Trường công thiếu chỉ tiêu
Trường công với học phí thấp hơn luôn là lựa chọn ưu tiên hàng đầu của các thí sinh. Năm nay, sau khi kết thúc xét tuyển đợt một, hàng loạt đại học công lập vẫn còn thiếu chỉ tiêu cần bổ sung, trong đó có cả các đại học hàng đầu như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh…
Cụ thể, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố tuyển sinh bổ sung cho các đơn vị thành viên là Đại học Giáo dục và Khoa Quản trị kinh doanh. Mức điểm xét tuyển bổ sung cũng rất thấp, chỉ 16 điểm.
Trong đó, Đại học Giáo dục tuyển bổ sung cho 5 ngành, gồm Quản trị trường học, Quản trị Công nghệ giáo dục, Quản trị chất lượng giáo dục, Tham vấn học đường, Khoa học giáo dục. Chỉ tiêu cho mỗi ngành là 30 sinh viên. Các tổ hợp xét tuyển gồm A00 (Toán, Vật lý, Hóa học), A16 (Toán, Ngữ văn, Khoa học Tự nhiên), C15 (Toán, Ngữ văn, Khoa học Xã hội) và D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh). Thí sinh đăng ký tuyển bổ sung cần hoàn thiện hồ sơ trước ngày 28/8, dự kiến nhập học trước ngày 30/8. Khoa Quản trị và Kinh doanh tuyển sinh bổ sung chương trình Cử nhân Quản trị Doanh nghiệp và Công nghệ (MET) cho khác tổ hợp A00, A01, D01, D03, D04, D90, D91, D95. Thời gian xét tuyển từ 16/8 đến 5/9.
Theo nhiều chuyên gia, việc các trường đại học còn thiếu rất nhiều chỉ tiêu tuyển sinh và công bố xét bổ sung là cơ hội cho thí sinh hiện thực hóa giấc mơ đại học. Tuy nhiên, thí sinh cũng nên cẩn trọng, cân nhắc lựa chọn các trường có thương hiệu, có chất lượng đào tạo tốt để đảm bảo cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tuyển bổ sung chỉ tiêu cho các trường thành viên, phân hiệu tại tỉnh Bến Tre. Cụ thể, Trường Đại học Bách khoa xét bổ sung bốn ngành với điểm nhận hồ sơ xét tuyển từ 18 đến 22 điểm. Trong đó, ngành Kỹ thuật điện (năng lượng tái tạo) 22 điểm, ngành Bảo dưỡng công nghiệp 18 điểm, Kỹ thuật xây dựng (kỹ thuật hạ tầng và môi trường) 19,25 điểm và Kỹ thuật xây dựng (cầu đường) 18 điểm.
Trường Đại học Kinh tế-luật xét bổ sung hai ngành là Kinh tế và quản lý công (xét tuyển từ 21 điểm), ngành Tài chính-ngân hàng (từ 21,65 điểm). Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn xét bổ sung ngành Đô thị học với điểm xét tuyển từ 18,2 điểm.
Trường Đại học Quốc tế, thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, cũng xét tuyển bổ sung 6 ngành với mức điểm từ 18 điểm trở lên. Các ngành học gồm Kế toán, Công nghệ sinh học, Kỹ thuật không gian, Kỹ thuật môi trường, Kỹ thuật xây dựng và Toán ứng dụng. Trường cũng còn 60 chỉ tiêu cho hai ngành liên kết đào tạo với các trường đại học nước ngoài, gồm Quản trị kinh doanh và Kỹ thuật điện tử viễn thông. Thời gian nhận hồ sơ xét tuyển đến ngày 22/8.
Nhiều trường đại học sử dụng đồng thời nhiều phương thức để xét tuyển bổ sung, không chỉ theo điểm Trung học phổ thông quốc gia 2019 mà còn theo học bạ.
Đại học Nông lâm Thái Nguyên tuyển bổ sung hàng trăm chỉ tiêu cho 17 ngành đào tạo trình độ đại học, theo hai hình thức trên. Mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển rất thấp, chỉ từ 13,5 điểm.
Tương tự, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh tuyển bổ sinh 400 chỉ tiêu. Trường Đại học Tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh tuyển bổ sung 120 chỉ tiêu theo học bạ với điểm sàn 18 điểm, 800 chỉ tiêu theo điểm thi Trung học phổ thông quốc gia với điểm sàn từ 14 điểm. Đại học Đà Lạt tuyển bổ sung 650 chỉ tiêu. Đại học Thủ Dầu Một tuyển bổ sung 250 chỉ tiêu…
Trường tư “khát” thí sinh
Trong khi chính các trường công lập còn thiếu hụt nguồn tuyển thì với trường ngoài công lập, mức độ “khát” thí sinh còn cao hơn nhiều.
Hầu hết các trường đểu phải công bố xét tuyển bổ sung ở tất cả các ngành học, với mức điểm nhận hồ sơ rất thấp.
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tuyển bổ sung tất cả các ngành với điểm xét tuyển tối thiểu bằng điểm chuẩn nguyện vọng một, trong đó một số ngành mới và khối ngành sức khỏe có số chỉ tiêu nhiều nhất.
Đại học Văn Hiến tuyển bổ sung 500 chỉ tiêu, Đại học Hoa Sen tuyển 500 chỉ tiêu cho tất cả các ngành.
Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn tuyển bổ sung đến 850 chỉ tiêu cho tất cả các ngành. Đại học PHENIKAA thông báo xét tuyển bổ sung 13 ngành học với trên 700 chỉ tiêu. Trong đó, hai ngành Dược và Điều dưỡng có chỉ tiêu bổ sung lớn nhất, mỗi ngành 200 chỉ tiêu.
Mức điểm nhận hồ sơ của trường từ 16,5 điểm. Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh thậm chí còn trống đến 1.000 chỉ tiêu.
Ngoài ra còn hàng loạt trường khác cũng xét bổ sung như Đại học Buôn Ma Thuột, Đại học Võ Trường Toản, Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu...
Theo nhiều chuyên gia, việc các trường đại học còn thiếu rất nhiều chỉ tiêu tuyển sinh và công bố xét bổ sung là cơ hội cho thí sinh hiện thực hóa giấc mơ đại học.
Tuy nhiên, thí sinh cũng nên cẩn trọng, cân nhắc lựa chọn các trường có thương hiệu, có chất lượng đào tạo tốt để đảm bảo cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
Bên cạnh đó, thời gian xét tuyển bổ sung sẽ do từng trường quy định. Vì thế, thí sinh cần chủ động tìm hiểu kỹ thông tin của từng trường để nộp hồ sơ đúng hạn.