“Thế giới càng bất ổn thì quan hệ Trung-Nga càng phải tiến lên”, một bài bình luận đăng trên Nhân dân Nhật báo hôm Chủ nhật cho biết.
Tác giả bài viết khẳng định rằng xây dựng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện là lựa chọn chiến lược lâu dài của cả hai cường quốc.
"Nó là chìa khóa để Trung Quốc và Nga duy trì liên lạc cấp cao, lâu dài và tăng cường hợp tác chiến lược, để bảo vệ lợi ích chung và duy trì ổn định địa chính trị", theo bài báo.
Nội dung bài viết cũng không đề cập tới cuộc xung đột Nga-Ukraine. Trong khi Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy hòa bình, nước này vẫn vấp phải sự chỉ trích từ Mỹ và các đồng minh về việc từ chối lên án Nga.
Ông Tập sẽ bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Moscow vào thứ Hai tuần này, đánh dấu chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc sau khi củng cố nhiệm kỳ thứ ba.
Chuyến thăm cũng xảy ra ngay sau khi chính quyền Bắc Kinh làm trung gian hòa giải giữa Iran và Saudi Arab sau 7 năm căng thẳng, sự kiện này đã làm nổi bật vai trò lãnh đạo toàn cầu của Trung Quốc thay thế Mỹ.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết chuyến đi ba ngày theo lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin là "chuyến thăm hữu nghị, hợp tác và hòa bình".
Tại Moscow, ông Tập sẽ có cuộc hội đàm chuyên sâu với Tổng thống Nga Putin về “quan hệ song phương và các vấn đề quốc tế và khu vực lớn, cùng vạch ra một kế hoạch chi tiết mới cho sự phát triển trong tương lai của quan hệ song phương và thúc đẩy tăng cường hợp tác cùng có lợi trong các lĩnh vực khác nhau”.
Điện Kremlin cho biết một số văn bản song phương quan trọng sẽ được ký kết trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Putin cuối tuần qua đã có các chuyến thăm bất ngờ tới Crimea và Mariupol.
Cuối tháng trước, Trung Quốc công bố lập trường 12 điểm về Ukraine, kêu gọi ngừng bắn và đàm phán hòa bình.
Đề xuất lặp lại hầu hết lập trường đã nêu của Trung Quốc về vấn đề này, bao gồm cả việc chấm dứt các biện pháp trừng phạt và tôn trọng chủ quyền của tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, quan điểm đã bị các nước phương Tây bác bỏ phần lớn do không tiếp tục lên án Nga.
Tháng trước, Điện Kremlin cho biết Nga nhận thấy “hiện tại không có điều kiện tiên quyết nào” để cuộc xung đột thay đổi chiến thuật và sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự.
Các nhà phân tích nhận định rằng Trung Quốc có thể sử dụng đòn bẩy ngoại giao, chính trị và kinh tế của mình để đóng vai trò kiến tạo hòa bình lớn hơn nhằm giúp Nga và Ukraine đạt được thỏa thuận ngừng bắn, nhưng Trung Quốc phải giữ thái độ trung lập, duy trì liên lạc với cả hai nước và sử dụng các công cụ của mình một cách chính xác.