Tương lai nào cho những chú voi 'thất nghiệp'?

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Thái Lan đã ghi nhận ​​lượng du khách quốc tế giảm mạnh, cũng chính vì thế mà hàng trăm chú voi bị nuôi nhốt phục vụ cho mục đích du lịch đã được thả về môi trường tự nhiên.
Tương lai nào cho những chú voi 'thất nghiệp'?

Rất nhiều trại voi tại Thái Lan từng là điểm đến hàng đầu của du khách quốc tế, nhưng hiện buộc phải đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô do lệnh cấm hồi tháng 3 năm 2020. Nhiều trại voi đã buộc phải đưa những con voi nhà trở về môi trường sống nguyên thủy của chúng.

Ước tính có khoảng 3.800 con voi nhà đã được chuyển ra khỏi các điểm du lịch phân bổ rải rác ở tỉnh Surin (đông nam Thái Lan) đến các thị trấn ven biển Pattaya hay Phuket và những ngọn núi xung quanh thành phố Chiang Mai.

Một số cá thể đã được đưa trở lại Huay Pakkot, một ngôi làng cách thành phố Chiang Mai 180 km về phía đông nam, nơi người dân tộc thiểu số Karen có truyền thống nuôi voi qua nhiều thế hệ.

Tương lai nào cho những chú voi 'thất nghiệp'? ảnh 1

Một quản tượng đang để ý 4 con voi già. Những con đực già có thể trở nên hung dữ và thậm chí giết chết con của chúng. Ảnh: Nikkei Asia

Ông Theerapat Trungprakan, chủ tịch Hiệp hội Voi Thái Lan cho biết: "Sau hai ngày, những con voi dần thích nghi được với môi trường sống mới".

Huay Pakkot và một số ngôi làng xung quanh từng là nơi tập trung số lượng voi lớn nhất ở miền Bắc Thái Lan. Tại đây, loài voi được sử dụng trong ngành khai thác gỗ. Sau lệnh cấm khai thác gỗ trên toàn Thái Lan vào năm 1989, những con voi và người quản tượng đã rời đi và chuyển sang tham gia phục vụ cho ngành du lịch mọc lên "như nấm sau mưa”.

“Những con voi đã được trở về nhà, nơi chúng được sinh ra, nhưng nơi đó không còn như xưa nữa”, ông Theerapat nói.

Tương lai nào cho những chú voi 'thất nghiệp'? ảnh 2

Quản tượng Pongkavi Kwansaodaeng ôm Dumbo (5 tuổi), một trong 4 con voi của mình. Ảnh:

Nikkei Asia

Những khu rừng màu mỡ một thời, nơi đàn voi có thể rong ruổi xung quanh và tìm kiếm nguồn thức ăn dồi dào đã “biến mất”, thay vào đó là những sườn núi trơ trụi được trồng ngô để làm thức ăn cho gia súc. Lượng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu và phân bón hóa học được sử dụng giờ đây đã ngấm vào đất và rất có thể sẽ là nguyên nhân khiến voi tử vong.

"Giờ đây, những con voi phải chia sẻ không gian sống với nền nông nghiệp hiện đại", ông Satit Trachookwamdee, một người từng nuôi 5 con voi, cho biết. "Các cánh rừng tự nhiên giờ chỉ đáp ứng được 10% khẩu phần ăn mỗi ngày của đàn voi. Phần còn lại phải được vận chuyển từ các thị trấn xa xôi có giá thành rất đắt đỏ".

Một con voi có thể tiêu thụ tới 300kg thức ăn cho gia súc mỗi ngày, phần lớn đàn voi nhà giờ vẫn bị xích lại nhằm ngăn chặn chúng phá hoại hoa màu, đồng thời ngăn những con voi lạ mặt đụng độ với nhau.

"Việc này giống như việc tập trung những đứa trẻ hiếu thắng lại trong một trại trẻ", ông Theerapat chia sẻ.

Nếu để lạc mất voi, hậu quả hết sức khôn lường. Một con voi cái 8 tuổi có tên Nana đã bị bỏng hóa chất trên lưỡi, vòm miệng sau khi ăn phải thức ăn có chứa thuốc diệt cỏ.

Tương lai nào cho những chú voi 'thất nghiệp'? ảnh 3

Những con voi được cho ăn ngô, nguồn thực phẩm không có sẵn tại Huay Pakkot. Ảnh: Nikkei Asia

Nhằm kịp thời cứu chữa các trường hợp nguy hiểm, trường đại học Chiang Mai đã phối hợp cùng Hiệp hội Voi Thái Lan và chính phủ, để cho ra đời phòng khám đa năng di động: một chiếc xe tải có thể được chuyển đổi trong vài phút thành một phòng khám dã chiến, hoặc được sử dụng để vận chuyển các trường hợp nghiêm trọng đến một trong bốn bệnh viện dành cho voi của Thái Lan.

Tuy nhiên, để lực lượng y tế có thể tiếp cận được những vùng hẻo lánh có thể vẫn sẽ mất nhiều ngày. Đây được xem là một trong những hạn chế của việc chăn nuôi voi tại khu vực nông thôn thay vì ở các điểm du lịch nơi có sẵn các dịch vụ chăm sóc.

