Ngày mai (11/5) học sinh các lớp Mầm non và Tiểu học ở Hà Nội bắt đầu trở lại trường sau hơn 3 tháng tạm nghỉ do dịch COVID-19.
Tuy nhiên việc nhà trường thông báo chỉ học 1 buổi/ngày, không tổ chức bán trú khiến nhiều phụ huynh lo lắng sẽ mất rất nhiều thời gian đưa đón, trông nom và hơn hết là ảnh hưởng đến sức khỏe của con khi di chuyển giữa trời nắng nóng.
Phụ huynh lo lắng
Chị Hoàng Thu Huyền (phụ huynh có con học lớp 2 trường Tiểu học Phan Đình Giót, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, hiện trường con gái chị đang chia nhóm để học. Một nhóm học vào thứ hai – tư – sáu, nhóm còn lại học thứ ba – năm – bảy.
Trong đó, các lớp khối 2, 3, 4, 5 sẽ học vào buổi sáng, khối 1 sẽ học vào buổi chiều. Nhà trường tạm dừng tổ chức ăn bán trú, phụ huynh phải tự đón con về cho ăn uống và nghỉ ngơi sau mỗi buổi học.
“Tôi đang rất lo việc phải đón con vào buổi trưa. Cả bố mẹ đều đi làm, con đi học. Bây giờ trường không nhận bán trú thì ai trông con, ai cho con ăn”, phụ huynh rầu rĩ chia sẻ.
Gia đình chị Huyền chỉ có 3 người, trước đây con gái học cả ngày nên hai vợ chồng thay phiên nhau đón con vào mỗi buổi chiều sau giờ tan làm. Giờ không thể trông con vào buổi chiều nên phụ huynh này cho biết đang nhờ người quen tìm gấp người giúp việc.
“Nếu có tìm được thì buổi trưa tôi cũng phải đến đón con rồi đưa về nhà. Không biết bao giờ dạy học mới trở lại bình thường để phụ huynh và học sinh đỡ khổ”, chị Huyền tâm sự.
Anh Trần Đức Hoàng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, gia đình có 3 con đang học lớp 1, 3 và 5. Từ đầu tuần tới các con đều trở lại trường, nhưng lịch học chỉ một buổi/ngày cùng với việc trường không nhận bán trú đang khiến cả nhà anh phải “vò đầu bứt tai” lo chuyện đón, đưa con đi học.
“Nếu theo lịch học mới này thì buổi trưa đến trường đón hai bé lớp 1 và lớp 3 về cho ăn. Sau đó đầu giờ chiều lại đưa bé lớp 5 đi học và cuối buổi lại đến đón con. Như vậy cả ngày chỉ canh đến giờ đón con, cho con ăn cũng đủ bở hơi tai", anh Hoàng chia sẻ.
Anh Hoàng cho rằng, nếu ngành giáo dục nhận thấy môi trường học tập của học sinh đã an toàn thì nên để việc dạy và học trở về quỹ đạo bình thường, cho các con ăn bán trú để thuận lợi cho phụ huynh.
“Còn nếu thấy chưa an toàn thì chưa nên cho đối tượng học sinh các lớp nhỏ trở lại trường. Chưa kể, việc đưa đón trẻ vào giữa trưa - chiều là thời điểm nắng nhất, rất dễ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của các con”, anh Hoàng lo lắng.
Các trường tự quyết định học bán trú
Về việc tổ chức học bán trú hay không? cô Kim Anh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Chu Văn An (Hà Nội) cho biết, ít nhất trong tuần sau nhà trường chưa tổ chức bán trú.
Vì tuần đầu sẽ để học sinh toàn trường ổn định cũng như nhà trường kiểm tra độ an toàn khi vận hành các quy trình sinh hoạt, sau đó mới quyết định về thời gian tổ chức học 2 buổi và bán trú.
"Hiện trường đang tính toán để cho học sinh các lớp sẽ học tập trung 1 buổi từ thứ hai đến thứ sáu. Tuy nhiên do thời tiết khá nắng nóng, chúng tôi đang dự tính sẽ đề xuất với Phòng GD&ĐT cho học sinh giảm thời gian học ở trường và kết hợp với học trực tuyến vẫn đảm bảo lượng kiến thức các môn học", cô Kim Anh cho hay.
Mới đây, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng họp với các quận, huyện về phương án tổ chức cho học sinh mầm non, tiểu học đi học trở lại. Trong đó, nhiều trường quan tâm vấn đề làm sao để giãn cách với sĩ số quá đông và có hay không tổ chức bán trú.
Tại cuộc họp, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: "Sở GD&ĐT sẽ không cấm các trường tiểu học, mầm non tổ chức bán trú. Vì đặc thù của lứa tuổi này, nếu không có bán trú mà chỉ học 1 buổi thì phụ huynh sẽ vất vả, trẻ cũng không đảm bảo sức khỏe.
Vì thế, phương án tổ chức đi học trở lại thế nào sẽ tùy thuộc điều kiện cụ thể của từng trường, trên cơ sở tuân thủ những yêu cầu chung về phòng dịch" , ông Tiến nói.
Theo ghi nhận tại một số quận như Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân, sĩ số học sinh tiểu học nhiều trường công lập ở mức trên dưới 60 học sinh/lớp. Việc đáp ứng đủ điều kiện an toàn chống dịch và dạy học đang khiến các trường gặp khó khăn nếu phải tổ chức bán trú.