Năm nay, kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được tổ chức 5 điểm thi. Trong đó 4 điểm thi đặt tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và 1 điểm thi ở Trường Đại học Quy Nhơn.
Từ 6 giờ, nhiều thí sinh, phụ huynh đã tới các điểm thi của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Em Hoàng Văn Mạnh (Trường THPT Bất Bạt, Ba Vì, Hà Nội) cho biết: “ “Để tham gia kỳ thi em đã phải ở nhờ nhà người quen từ hôm qua. Kỳ thi này giúp em thử sức và thêm cơ hội để em đỗ đại học. Vì thế em không quá lo lắng”.
Lý giải về việc số lượng thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023 tăng gấp đôi so với năm 2022, GS. Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: “Vấn đề đào tạo, chất lượng được nhà trường đặt lên hàng đầu. Năm ngoái, trường đã tổ chức tuyển sinh theo hình thức đánh giá năng lực đã được thí sinh, xã hội tín nhiệm cũng như có sự truyền thông về kỳ thi để thí sinh, xã hội biết. Tôi cho đó là sự cộng hưởng. Nhưng phải khẳng định, nhà trường tạo ra kỳ thi chất lượng để số lượng thí sinh đăng ký dự thi nhiều hơn. Đồng thời, năm nay, nhiều trường sư phạm dùng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực này để xét tuyển vì thế tăng cơ hội cho thí sinh”.
GS. Nguyễn Văn Minh cũng nhấn mạnh, nếu các thí sinh chưa có điều kiện thi hôm nay cũng còn cơ hội là dùng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển như mọi năm. Chỉ tiêu xét tuyển kỳ thi tốt nghiệp THPT của trường là 70%. Việc tổ chức thi đánh giá năng lực là một lộ trình, nếu dịch chuyển ngay thì thí sinh chưa thể thích ứng được.
Đánh giá chung của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội về cấu trúc đề thi thì, nội dung các bài thi của kỳ thi đánh giá năng lực tương ứng và phù hợp với nội dung các môn học, môn thi cấp THPT mà học sinh đã quen thuộc; thí sinh làm bài thi trực tiếp trên giấy. Đề thi có kết hợp trắc nghiệm và tự luận với tỉ lệ điểm phù hợp tùy theo bài thi, bao gồm các câu hỏi đánh giá mức độ thông hiểu kiến thức cốt lõi và năng lực lập luận, phân tích, đánh giá, giải quyết vấn đề và sáng tạo.