Tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS ở người trẻ tăng

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Trong 10 tháng đầu năm, cả nước phát hiện mới 9.025 trường hợp nhiễm HIV, số bệnh nhân tử vong 1.378 trường hợp. Số người mới phát hiện nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở độ tuổi 16-29, chiếm tỷ lệ 48%.
Phó giáo sư Phan Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Phó giáo sư Phan Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại Việt Nam, Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 đặt ra ba mục tiêu 95-95-95 đó là: 95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình, 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV và 95% người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế.

Thực tế cho thấy Chương trình phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam còn rất nhiều việc cần phải làm nhất là để đạt được mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.

Nhân tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12), Phó giáo sư Phan Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã có những chia sẻ với báo chí về tình hình dịch HIV/AIDS tại Việt Nam.

Số người mắc mới HIV chủ yếu ở độ tuổi 16-29

- Bà có thể cho biết về tình hình dịch HIV/AIDS và xu hướng dịch HIV trên thế giới, trong khu vực và ở Việt Nam?

Phó giáo sư Phan Thị Thu Hương: Theo số liệu Chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc (UNAIDS) tính đến cuối năm 2021, Thế giới hiện có khoảng 38,4 triệu người nhiễm HIV. Trong năm 2021, toàn thế giới có 1,5 triệu người nhiễm mới HIV và 650.000 người tử vong liên quan đến AIDS. Dịch HIV phân bố nhiều nhất là ở châu Phi (khoảng 25,6 triệu người hiện nhiễm HIV). Xu hướng nhiễm mới HIV trên toàn cầu tiếp tục giảm.

Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tính đến năm 2021 có 5,7 triệu người nhiễm HIV. Trong năm 2021, có 260.000 người nhiễm mới trong đó có khoảng 14.000 là trẻ em dưới 15 tuổi, 128.000 người tử vong do AIDS. Đối tượng mới được phát hiện nhiễm HIV chủ yếu là nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) (chiếm 53%).

Tại Việt Nam, kể từ ca nhiễm đầu tiên được phát hiện năm 1990 tại Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến tháng 10/2022, theo báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì cả nước có 220.580 người nhiễm HIV đang còn sống và 112.368 người nhiễm HIV đã tử vong. Dịch tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long chiếm gần 80% số người nhiễm mới phát hiện trên toàn quốc (Thành phố Hồ Chí Minh chiếm hơn 1/4 số người nhiễm mới phát hiện trên toàn quốc) và chủ yếu ở đối tượng nam giới (trên 80%).

- Cục trưởng phân tích rõ hơn, xu hướng dịch tại Việt Nam trong những năm gần đây con đường lây nào là chính và đối tượng nào mắc là chủ yếu?

Phó giáo sư Phan Thị Thu Hương: Từ năm 1990 đến 2015, tỷ lệ người nhiễm HIV là nam giới có xu hướng giảm nhẹ, tuy nhiên từ năm 2016 tỷ lệ người nhiễm HIV là nam giới bắt đầu có xu hướng gia tăng trở lại. Trong giai đoạn đầu của dịch, đối tượng bị lây nhiễm HIV chủ yếu là qua đường máu tuy nhiên trong những năm gần đây lây nhiễm qua đường quan hệ tình dục không an toàn trở thành đường lây chính trong những ca nhiễm HIV mới phát hiện.

Trong 10 tháng đầu năm 2022, cả nước xét nghiệm phát hiện mới 9.025 trường hợp nhiễm HIV, số bệnh nhân tử vong 1.378 trường hợp. Số người mới phát hiện nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở độ tuổi 16-29 (48%) và 30-39 (28%). Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (81%).

Theo số liệu ước tính và dự báo dịch HIV/AIDS của Việt Nam năm 2022, những người nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay. MSM và nhóm chuyển giới được dự báo có thể trở thành nhóm chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số người nhiễm HIV mới được ước tính hàng năm trong thời gian tới.

Tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS ở người trẻ tăng ảnh 1
Nhân viên y tế cấp phát thuốc điều trị HIV cho bệnh nhân. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Kết quả ước tính và dự báo những ca nhiễm mới, dựa trên mô hình dịch AIDS/mô hình dịch tại châu Á (Asian/AIDS Epidemic Model) cho thấy MSM là nhóm nguy cơ cao duy nhất tại Việt Nam có tỷ lệ nhiễm mới HIV tăng liên tiếp trong 20 năm qua.

Hơn 1.300 cơ sở xét nghiệm HIV

- Theo bà, trong năm 2022, công tác phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được những kết quả nổi bật gì?

