Trong một thông báo hôm thứ Năm, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia và 5 cơ quan chính phủ khác cho biết Trung Quốc sẽ loại bỏ các dự án điện than không đạt tiêu chuẩn và kiểm soát chặt chẽ công suất điện bổ sung từ than đốt tại các địa phương.
Quyết định này là một trong nhiều động thái mà các nhà chức trách Trung Quốc đã thực hiện trong những năm gần đây để giảm mức độ phụ thuộc vào than đá của ngành năng lượng thế giới xuống dưới mức 58% trong năm 2020.
Theo các nhà môi trường, động thái này sẽ đóng vai trò là hồi chuông báo động cho các chính quyền tỉnh, cùng những cơ quan đã phê duyệt các dự án điện than mới trong năm nay.
Từ tháng 1 đến tháng 5, ít nhất 48 gigawatt dự án điện than đã được lên kế hoạch, phê duyệt hoặc xây dựng - vượt quá tổng công suất của các dự án điện than được đưa vào hoạt động trong cả năm 2019. Cùng với đó là các dự án điện than đang được xây dựng với tổng mức công suất lên tới 46 gigawatt.
Li Danqing, giám đốc dự án khí hậu và năng lượng tại tổ chức Greenpeace, hôm thứ Năm cho biết các chính quyền địa phương nên cắt giảm nhu cầu sử dụng điện than. Theo nghiên cứu của Greenpeace, hầu hết các dự án điện than được phê duyệt trong năm nay đều được đầu tư bởi các doanh nghiệp địa phương chứ không phải các tập đoàn trung ương.
“Chắc chắn thông báo mới nhất này là một lời cảnh tỉnh cho các cơ quan năng lượng địa phương để ngăn chặn họ vội vã phê duyệt các dự án điện than với mục đích phục hồi kinh tế sau dịch bệnh”, ông Li nói.
“Các tỉnh, thành trên khắp Trung Quốc đã bật đèn xanh cho nhiều dự án điện than trong giai đoạn 2014-2015 sau khi được chính quyền trung ương cấp thẩm quyền”, Li nói. “Việc giảm chi phí tài chính sau đại dịch, cùng với các chính sách của chính phủ để phục hồi nền kinh tế, cũng đã dẫn đến việc đầu tư lớn hơn cho các dự án điện than”.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đưa ra một loạt các biện pháp - bao gồm chuyển đổi từ điện than sang các loại năng lượng sạch hơn và sáp nhập các nhà máy sản xuất điện than thuộc sở hữu nhà nước, nhằm mục đích kiềm chế ô nhiễm không khí và khí thải carbon, cũng như giảm tình trạng dư thừa năng lượng ở một số tỉnh.
Mặc dù có chỗ đứng vững chắc ở Trung Quốc, nhưng điện than hiện đóng góp ít hơn vào tổ hợp năng lượng của nước này: từ 67,9% năm 2015 xuống còn 62,3% vào năm 2019.