Tàu thăm dò Hằng Nga-5 không người lái đã được phóng lên từ Bãi phóng tàu vũ trụ Văn Xương trên đảo Hải Nam vào sáng sớm nay.
Sau khi cất cánh, tàu vũ trụ tách khỏi tên lửa đẩy và hệ thống bảo vệ, sau đó đi vào quỹ đạo chuyển Trái đất-Mặt trăng. Đoạn phim phát trực tiếp từ vụ phóng cho thấy đội ngũ kỹ sư Trung Quốc vỗ tay trong phòng điều khiển khi tên lửa đẩy rơi ra khỏi mỗi bên của Hằng Nga-5 và một lần nữa khi tàu vũ trụ tách khỏi tên lửa trên quỹ đạo.
Khi đã ở trong quỹ đạo của Mặt trăng, tàu thăm dò sẽ triển khai một cặp phương tiện lên bề mặt để khoan vào lòng đất từ đó thu thập các mẫu đất và đá.
Nếu thành công, sứ mệnh này sẽ biến Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba thu được các mẫu vật trên bề mặt Mặt trăng, sau Mỹ và Liên Xô nhiều thập kỷ trước.
Tên lửa Trường Chinh 5 mang theo tàu Hằng Nga-5 chuẩn bị được phóng tại Bãi phóng Không gian Văn Xương. |
Các phi hành gia Mỹ đã mang về 382 kg đá và đất trong sứ mệnh Apollo, từ năm 1969 đến năm 1972, trong khi Liên Xô thu thập 170,1 gram mẫu vật vào năm 1976.
Trong nhiều thập kỷ kể từ đó, dữ liệu từ các sứ mệnh viễn thám quỹ đạo đã cho thấy có sự đa dạng hơn nhiều về loại đá và tuổi trên Mặt trăng so với các mẫu hiện có.
Tàu thăm dò Hằng Nga-5 sẽ cố gắng thu thập 2 kg mẫu vật trong một đồng bằng dung nham khổng lồ được gọi là Oceanus Procellarum, hay "Đại dương Bão tố". Theo NASA, vùng tối này trải dài khoảng 2.900 km, có thể là một "vết sẹo" từ một tác động vũ trụ đã tạo ra một biển magma cổ xưa trên Mặt trăng.
Những mẫu vật này có thể giúp các nhà khoa học hiểu thêm về nguồn gốc và quá trình hình thành của Mặt trăng cũng như đặt nền tảng cho các nhiệm vụ thu thập mẫu vật phức tạp hơn trong tương lai, có thể là trên các hành tinh khác.
Sứ mệnh kéo dài một tháng
Theo Cơ quan Quản lý Không gian Quốc gia Trung Quốc (CNSA), khi Hằng Nga-5 đi vào quỹ đạo của mặt trăng, tàu vũ trụ sẽ tách thành hai: một nửa sẽ ở lại trong không gian, trong khi nửa còn lại sẽ hạ cánh trên "Đại dương Bão tố".
Trong vòng 48 giờ kể từ khi tàu đổ bộ chạm đất, cánh tay robot của nó sẽ xúc đá từ bề mặt khoan vào lòng đất để lấy đất. Các mẫu sẽ được niêm phong vào một thùng chứa trong tàu vũ trụ.
Sau khi thu thập thành công mẫu vật, robot sẽ quay trở lại tàu và phóng lên quỹ đạo Mặt trăng, từ đó kết nối với nửa còn lại đang đợi sẵn để trở về Trái đất.
Dự kiến Hằng Nga-5 sẽ đổ bộ xuống Mặt trăng vào đầu tháng 12, theo hãng thông tấn Tân Hoa xã. Từ đầu đến cuối, nhiệm vụ sẽ kéo dài hơn 20 ngày.
CNSA cho biết, khi các mẫu được gửi về Trái đất, các nhà khoa học sẽ có thể phân tích cấu trúc, đặc tính vật lý và thành phần vật chất của đất trên Mặt trăng. Sứ mệnh này có thể giúp trả lời các câu hỏi như núi lửa trên Mặt trăng có còn hoạt động hay không và khi nào từ trường của nó - chìa khóa để bảo vệ bất kỳ dạng sống nào khỏi bức xạ của mặt trời - biến mất.
Ông Peng Jing, phó thiết kế trưởng của tàu thăm dò, cho biết: "Chúng tôi có thể gọi đây là một sứ mệnh quan trọng. Thành công của nó sẽ giúp chúng tôi có được những khả năng cơ bản để khám phá không gian sâu trong tương lai như lấy mẫu và cất cánh từ sao Hỏa, tiểu hành tinh và các thiên thể khác".