính phức tạp, không ban hành thêm văn bản mới tạo thêm gánh nặng về thuế, phí, thủ tục hành chính cho cả doanh nghiệp và người lao động; hạn chế các đợt thanh tra, kiểm tra để các doanh nghiệp được yên tâm hoạt động, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì và mở rộng sản xuất, tạo việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động tham gia các khóa học nâng cao trình độ, tay nghề, ngoại ngữ.