Phó giáo sư Phan Thị Thu Hương: Hiện nay, công tác xét nghiệm sàng lọc HIV đã bao phủ 100% tuyến huyện với hơn 1.300 cơ sở và xét nghiệm khẳng định HIV đã bao phủ 100% tỉnh/thành phố với 204 phòng xét nghiệm khẳng định. Xét nghiệm khẳng định HIV được mở rộng xuống tuyến huyện với 97 phòng xét nghiệm khẳng định. Hệ thống phòng xét nghiệm khẳng định HIV cũng đang được triển khai thí điểm sử dụng 3 test nhanh tại các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa. Xét nghiệm nhiễm mới đã được triển khai tại 28 tỉnh/thành phố trên cả nước.

Trong công tác triển khai các biện pháp dự phòng thế hệ mới đã đạt được kết quả đáng lưu ý khi điều trị dự phòng tiền phơi nhiễm (PrEP) triển khai đa dạng thông qua các mô hình TelePrEP, PrEP trực tuyến, OS, lưu động... Tốc độ tăng trưởng khách hàng nhanh hơn so với các nước trong khu vực.

Tính đến 31/8/2022, đã có 210 cơ sở PrEP triển khai cung cấp dịch vụ PrEP (nhà nước và tư nhân) tại 29 tỉnh, thành phố. Số khách hàng được tiếp cận với dịch vụ PrEP ít nhất 1 lần trong kỳ báo cáo là 40.020 khách hàng (đạt 88,9% so với chỉ tiêu 45.000 khách hàng vào năm 2022); số khách hàng duy trì trị điều trị PrEP trên 3 tháng liên tiếp đạt 69,6%; 80,4% số khách hàng PrEP là MSM.

Tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS ở người trẻ tăng ảnh 2

Về công tác điều trị HIV/AIDS, hiện có 499 cơ sở điều trị, trong đó 362 cơ sở đang điều trị thuốc ARV bằng bảo hiểm y tế với tổng số 167.022 bệnh nhân, trong đó 3.453 bệnh nhân là trẻ em, 163.568 người lớn.

Ngành y tế cũng đang mở rộng điều trị thuốc ARV qua bảo hiểm y tế, phấn đấu tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng virus HIV dưới ngưỡng ức chế đạt 95% trở lên. Tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt tới 96% và Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đạt được tỷ lệ này.

Trong năm qua, ngành y tế đã duy trì, mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone. Tính đến 30/9/2022, chương trình Methadone đã được triển khai tại hơn 600 cơ sở điều trị và cấp phát thuốc trên địa bàn 63 tỉnh/thành phố với hơn 51.000 người bệnh tham gia điều trị trong đó gần 3.000 người được cấp thuốc mang về nhà. Điều trị Methadone đã góp phần khống chế được tình hình nhiễm HIV trong người tiêm chích ma túy.

Thanh niên - đối tượng cần quan tâm trong thời gian tới

- Phó giáo sư cho biết những khó khăn và thách thức mà công tác phòng chống HIV/AIDS đang phải đối mặt?

Phó giáo sư Phan Thị Thu Hương: Thứ nhất, HIV/AIDS hiện là vấn đề sức khỏe công cộng quan trọng, bởi đây là một trọng những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Dịch HIV vẫn đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng nhiễm mới nhất là nhóm thanh thiếu niên. Nhóm Nam quan hệ tình dục đồng giới đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay.

Tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS ở người trẻ tăng ảnh 3
Tại Việt Nam, Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Thứ hai đó là thách thức về tài chính: Một số địa phương chưa phê duyệt đề án đảm bảo tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Hiện chưa có hướng dẫn nội dung chi và định mức chi mà do từng địa phương tự xây dựng và phê duyệt bởi cấp có thẩm quyền nên khó khăn. Quy trình, thủ tục mua sắm, đấu thầu thuốc ARV, sinh phẩm xét nghiệm cũng nhiều vướng mắc, quá trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cũng rất khó khăn.

Thứ ba là việc sử dụng và lệ thuốc vào ma túy tổng hợp đang gia tăng, nhất là trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu trên Thế giới cũng như ở Việt Nam.

- Cục trưởng có thể lý giải tại sao năm 2022 Việt Nam chọn chủ đề Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS là “Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng”?

