Ba mươi năm trước, tại Windhoek, Namibia, các nhà báo châu Phi đã mang đến một văn kiện lịch sử, mà sau đó đã trở thành Tuyên ngôn chung kêu gọi hướng đến một nền báo chí tự do, độc lập và đa nguyên. Lúc bấy giờ, quá trình số hóa sản xuất và phân phối thông tin mới chỉ ở giai đoạn sơ khai. Tuy nhiên, kể từ năm 1991, thế giới đã chứng kiến nhiều sự thay đổi đáng kể. Hiện tại, Internet và các tác nhân trực tuyến đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp quyền truy cập thông tin chính xác và kịp thời của người dân.
Công nghệ kỹ thuật số đã ảnh hưởng đến khả năng kinh tế và sự đa dạng của các phương tiện truyền thông độc lập, vì quyền truy cập vào các phương tiện này phụ thuộc vào các nền tảng hỗ trợ, nhưng người dùng thường miễn cưỡng trả tiền cho các nhu cầu sử dụng những nền tảng này. Trong bối cảnh đại dịch, doanh thu của gần 90% các hãng truyền thông rơi vào tình trạng giảm sút. Theo Reuters, những thiệt hại đối với các phương tiện truyền thông độc lập đã lên tới 30 tỷ USD trên toàn cầu. Tương tự như nhà hát, bảo tàng và địa điểm biểu diễn nghệ thuật, các phương tiện truyền thông độc lập thường là những ngành kinh doanh yếu kém về tài chính và chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.
Bên cạnh đó, sự gia tăng ảnh hưởng của một số lượng nhỏ các trang truyền thông xã hội toàn cầu cũng làm dấy lên câu hỏi về tính minh bạch thông tin. Cho dù các trang này có thể không tạo ra nội dung, nhưng chúng có thể định hướng thông tin cho người đọc, chi phối người đọc nhìn thấy, đọc được, nghe được và chia sẻ những loại thông tin nào. Đối với phần lớn dân số trên thế giới, những nền tảng truyền thông xã hội là nguồn thông tin chi phối, cũng là nơi tiểm ẩn nhiều tin đồn và thuyết âm mưu. Một nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts cho thấy thông tin sai lệch có khả năng được chia sẻ cao hơn 70% so với thông tin đã được xác minh và lan truyền nhanh gấp 6 lần. Hiện không có sự rõ ràng trong các chính sách kiểm duyệt và thuật toán của các nền tảng này.
Do đó, việc đào tạo để mỗi cá nhân đều có khả năng phán đoán, đánh giá lượng thông tin tràn ngập là nhiệm vụ rất quan trọng. Khả năng tiếp cận thông tin là không đủ, người đọc cũng phải có kỹ năng đánh giá thông tin một cách nghiêm túc. Đây là một kỹ năng cần thiết cho hiện tại và tương lai. Trong lĩnh vực mới mẻ này, UNESCO hiện đang phát triển chương trình giảng dạy cho giáo viên, trang bị cho lực lượng này những công cụ và nguồn lực giáo dục cần thiết.
Trong ba mươi năm qua, công nghệ kỹ thuật số đã mở ra những chân trời mới cho tự do và tạo tiếng nói cho các phong trào giải phóng. Nhưng công nghệ cũng đã làm trầm trọng thêm các khía cạnh của nhiều vấn đề vốn đã tồn tại từ trước. Ví dụ như tình trạng quấy rối trực tuyến đang ghi nhận có xu hướng gia tăng, gây lo ngại về sự an toàn của nhà báo và đặc biệt là nhà báo nữ. Theo báo cáo của UNESCO, năm 2020 ghi nhận có tới 73% nữ nhà báo trên toàn thế giới cho biết đã từng là nạn nhân của bạo lực trực tuyến. 1/5 số nữ nhà báo đã bị hành hung. Điều này xảy ra cùng với các tội danh khác chống lại các nhà báo, mà 9/10 trường hợp không bị trừng phạt. Năm 2021 cũng không nằm ngoài quy luật: 17 nhà báo đã bị sát hại trên khắp thế giới kể từ tháng một, và số nạn nhân lên đến gần một trăm người tính từ khi đại dịch bắt đầu.
Trong khuôn khổ Hội nghị Tự do Báo chí Thế giới 2021 ở Windhoek, Namibia, do UNESCO và Chính phủ Namibia phối hợp tổ chức, các chuyên gia đã cùng nhau thảo luận những chủ đề như Tính minh bạch của phương tiện truyền thông kỹ thuật số, Sự an toàn của các nhà báo, Khả năng tồn tại của các phương tiện truyền thông và Sự phát triển của Tư duy phản biện.