Không gian trưng bày các tư liệu hình ảnh, hiện vật, trang phục, nhạc cụ; những tiếng nói, trải nghiệm của người trong cuộc... nhằm khái quát về tín ngưỡng thờ Mẫu ở Huế dưới góc nhìn văn hóa; giới thiệu các loại hình diễn xướng trong nghi lễ như nghề hát văn, hầu đồng độc đáo cũng được thể hiện dưới góc nhìn văn hóa.
Qua đó, trưng bày giúp người xem hiểu rõ hơn những nét đẹp, những giá trị truyền thống trong đời sống tâm linh đa dạng, đặc sắc của cư dân Cố đô, góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu trong cuộc sống đời thường.
Tín ngưỡng thờ Mẫu là tri thức dân gian, ngôn ngữ truyền khẩu, nghệ thuật tạo hình, trang trí, âm nhạc, ứng xử, giao tiếp với công chúng. Đó là những sáng tạo văn hóa của cộng đồng đã không ngừng được tiếp nối và được bảo vệ, giữ gìn cho đến ngày nay.
Bà Nguyễn Hồng Hoa Tranh - Giám đốc Bảo tàng Văn hóa Huế cho biết: Tín ngưỡng thờ Mẫu là một trong những tín ngưỡng dân gian bản địa, có lịch sử lâu đời, biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội.
Tín ngưỡng này có nguồn gốc từ tục thờ Nữ thần - Bà mẹ Lúa của người Việt ở miền Bắc kết hợp với một số yếu tố của Đạo giáo từ phương Bắc truyền sang. Trong quá trình Nam tiến của dân tộc, với vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân, người Việt đã tiếp thu, dung hợp tín ngưỡng thờ thần mẹ xứ sở Po Nagar của cư dân Chăm.
Với những đặc thù đó, tín ngưỡng thờ Mẫu ở Huế cũng mang trong mình những yếu tố về nghi lễ khá đặc biệt. Khác một số nơi ở miền Bắc là thờ Tam phủ, Tín ngưỡng thờ mẫu ở Huế là Tứ phủ với quan niệm thánh thần ở bốn cõi: Thượng thiên (cõi trời cao), Trung thiên (cõi trời giữa), Thượng ngàn (cõi núi rừng), Thủy phủ (cõi sông nước), mỗi cõi đều có một vị Thánh mẫu đứng đầu.
Ngoài ra tín ngưỡng còn thờ cả Phật bà Quan âm, Quan thánh đế quân... Ngoài nghi thức thờ phụng các thần, tín ngưỡng này còn có hiện tượng thông linh qua nghi thức "hầu đồng" khá độc đáo, đặc biệt riêng ở Huế có hầu đồng tập thể.
Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, vào tháng Ba và tháng Bảy âm lịch hàng năm, hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu được tổ chức long trọng tại Điện Hòn Chén, trở thành một lễ hội văn hóa, tưng bừng, đầy màu sắc và thu hút rất đông đảo các tín đồ.
Vào năm 2016, “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) xướng danh và công nhận sản là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.
Trưng bày chuyên đề “Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Huế” diễn ra đến hết ngày 2/11.