Ánh Viên thất bại… từ gốc
Mới cách đây 5 năm, Ánh Viên đã trở thành hiện độc nhất vô nhị của không chỉ làng bơi Việt Nam mà phần nào đó cả thế giới, với tố chất cùng những bước tiến khó tin. Trong đó, sau khi đoạt 2 tấm HCĐ Asiad 2014, kình ngư quê Cần Thơ đã gây chấn động SEA Games 2015 với kỳ tích 8 HCV kèm theo 8 kỷ lục Đại hội. Ở thời điểm đó, giới chuyên môn đã đánh giá Viên hoàn toàn có thể sớm chinh phục các thứ hạng cao thế giới, như lọt vào chung kết một số nội dung thế mạnh ở giải vô địch thế giới hay Olympic, hay tranh chấp HCV Asiad.
Những đích nhắm ấy hoàn toàn khả thi, nếu như ngành thể thao có một sự định hướng, dự báo và quản lý đúng đắn. Thế nhưng, ngay từ thời điểm ấy, Ánh Viên đã rơi vào tình cảnh chín ép, quá tải và nửa vời, gắn với căn bệnh thành tích trước mắt cùng cách làm dàn trải của ngành thể thao.
Những năm trở lại đây, không có một kình ngư nào ở đẳng cấp thể giới lại thi đấu nhiều giải, và đáng nói hơn lại đủ các loại giải như Ánh Viên. Đơn cử từ ASIAD 2014, cuộc đấu mà kình ngư 19 tuổi quê Cần Thơ chính thức vươn ra đỉnh cao quốc tế với 2 tấm HCĐ, chỉ trong đúng 1 năm chị đã phải “cày ải” tới 8 giải. Trong đó có nhiều giải, với đẳng cấp của mình, Viên không cần và không nên dự tranh, như Đại hội TDTT toàn quốc 2014 hay giải trẻ châu Á 2015. Cả 8 giải này, Viên đã luôn phải căng sức tranh tài với số nội dung tối đa nhất có thể. Như Đại hội TDTT toàn quốc 2014, chị dự tranh tới 18 nội dung hay giải trẻ châu Á 2015 cũng lên tới 12 nội dung.
VĐV Ánh Viên |
Trong khi đó, đáng ra Ánh Viên đang phải ở Mỹ, đặt mình ở một quy trình đào tạo chuyên biệt nhắm tới đích Olympic, thế giới với quyết tâm tranh chấp 1 tấm huy chương, hay chí ít cũng lọt vào Top 8 một vài nội dung sở trường hay tranh Vàng Asiad.
Và như một hậu quả tất yếu, Ánh Viên đã “chết chìm” ở SEA Games. 5 năm trước, Ánh Viên đã đứng thứ 10, vượt chuẩn A Olympic ở nội dung sở trường 400m hỗn hợp tại giải VĐTG. Thật đáng buồn, cũng chính ở đường bơi 400m hỗn hợp, đến giải VĐTG 2019, Ánh Viên chỉ có thể xếp thứ 19, với thông số thành tích may mắn mới ngang chuẩn B Olympic.
Vấn đề ở đây hoàn toàn không có lỗi ở Ánh Viên, mà là trách nhiệm của ngành thể thao cùng đơn vị chủ quản đã đẩy “con độc” của bơi Việt Nam vào tình thế chín ép. Tưởng như là ngoại lệ nhưng ngay cả một Ánh Viên phi phàm cũng không thoát nổi vòng tròn luẩn quẩn của TTVN.
Không thể lên đỉnh theo mô hình… Ánh Viên
Dù không được đầu tư cao độ, chẳng tập huấn dài hạn ở Mỹ như Ánh Viên song tài năng 19 tuổi Huy Hoàng đã vượt xa đàn chị. Năm ngoái, kình ngư quê Quảng Bình đã đoạt 1 HCB, 1 HCĐ Asiad, cùng 1 HCV Olympic Trẻ. Vừa mới đây, Hoàng tiếp tục thi đấu thành công khi đạt 1 chuẩn A, 1 chuẩn B Olympic. Một vị trí trong Top 8 Olympic 2020 hay tấm HCV ASIAD 2022 là một đích nhắm có thể phấn đấu với Hoàng.
Vấn đề lớn, cũng là thử thách cơ hội, đặt ra cho cả ngành thể thao cùng những người làm bơi Việt Nam là làm sao để có thể nâng “viên ngọc” mang tên Huy Hoàng lên tầm thế giới. Với những gì Hoàng đã thể hiện, khi mà tài năng của anh mới bắt đầu bước vào độ chín, điều này hoàn toàn khả thi.
Câu chuyện với Huy Hoàng, giống như Ánh Viên cách đây 5 năm, suy cho cùng vẫn nằm ở cách thức đầu tư và đào tạo. Phương án đưa Hoàng sang tập huấn dài hạn một trung tâm quốc tế hàng đầu có lẽ cần được tính đến và tính kỹ, để tài năng trẻ này cần phát huy được những ưu việt và cũng tránh được những nguy cơ, hạn chế thấy rõ của mô hình Ánh Viên.
Một khác biệt, cũng là thuận lợi cực lớn của Huy Hoàng so với đàn chị chính là việc nguồn lực không bị dàn trải ra nhiều nội dung, không bị gánh cả chục HCV mỗi cuộc SEA Games “thời vụ” mà sớm chuyên sâu cho hai “mũi nhọn” 800m và 1500m tự do. Việc có một chuyên gia giỏi chuyên môn, rất phù hợp cũng là một lợi thế.
Sự hụt bước đau đớn của Ánh Viên ở ASIAD với rất nhiều bất cập được hé lộ cũng là một bài học “nóng” để chính ngành thể thao, môn bơi có những sự điều chỉnh, thay đổi mang tính đột phá trong việc đầu tư cho Huy Hoàng cùng các tài năng trẻ đặc biệt khác.
Chỉ trong một thời gian ngắn, Ánh Viên đã đạt thành tích cao như vậy quả thật quá đáng nể. Tuy nhiên, ngay từ SEA Games 28, tôi đã từng cảnh báo đừng nên ép chín Ánh Viên chỉ vì những thành tích tạm thời trước mắt, nếu nhìn thấy sự cố gắng của cô ấy. Và bây giờ, điều đó đã xảy ra. Chúng ta đã gây áp lực, buộc Viên phải vượt quá sức mình từ quá sớm, và phải thừa nhận đã vô tình làm hỏng chứ không phải giúp cô ấy phát triển một cách tự nhiên, phát huy cao nhất tài năng đặc biệt của mình. Đây cũng là một bài học “nóng” trong việc đào tạo, chăm lo cho các VĐV xuất sắc, mà trước hết là một “viên ngọc thô” khác của bơi Việt Nam là Nguyễn Huy Hoàng”- Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, Nguyên Trưởng đoàn TTVN.