Mới đây, tại Trung Quốc, một nhóm các nhà khoa học ở Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm đã thực hiện một bước đột phá quan trọng trong quá trình tạo ra “áo tàng hình” bằng cách uốn cong các bước sóng ánh sáng xung quanh nó.
Áo choàng tàng hình của Harry Potter, thứ mà nhiều người mong muốn có được.
Mặc dù kỹ thuật này không phải là mới nhưng những phát hiện của nhóm nghiên cứu này sẽ giúp tiết kiệm vật liệu và giảm đáng kể chi phí sản xuất.
Trước đây, các nhà khoa học chỉ có thể áp dụng công nghệ này để tạo ra với những mẫu vật chất có kích thước nhỏ.
Thông thường, ánh sáng khi chạm đến vật thể sẽ phản xạ trở lại, giúp mắt người có thể quan sát được vật thể đó, nhưng loại vật liệu mới này đi ngược lại nguyên lý đó bằng cách cho phép các photon đi qua theo một hướng đã được định sẵn. Vật liệu này khiến ánh sáng bị bẻ cong khi tiếp xúc với nó, giống như việc dòng nước tự rẽ ra khi gặp phải một hòn đá.
Chế tạo loại vật liệu này phức tạp hơn so với chế tạo chip máy tính bởi phải cần hàng tỷ các đơn vị cấu trúc độc lập khắc lên trên bề mặt tấm kim loại để tạo ra hiệu ứng tàng hình, kèm theo đó là mức chi phí rất cao.
Nhưng nhóm nghiên cứu này tin rằng họ đã giải quyết được các vấn đề đó.
Yang Chengliang, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết công nghệ của họ có thể làm ra một tấm tinh thể bạc “tàng hình” với kích thước lên tới một mét vuông hoặc lớn hơn nhưng chi phí thậm chí còn rẻ hơn một chiếc khăn hàng hiệu.
Họ đã sử dụng những loại hóa chất đặc biệt để tạo ra những cấu trúc sợi nano lớn từ bạc, làm thay đổi hướng mà ánh sáng di chuyển bằng cách tác động lên các electron bên trong một photon hay một hạt ánh sáng, nhóm nghiên cứu cho biết.
Những kết quả trên được công bố trong một bài báo của tạp chí Optics Express của Hội Quang học Mỹ.
Ông Yang cho biết phương pháp này tương đối đơn giản và có thể cho sản xuất hàng loạt nhưng để sản phẩm đưa vào sử dụng trong thực tế có lẽ phải mất 10 năm nữa.
Loại vật liệu này dù kiểm soát tốt hướng đi của ánh sáng nhưng vẫn xảy ra hiện tượng lọt sáng. Lỗi này có thể làm mất tác dụng tàng hình vì nó khiến người mặc có vẻ như đang di chuyển trong bóng tối, ông Yang nói.
Ông cũng cho biết nhóm đang tiếp tục nghiên cứu để cải thiện độ sáng của vật liệu. Tuy nhiên, loại vật liệu này chỉ dày vài micron, gây trở ngại khi muốn may thành quần, áo vì quá mỏng.
Dù vậy, bước tiến này cũng khiến rất nhiều nhà khoa học khác hứng thú. Một nhà nghiên cứu công nghệ tương tự tại Đại học Fudan ở Thượng Hải cho biết phương pháp này chưa từng xuất hiện trước đây, nó sẽ cho phép con người sản xuất hàng loạt áo tàng hình.
Ông cũng cho rằng loại vật liệu này còn có thể ứng dụng để chế tạo “siêu thấu kính” giúp các vệ tinh chụp ảnh trái đất một cách rõ ràng nhất. Điều này dựa trên logic rằng các vật liệu tương tự về mặt lý thuyết có thể phóng đại các vật ở xa mà không bị bóp méo hình ảnh.
Danh Tuyên (theo SCMP)