Phó giáo sư Phan Thị Thu Hương: Việc lựa chọn chủ đề này mang nhiều ý nghĩa, bởi hiện nay hình thái lây nhiễm HIV tại Việt Nam có sự thay đổi, hai năm trở lại đây số ca nhiễm mới đang tăng, mỗi năm có tới hơn 13.000 ca. Đáng lưu ý dịch tăng chủ yếu trong nhóm tuổi trẻ. 50% số ca nhiễm HIV phát hiện mới là những người dưới 29 tuổi. Con đường lây truyền chính là qua đường quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt là nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm 74,6% chủ yếu tập trung ở nhóm thanh niên trẻ. Do vậy không thể kết thúc được đại dịch AIDS nếu không có sự tham gia của Thanh niên.

Tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS ở người trẻ tăng ảnh 4

Đặc biệt, theo số liệu tổng điều tra dân số năm 2021, tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV ở nam và nữ 15-24 tuổi chỉ dưới 50%. Tỷ lệ có thái độ phân biệt đối xử với HIV ở nam và nữ 15-24 tuổi là gần 40%. Như vậy, nhóm tuổi này có kiến thức, thái độ rất hạn chế so với mục tiêu đặt ra chung của người dân Việt Nam 15-49 tuổi là 80% ở cả hai chỉ số trên.

Đáng lưu ý, cùng với kiến thức về HIV/AIDS hạn chế, ở nam nhóm tuổi 15-24 có nhiều hơn 1 bạn tình (trong 12 tháng trước ngày phỏng vấn) là 14%. Đây là yếu tố quan trọng dẫn đến quan hệ tình dục không an toàn làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV và mắc các bệnh lây qua đường tình dục như lậu, giang mai...

Như vậy, có thể thấy việc lựa chọn chủ đề này thích hợp với bối cảnh tình hình dịch HIV ở Việt Nam hiện nay. Đây cũng là đối tượng cần được quan tâm trong thời gian tới khi Việt Nam muốn đạt mục tiêu kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Việc chấm dứt dịch AIDS chỉ có thể thành công nếu huy động được thanh niên chủ động tham gia có hiệu quả vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới.

Xin trân trọng cảm ơn Phó giáo sư!.

Theo TTXVN
TIN LIÊN QUAN
Dùng AI để dự đoán chính xác hơn nguồn gốc các khối u
Dùng AI để dự đoán chính xác hơn nguồn gốc các khối u
(Ngày Nay) - Một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc đã thiết kế một công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) dự đoán nguồn gốc của các khối u khó xác định với độ chính xác ngang bằng hoặc thậm chí vượt qua khả năng phán đoán của các nhà bệnh lý học.
Lên Tinder để tìm việc
Lên Tinder để tìm việc
(Ngày Nay) - Đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao và sự cạnh tranh khốc liệt, một bộ phận giới trẻ tại Trung Quốc đang sử dụng Tinder và các ứng dụng hẹn hò khác như một công cụ tìm kiếm cơ hội việc làm.
Những điều cần biết về Met Gala 2024
Những điều cần biết về Met Gala 2024
(Ngày Nay) - Trong vòng ba tuần nữa, các nhà thiết kế cùng những "nàng thơ" thời trang, giới mộ điệu và người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới sẽ quy tụ tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở Thành phố New York cho đêm hội thời trang có quy mô lớn bậc nhất: Met Gala.
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
(Ngày Nay) - Theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), tiến trình nghiên cứu quy định pháp lý liên quan đến trợ lý ảo nói riêng và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung tại Việt Nam đã và đang tiến hành tích cực.
Khai quật, khảo cổ học hệ thống nền móng điện Cần Chánh trong Đại Nội Huế.
Thừa Thiên-Huế: Sẵn sàng khởi công phục dựng Điện Cần Chánh
(Ngày Nay) - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Điện Cần Chánh đang được trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định. Sau khi hoàn thành các thủ tục, dự kiến dự án sẽ được khởi công trong quý IV năm 2024.
Ban tổ chức tặng sách cho các thư viện công cộng, thư viện trường học, tủ sách tư nhân có phục vụ cộng đồng; các trại giam, trại tạm giam trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ngày Sách Việt Nam: Khơi dậy khát vọng cống hiến của tuổi trẻ
(Ngày Nay) - Ngày 19/4, tại Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên - Huế, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh phối hợp với Đại học Huế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; giới thiệu 2 ấn phẩm mới của Tủ sách Huế và phát động cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024.
Không giữ giới có năm điều suy hao
Không giữ giới có năm điều suy hao
(Ngày Nay) - Sống ở đời ai cũng mong muốn gia đạo bình an, sự nghiệp ổn định và phát triển. Tuy vậy, không nhiều người biết rằng nền tảng của những mong ước thiện lành đó chính là phước đức.