Tự giác tuân thủ các biện pháp phòng dịch - 'liều vắc xin' quan trọng ngăn chặn COVID-19

Sau hai tuần thực hiện giãn cách xã hội trong cả nước để phòng, chống dịch bệnh COVID-19, với mục tiêu bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng người dân, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phân loại các tỉnh, thành phố thành 3 nhóm có nguy cơ cao, nhóm có nguy cơ và nhóm có nguy cơ thấp để từ đó tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng chống dịch một cách linh hoạt, phù hợp.
Đường phố Hà Nội trong những ngày giãn cách xã hội. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Đường phố Hà Nội trong những ngày giãn cách xã hội. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Ngay sau khi có quyết định của Thủ tướng, các địa phương đã nhanh chóng xác định và triển khai nhiều biện pháp cụ thể, phù hợp với cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 trong giai đoạn mới. Thành phố Hồ Chí Minh - địa phương đang thuộc nhóm các tỉnh, thành có nguy cơ cao về dịch bệnh, tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến hết ngày 22/4.

Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi người dân tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống dịch, hạn chế đi ra ngoài khi không cần thiết, không tập trung quá 2 người ở tại nơi công cộng và giữ khoảng cách an toàn để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh... Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, lưu ý tại các địa điểm như siêu thị, chợ đầu mối, chợ truyền thống…

Cũng ở khu vực Nam Bộ, tỉnh Bến Tre dù thuộc nhóm địa phương có nguy cơ thấp song không chủ quan, lơ là với việc phòng, chống dịch COVID-19. UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị, các ngành, các cấp và toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục nghiêm chỉnh thực hiện những nội dung cụ thể trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, kể từ 00 giờ ngày 16/4/2020 đến khi có chỉ đạo mới.

Trong đó, lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre nhấn mạnh yêu cầu tất cả mọi người khi đi ra đường phải mang khẩu trang; duy trì nghiêm việc không tập trung đông người; dừng tất cả các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung có số người tham gia trên 20 người trong 1 phòng và tụ tập trên 10 người ở bên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện, nơi thờ tự…

Tương tự, tỉnh cực Nam Tổ quốc là Cà Mau thuộc nhóm địa phương có nguy cơ thấp nhưng cũng đã ban hành chỉ thị tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 gắn với phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Theo đó, lãnh đạo tỉnh Cà Mau lưu ý những biện pháp bắt buộc chung trong phòng, chống dịch COVID-19, áp dụng đối với với tất cả mọi người là đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, thực hiện vệ sinh, giữ khoảng cách an toàn tối thiểu 2 m giữa người với người khi giao tiếp ở địa điểm công cộng; thường xuyên tổ chức phun, xịt tiêu độc khử trùng, kiểm tra thân nhiệt các cơ quan, trụ sở làm việc, khu công nghiệp, chợ, trường học.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Cà Mau, tỉnh cho phép học sinh lớp 9 và lớp 12 đi học trở lại từ ngày 20/4, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau sẽ căn cứ tình hình thực tế của các trường để có biện pháp chia nhỏ sĩ số, tăng cường giáo viên giảng dạy, có biện pháp giãn cách đối với phụ huynh đến trường đưa đón con...

Có thể thấy, trên cơ sở chỉ  đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương tiếp tục có nhiều biện pháp triển khai phù hợp với mức độ và đặc điểm cụ thể ở từng địa phương. Song, dù đang ở mức nguy cơ nào, mỗi địa phương đều đặc biệt nhấn mạnh việc nâng cao ý thức tự giác, tuân thủ các biện pháp phòng dịch COVID-19 đối với từng người dân. Hơn nữa, việc mỗi cá nhân tuân thủ các biện pháp phòng dịch vẫn là “liều vắc-xin” rất quan trọng, cần thiết để góp phần ngăn chặn dịch bệnh, đưa cuộc sống của mỗi người và của cả đất nước sớm trở về với nhịp độ bình thường.

Anh Nguyễn Văn Dũng - chủ quán cà phê ở đường số 10, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: Chấp hành quy định của cơ quan chức năng, trong hai tuần thực hiện giãn cách xã hội vừa qua, quán của anh chỉ bán cà phê cho khách mang về và yêu cầu khách khi đến mua cà phê tuân thủ khoảng cách tối thiểu giữa người với người để phòng tránh dịch bệnh.

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương tiếp tục thực hiện cách ly xã hội thêm ít nhất một tuần nữa, dù có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh nhưng anh Dũng bày tỏ rất nhất trí thực hiện tốt các biện pháp giãn cách xã hội để góp phần ngăn chặn dịch bệnh.

Việc dịch bệnh kéo dài rõ ràng đã làm ảnh hưởng, xáo trộn đời sống, kinh doanh của người dân trong cả nước. Nhờ những biện pháp được thực hiện quyết liệt, đồng bộ trong thời gian qua, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận trong cuộc chiến với “kẻ thù vô hình” COVID-19.

Trong giai đoạn tiếp theo này, với phương châm từng bước giảm dần giãn cách xã hội nhưng thận trọng, phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương, mỗi người dân cần tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của các cơ quan chức năng. Không vì thời gian giãn cách kéo dài mà lơi lỏng hay thấy dịch bệnh đang từng bước được ngăn chặn mà chủ quan, đặc biệt là không vì chút lợi ích trước mắt của cá nhân mà có thể gây ra những hậu quả khôn lường trong ngăn chặn dịch bệnh của cả cộng đồng.

Đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, giữ gìn vệ sinh cá nhân để hạn chế bị nhiễm bệnh hoặc lây lan cho người khác, thực hiện đảm bảo khoảng cách an toàn nơi công cộng, không tổ chức, không tham dự các buổi liên hoan tập trung đông người, thực hiện nghiêm việc khai báo y tế... là những việc hết sức đơn giản mà mỗi người đều có thể thực hiện nhưng lại là “liều vắc-xin” rất quan trọng, góp phần đẩy lùi dịch bệnh.

Theo TTXVN
TIN LIÊN QUAN
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.