Trưng bày về Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam

(Ngày Nay) - Trưng bày với chủ đề "Khoa học: Sáng tạo & Cống hiến" giới thiệu 14 công trình khoa học được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, là cơ hội để công chúng có thể tìm hiểu sự sáng tạo và những đóng góp, cống hiến của các nhà khoa học Việt Nam, đồng thời hiểu vì sao họ lại có thể thành công được trong mọi hoàn cảnh như vậy.

Ngày 29/8, tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (Cao Phong, Hòa Bình), Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam tổ chức khai trương phòng trưng bày về Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam, với chủ đề "Khoa học: Sáng tạo & Cống hiến". Đây là cuộc trưng bày đầu tiên về Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam, được thực hiện nhân dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Trưng bày có sự bảo trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Liên hiệp các hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam.

Giải thưởng Hồ Chí Minh là giải thưởng danh giá nhất của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao tặng cho những công trình nghiên cứu đặc biệt xuất sắc, có giá trị cao về khoa học, kỹ thuật, văn học và nghệ thuật. Trong 75 năm qua, các nhà khoa học Việt Nam ở nhiều lĩnh vực có đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước đã vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Trưng bày về Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam ảnh 1

Trưng bày là cơ hội để công chúng tìm hiểu sự sáng tạo và những đóng góp, cống hiến của các nhà khoa học Việt Nam - Ảnh: TTXVN

Thông qua những câu chuyện và hiện vật trong trưng bày, công chúng sẽ hiểu biết hơn về hoạt động nghiên cứu khoa học ở nước ta. Đó là câu chuyện Giáo sư Đặng Văn Ngữ nghiên cứu điều chế penicillin ở rừng núi Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp và vào chiến trường miền Nam điều trị sốt rét cho thương bệnh binh. Đó là câu chuyện về những sáng tạo trong phương pháp cắt gan của Giáo sư Tôn Thất Tùng đã làm rạng danh nền y học Việt Nam.

Đó là những phát minh mang tính lý thuyết trong lĩnh vực toán học, vật lý, cơ học của Giáo sư Hoàng Tụy, Giáo sư Nguyễn Đình Tứ và Giáo sư Nguyễn Văn Đạo khiến thế giới phải nể phục. Đó còn là những câu chuyện về sự say mê với thiên nhiên, cây cỏ, động vật của Giáo sư Thái Văn Trừng, Giáo sư Đào Văn Tiến, Giáo sư Đỗ Tất Lợi để có được những công trình khoa học để đời; hoặc những hành trình gian khổ kéo dài nhiều năm, khám phá đất đá để thành lập những tờ bản đồ địa chất, bản đồ khoáng sản, bản đồ đất Việt Nam…

Trưng bày lần này cũng giới thiệu về sự đột phá trong tư duy, sáng tạo ra những công trình mang lại lợi ích cho người nông dân. giúp tiết kiệm nhiều tỷ đồng cho ngân sách nhà nước; về hành trình từ một người soát vé đến một đạo diễn chèo và nâng nghệ thuật chèo lên tầm lý luận khoa học; về sự tận tâm, tận tụy của các bác sỹ cả đời gắn bó với kính hiển vi hay chiếc ống nghe để nghiên cứu giải phẫu bệnh và cứu chữa cho người bệnh…

Cuộc trưng bày này dùng ngôn ngữ bảo tàng để phản ánh một phần lịch sử khoa học Việt Nam sau năm 1945. Khách tham quan sẽ được thấy nhiều tài liệu, hiện vật gốc đã từng gắn bó với quá trình nghiên cứu của các nhà khoa học tên tuổi. Những quyển sổ ghi chép, cuốn nhật ký, bức thư, tấm ảnh…, cùng với tiếng nói của người trong cuộc hay hồi ức của bạn bè, đồng nghiệp, học trò và người thân của nhà khoa học, tất cả cùng kể những câu chuyện phía sau thành công của mỗi nhà khoa học có công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Việc khai trương phòng trưng bày về Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam cũng đồng thời là dịp ra mắt tòa nhà Quyển sách mở - nơi lưu trữ di sản của các nhà khoa học và đưa những di sản đó đến với công chúng.

Cuộc Trưng bày về Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Namsẽ mở cửa từ 7 giờ đến 17 giờ tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày lễ, tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình).

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng. Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN
Học sinh Hà Nội mong phương án tuyển sinh lớp 10 sớm được công bố
(Ngày Nay) - Năm học 2024 - 2025 đã đi qua gần hết học kỳ 1, song các nhà trường, học sinh lớp 9 và phụ huynh trên cả nước vẫn chưa biết phương án tuyển sinh lớp 10 năm học tới. Cùng với các địa phương, thành phố Hà Nội chưa thể “chốt” được phương án tuyển sinh lớp 10 vì còn chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy chế tuyển sinh.
Dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty TNHH Xuân Trường Hoành Bồ làm chủ đầu tư.
Hà Nội: Sau đấu giá, quy hoạch nhà ở cao tầng được điều chỉnh về thấp tầng
(Ngày Nay) - Ô đất TT-07 (tên cũ là CT–04, nằm tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trước đây từng được quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở chung cư cao tầng. Tuy nhiên, sau khi kết quả trúng đấu giá được phê duyệt, ô đất này bất ngờ được thay đổi quy hoạch thành đất ở thấp tầng, để thực hiện dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long.