Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã gửi công văn hỏa tốc tới 19 ngân hàng thương mại tham gia cho vay mua nhà lãi suất thấp theo gói 30.000 tỷ đồng trong ngày 28/3. Quyết định của NHNN dựa theo điều 2 và 8 của Thông tư 11, NHNN sẽ dừng tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại cho vay gói 30.000 tỷ khi giải ngân hết số tiền này nhưng tối đa là 36 tháng (từ ngày 1/6/2016).
Văn bản của NHNN nêu rõ, qua theo dõi của NHNN về tình hình cho vay hỗ trợ nhà ở, đến nay số tiền cam kết cho vay của các ngân hàng đối với khách hàng đã đạt trên 30.000 tỷ đồng. NHNN yêu cầu các ngân hàng dừng ký hợp đồng tín dụng mới kể từ ngày 31/3/2016 đối với toàn bộ đối tượng khách hàng của Chương trình tín dụng ưu đãi. Đồng thời, tập trung giải ngân các hợp đồng tín dụng đã ký theo đúng quy định pháp luật.
Từ 31/3, các ngân hàng dừng ký hợp đồng mới gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa.
Theo NHNN, tính đến 10/3/2016, các ngân hàng đã ký hợp đồng cam kết cho vay là 30.122 tỷ đồng đối với 46.246 khách hàng, đã giải ngân theo tiến độ 21.321 tỷ đồng. Như vậy, gói tín dụng hỗ trợ đã vượt quá hạn mức số tiền cam kết cho vay.
Đối với những khách hàng đã ký hợp đồng, đã cam kết giải ngân, dù vẫn được giải ngân nốt nhưng mức lãi suất của các khoản này vẫn chưa có quyết định cuối cùng, những người đã vay gói tín dụng này mà chưa giải ngân hết đang rất lo lắng và hoang mang.
NHNN đã xin Thủ tướng cho phép gia hạn cho khách hàng đã ký hợp đồng gói 30.000 tỷ đồng mà sau ngày 1/6 chưa giải ngân hết vẫn được hưởng mức lãi suất 5% như hiện tại thay vì lãi suất thương mại như dự kiến.
Như vậy, đối với khách hàng mới, từ sau ngày hôm nay 30/3, sẽ hết cơ hội chạm đến gói vay ưu đãi này.
Chương trình gói tín dụng 30.000 tỷ đồng được Chính phủ đề xuất và NHNN triển khai từ tháng 6/2013, sử dụng nguồn vốn tái cấp vốn của Chính phủ. Một số đối tượng được vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội cũng như nhà ở thương mại với lãi suất ban đầu là 6%, sau đó giảm còn 5% từ nguồn này.
19 ngân hàng thương mại tham gia cho vay gói hỗ trợ nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng gồm: Ngân hàng Nông nghiệp (Agribank), Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngoại thương (Vietcombank), Công Thương (VietinBank), Đại chúng (PVcomBank), Xuất nhập khẩu (Eximbank), Sài Gòn Hà Nội (SHB), Tiên Phong (TPBank), Sài Gòn (SCB), Nam Á, Đông Nam Á (SeaBank), Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Phương Đông (OCB), Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Việt Nam Thương Tín (VietBank), Quốc tế (VIB), Quốc dân (NCB), Bảo Việt (BaoVietBank) và Á Châu (ACB). |
A.M