Tại những ngôi làng này, đa phần người dân thường phải sống trong cảnh nghèo đói, thiếu nguồn lực cần thiết để duy trì cuộc sống cho những con vật “khổng lồ” ấy.

"Tôi thích sống ở đây hơn. Ở đây tự do hơn nhiều", anh Pongkavi Kwansaodaeng nói khi vuốt ve Dumbo, một trong bốn con voi của mình. "Những con voi cũng hạnh phúc hơn khi ở đây. Bạn có thể thấy điều đó qua ánh mắt và biểu hiện của chúng. Nơi đây chúng có nhiều thời gian hơn để hoà mình với thiên nhiên".

Tuy nhiên, Pongkavi cũng thừa nhận rằng cuộc sống thiên đường này có lẽ không thể kéo dài. Trước khi đại dịch bùng phát, Pongkavi làm việc tại một khu du lịch và có thể kiếm được 24.000 Baht (hơn 17 triệu đồng) tiền thuê một con voi mỗi tháng.

Phần lớn số tiền mà anh tiết kiệm được thường dùng để mua thức ăn cho voi. Nhưng nhiều khả năng số tiền này sẽ cạn kiệt trong vòng chưa đầy một năm tới, dù có nhiều ý kiến cho rằng Thái Lan sẽ mở cửa đón du khách quốc tế trở lại vào tháng 10 nhằm giúp phục hồi ngành du lịch nước này.

Ông Theerapat, chủ trang trại voi Patara gần thành phố Chiang Mai, cho biết hiện nơi này hiện chỉ đón khoảng 10 lượt khách mỗi tuần, so với 45 lượt mỗi ngày trước đại dịch. Dù được đánh giá cao về cách chăm nuôi và nhân giống voi, trang trại của ông hiện đang phải vật lộn để nuôi 40 ​​con voi còn lại, so với đàn 81 con trước đại dịch.

Chủ trại voi này đã phải sử dụng hết khoản tiền tiết kiệm, vay nợ, bán tài sản và xe cộ để tiếp tục duy trì công việc kinh doanh. "Trong thời kỳ hoàng kim, tôi từng lái một chiếc xe thể thao hiện đại. Hiện giờ, tôi chỉ đủ tiền đi một chiếc Range Rover cũ kỳ đã 40 năm tuổi", Theerapat ngậm ngùi chia sẻ.

Ngành du lịch voi trước đây đã mang về cho Thái Lan gần 6 tỷ Baht mỗi năm, dù khó khăn vẫn bủa vây, nhưng ông Theerapat tin rằng đây cũng là dịp để ngành du lịch voi tạo ra một số cải cách mới.

"Chúng ta đừng nghĩ ngành du lịch voi như một công việc kinh doanh, mà hãy xem đây là một biện pháp giúp duy trì, bảo tồn loài động vật này. Vì vậy, cần phải thiết lập một quy chuẩn thật phù hợp cho ngành này", ông Theerapat nhấn mạnh.

Trong thời kỳ đầu, ngành du lịch voi thường bị "Disneyland hóa" với hình ảnh những chú voi đá bóng, chơi bóng rổ, và biểu diễn các trò như trong rạp xiếc nhằm thu hút du khách. Nhiều trang trại còn huấn luyện, cho voi học vẽ hay chơi nhạc cụ. Một số trang trại đã bị cáo buộc bóc lột sức lao động của voi.

Phản ứng trước những lời chỉ trích và kêu gọi tẩy chay từ các nhà bảo vệ động vật trong và ngoài nước, một số chủ trại đã ngăn không cho du khách cưỡi voi, hạn chế du khách tham gia các hoạt động như cho voi ăn và tắm.

Nhưng theo ông Theerapat, đây là một quan niệm sai lầm. Việc cho du khách cưỡi voi được xem như các bài tập thể dục hàng ngày cho loài này, nếu hoạt động này không được duy trì, rất dễ gây ra tình trạng thừa cân cho voi, hay khiến chúng bị bệnh tiêu hóa và làm cho những con cái trở nên khó sinh, thậm chí tử vong trong khi đẻ.

Ông Theerapat cho rằng ngành du lịch voi chính là một giải pháp giúp ngăn chặn sự tuyệt chủng của quần thể voi nhà ở Thái Lan, nước sở hữu số lượng voi lớn thứ hai ở châu Á sau Myanmar.

Việc thả một số lượng lớn voi về các khu bảo tồn thiên nhiên hiện không còn được đầu tư hay các vùng tự nhiên tương đối nhạy cảm tại Thái Lan sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Dù được trở về nơi chúng sinh ra, nhưng khi rơi vào cảnh thất nghiệp và thiếu người chăm sóc, những con voi nhà khó mà tự sinh tồn.

"Trước đây, có một số người muốn bỏ ngành du lịch voi. Giờ đây, có lẽ họ đã đạt được mong muốn của mình. Nhưng rồi sau đó thì sao?", ông Theerapat nhún vai. "Ai sẽ chịu trách nhiệm với tương lai của những con voi này?".

Theo Nikkei Asia
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.