Vào thế kỷ 19, một tỉnh nằm sâu trong nội địa nước Pháp, không có biển, không gần biên giới, giới chức địa phương loay hoay trên con đường phát triển, và họ quyết định chọn cách liên kết vùng bằng một phương án được coi là rất không bình thường: chế biến thịt bò sạch và bán cho các tỉnh lân cận.
Tình thế khó khăn buộc họ phải chọn lựa cho chính mình một con đường. Tuy nhiên chính quyền địa phương phải rất vất vả khi đối diện với sự chỉ trích mạnh mẽ của người dân thời đó, khi cho rằng tỉnh này không thể đơn thuần dựa vào bò được. Bò ở đâu chả nuôi được, cần gì đến mình. Và lợi ích từ việc nuôi bò, chế biến thịt bò rồi bán và xuất khẩu làm sao so sánh được với những việc lớn lao hơn như tập trung phát triển khoa học công nghệ. Cuối cùng, chính nhờ vào bò, địa phương này đã trở nên giàu có.
Bò hay cá hay thép hay du lịch ... nếu chỉ nhìn từ lăng kính sản phẩm đó và thắc mắc, nuôi bò tốt không, nuôi cá tốt không, thép nên hay không nên, du lịch nhân tạo hay hoang dã thì luôn nhìn thấy những sự bất hợp lý từ đó, cho dù đó là sản phẩm mỹ miều hay cao cấp nào, thậm chí là xe lexus hay cây ô liu ...
Cách suy nghĩ thông thường như trên là tư duy của số đông khi phản biện một vấn đề kinh tế, khi chưa nhìn thấy kết quả là chưa thuyết phục.
Để giải quyết sự thiếu sót về tư duy trên trong phản biện xã hội, đặc biệt tránh sai lầm khi chạy theo hiệu ứng dân tuý, các nhà tư tưởng về giáo dục và các học giả của Đại học Harvard nghiên cứu và khuyến nghị mọi người nên học thêm một khoá học nhằm cứu vãn tình thế trên.
Đó là khoá học đặc biệt về công bằng xã hội (social equity) giúp cho những nhà phản biện và những người thích phản biện các vấn đề xã hội có cách nhìn toàn diện và sâu sắc hơn khi quan sát một hiện tượng xã hội nào đó xảy ra trên đất nước họ hay nơi họ đang sinh sống; đồng thời tập trung nâng cao lòng trắc ẩn và tình yêu thương nhân loại (compassion), tư tưởng đạo đức (ethics) dẫn đường trong mỗi con người.
Trong mọi vấn đề, nếu như không có một cách tiếp cận toàn diện (interdisciplinary-view) về sự phát triển, mối liên quan giữa kinh tế với môi trường - xã hội - nguồn lực - huy động vốn - môi trường đầu tư, thì phản biện sẽ dễ bị rơi vào định kiến và cảm xúc, khiến kết quả không đáng tin cậy và khó thuyết phục
Tại Việt Nam, nhiều địa phương cũng đang vấp phải sự phản đối của dư luận cho một vấn đề phát triển nào đó.
Thậm chí ngay kể cả Lào Cai – nơi luôn đạt top đầu cả nước về chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, và nhiều năm ở vị trí thứ nhất, vượt tất cả các địa phương máu mặt khác. Chỉ số này tuy không phải là điểm tham chiếu duy nhất nhưng đây là biểu tượng của lá phiếu kín thể hiện suy nghĩ của cộng đồng doanh nghiệp về phương thức điều hành của tỉnh, cũng phải đối diện với thách thức này từ cộng đồng cho những dự án đã và đang triển khai.
Câu chuyện về Lào Cai từ một tỉnh lị miền núi phía Bắc với muôn vàn khó khăn tại sao lại trở nên hấp dẫn, đặc biệt trong thời kỳ quản lý của Bí thư tỉnh uỷ Bùi Quang Vinh, sau này nhờ thành công từ đó, uy tín cao nên ông được Trung ương giao đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư thời kỳ 2011-2016, là câu chuyện cần được nghiên cứu thấu đáo, phải chăng, sự năng động của giới chức địa phương là một sự khác biệt?
Lào Cai có lẽ rút kinh nghiệm từ Hà Nội, nên từ năm 2004 lần đầu tiên dùng chuyên gia Pháp tư vấn hỗ trợ cho Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2005-2015 tầm nhìn 2020.
Đến năm 2008, tỉnh lựa chọn chủ thuyết phát triển là “Phát huy tiềm năng lợi thế và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực của Tỉnh, nhất là nguồn tài nguyên thiên nhiên và Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái; không làm tổn hại và suy thoái cảnh quan thiên nhiên”.
Và đến năm 2015, quy hoạch điều chỉnh vẫn giữ nguyên 2 ý trên và bổ sung thêm ý “đẩy mạnh việc huy động nguồn lực bên ngoài” trong bối cảnh ngân sách ngày càng eo hẹp.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa tỉnh Lào Cai đến năm 2030 nhằm phát triển khu du lịch Sa pa hiện nay trở thành Khu du lịch quốc gia và thu hút khoảng 5,2 triệu lượt du khách vào năm 2030.
Từ kim chỉ nam đó, tỉnh chủ động tiếp cận các đối tác khác nhau và mọi người đều thấy sự hiện diện ngày càng nhiều của các nhà đầu tư tư nhân. Cáp treo Fanxipan, Sân bay Lào Cai hay hàng trăm dự án đã, đang và sẽ được đầu tư vào Sapa và các huyện lị khác, giải quyết công ăn việc làm cho hàng vạn lao động địa phương là một ví dụ minh chứng cho sự năng động của chính quyền.
Hiện thực đang kể ra một câu chuyện rất khác so với những gì nhiều người đang suy nghĩ về Lào Cai, và những địa phương khác, hầu hết chúng ta đều đã chọn một cái nhìn màu xám cho những thứ đang diễn ra. Hơn hết tất cả, họ cần sự thấu hiểu của mỗi chúng ta.
(TS. Phan Thị Thuỳ Trâm)