Trong những vùng khó khăn cũng cần những chính sách vượt trội

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng quan điểm của Đảng và định hướng của Chính phủ là xây dựng thể chế vượt trội cho vùng kinh tế động lực để lan tỏa, dẫn dắt phát triển nhưng hiện nay, ngay trong những vùng khó khăn cũng có những yếu tố để lan tỏa và là động lực phát triển cho chính địa phương đó, cần được xem xét đưa vào văn kiện của Đảng.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc làm việc - Ảnh: VGP/Thành Chung
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc làm việc - Ảnh: VGP/Thành Chung

Ngày 24/7 tại Yên Bái, Tiểu ban văn kiện Kinh tế-Xã hội Đại hội Đảng lần thứ XIII đã làm việc với các tỉnh miền núi phía bắc, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và TP. Hà Nội dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nêu vấn đề cần làm rõ hơn quan điểm và việc thực hiện quan điểm của Đảng đối với các vùng kinh tế động lực và các vùng khó khăn.

Theo quan điểm này, cần có thể chế vượt trội cho các vùng kinh tế động lực làm đầu tàu dẫn dắt và tạo ra sự lan toả đối với các vùng khác và cả nước, bên cạnh đó cũng phải có thể chế để rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng khó khăn với cả nước.

Nhưng qua các cuộc làm việc với các địa phương trong các vùng kinh tế trọng điểm và hôm nay, tại vùng còn nhiều khó khăn như miền núi phía bắc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng các địa phương vẫn “kêu” nhiều việc triển khai các cơ chế, thể chế hiện hành.

“Phải chăng chủ trương như thế nhưng chúng ta làm chưa tới nơi. Nâng “trên” (các vùng kinh tế trọng điểm - PV) chưa ra nâng mà đỡ “dưới” (các vùng khó khăn) cũng chưa tới đâu, mặc dù Đảng, Nhà nước có nhiều nỗ lực”, Phó Thủ tướng bày tỏ và đề nghị Tổ biên tập của Tiểu ban đánh giá kỹ hơn nội dung này.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng tình với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII cần tiếp tục khẳng định cách tiếp cận chính sách trong phát triển vùng, nhất là vùng khó khăn là không ban hành phân tán, dàn trải và không có chính sách “cho không” để tiếp tục thay đổi trong nhận thức và hành động của xã hội.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ ra qua bài học phát triển ở Lào Cai, Thái Nguyên, Sơn La hay nhiều địa phương còn khó khăn khác và đặt ra câu hỏi phải chăng cần có cả thể chế, chính sách vượt trội cho những nơi ở trong vùng khó khăn này mà có được động lực phát triển.

“Vì sao một địa phương còn khó như Phú Thọ có được Bệnh viện Đa khoa cấp tỉnh nổi tiếng mà nhiều nơi tới học tập kinh nghiệm? Vì sao Sơn La đang trở thành trung tâm sản xuất trái cây và kinh tế tập thể phát triển? Tôi cho rằng không chỉ nói và nghĩ đến khó khăn mà ngay trong đó đều có sẵn những động lực để phát triển, lan tỏa ra các nơi khác, chứ không phải chỉ phát triển nhờ sự tác động từ vùng khác”, Phó Thủ tướng nhận định đây cũng là một điểm mới cần xem xét thấu đáo.

Qua nghe ý kiến của các địa phương trong vùng, Phó Thủ tướng cũng đặt ra việc kết hợp thế nào giữa phát triển kinh tế với an sinh xã hội để bảo đảm hiệu quả tốt nhất.

“Các nước trên thế giới đều thực hiện chiến lược phát triển bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau. Chúng ta cũng thực hiện theo tinh thần này. Khi đi các quốc gia khác, người ta khuyên Việt Nam tập trung làm kinh tế ở những nơi tốt, thuận lợi để có nguồn lực dồi dào rồi mới tập trung cho những nơi khó khăn. Nhưng chúng ta không làm vậy được. Đảng xác định kết hợp an sinh xã hội và công bằng xã hội ngay trong từng chính sách, từng chương trình, dự án cụ thể. Vậy điểm khác biệt của Việt Nam với các nước như thế nào để có giải pháp tốt hơn, hiệu quả hơn trong vấn đề này?”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu vấn đề.

Đối với vùng miền núi phía bắc, Phó Thủ tướng đề nghị Tổ biên tập bám sát các vấn đề mà Trung ương, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 22 về chủ trương chính sách, phát triển miền núi; Nghị quyết số 16 về phát triển kinh tế-xã hội các xã biên giới đất liền kết hợp củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại; Nghị quyết số 43 về bảo vệ biên giới quốc gia và 2 Chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ. Trong đó, trọng điểm là các vấn đề sắp xếp lại dân cư, các mô hình cấp gạo cho đồng bào để giữ rừng, sớm xây dựng Đề án phát triển đời sống đồng bào dân tộc...

Đối với phát triển kết cấu hạ tầng, Phó Thủ tướng cho rằng phải kết nối theo hướng Bắc-Nam, theo hình dẻ quạt hướng tới Hà Nội nhưng phải quan tâm cả kết nối Đông-Tây để tăng cường liên kết vùng Tây Bắc và Đông Bắc...

Theo Chính phủ
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.