Phương tiện truyền thông xã hội đang đem lại lợi ích đáng kể cho con người. Khoảng 2/3 người Mỹ nói rằng họ cập nhật tin tức thông qua các trang mạng xã hội chính thống. Mạng xã hội còn giúp con người có thể kết nối với nhau dù ở bất cứ đâu, gặp gỡ nhau hàng ngày thay vì hàng tháng như thời gian trước.
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, các phương tiện truyền thông xã hội cũng có một số tác động tiêu cực, đặc biệt có thể ảnh hưởng đến tâm lí con người.
Phương tiện truyền thông xã hội có thể đóng vai trò như một lời nhắc nhở liên tục về các sự kiện mà người ta không tham gia, thậm chí quảng cáo cho những thứ người dùng mạng muốn nhưng không thể mua. Điều đó có thể dẫn đến hội chứng FOMO (hội chứng sợ bỏ lỡ). FOMO có thể khiến một người cảm thấy bị cô lập, cô đơn, lo lắng và chán nản. Lo lắng kéo dài có thể dẫn đến mất ngủ, suy nhược sức khỏe.
Phương tiện truyền thông cũng đang ngày càng có ảnh hưởng tiêu cực về thước đo và tiêu chuẩn cái đẹp. Ngày nay, trên những phương tiện truyền thông và quảng cáo ngập tràn những hình ảnh ca sĩ, người mẫu với làn da hoàn hảo, cơ thể quyến rũ. Thường xuyên theo dõi hình ảnh của các thần tượng có hình thể mỏng manh hoặc cơ bắp khiến tâm lý người dùng mạng trầm trọng hơn về sức khỏe của mình. Điều này ảnh hưởng rất nguy hiểm đặc biệt với thanh thiếu niên vì đây là giai đoạn dậy thì, phát triển cơ thể một cách hồn nhiên của lứa tuổi này và một điều chắc chắn là “không phải gầy là đẹp”.
Trò chơi video và phim ảnh ngập tràn những hình ảnh bạo lực trên mạng xã hội cũng khiến thiếu niên dễ nóng giận, cư xử theo hướng tiêu cực và không kiềm chế cảm xúc.
Phương tiện truyền thông cũng có thể ảnh hưởng đến những hành vi không lành mạnh hoặc nguy hiểm khác bao gồm hút thuốc, uống rượu và dùng các chất kích thích khác. Khi những nhân vật trong phim ảnh sử dụng ma túy, rượu và tham gia vào các hành vi bạo lực, nó sẽ ảnh hưởng đến hành vi của lứa tuổi vị thành niên. Khi chúng muốn thể hiện sự tự do và trưởng thành thì việc tìm đến ma túy, rượu, hành vi tình dục và bạo lực là điều không thể tránh khỏi.
Bên cạnh đó, trò chuyện trên phương tiện truyền thông xã hội chỉ nhờ văn bản và không thể nhìn thấy ngôn ngữ cơ thể hoặc nét mặt của bạn bè. Mặc dù điều này không hẳn là vấn đề lớn, nhưng việc giao tiếp trên mạng xã hội là chính có thể cản trở các kỹ năng mềm của con người, đến mức một số chuyên gia nói rằng nó có thể gây ra “Khuyết tật học tập” (những rối loạn trong việc lĩnh hội và vận dụng những năng lực đọc, viết và làm toán...).
Các chuyên gia khuyến cáo, việc hạn chế sử dụng phương tiện truyền thông xã hội có thể giúp con người giảm cảm giác cô đơn và trầm cảm, nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Pennsylvania.