24. Tác phẩm: Nét đẹp thời gian - Tác giả: Phạm Hà Châu
“Giữa bạt ngàn những background hiện đại, view triệu đô tại thủ đô, nhưng Tòa soạn báo Hà Nội Mới vẫn luôn là một địa điểm hot trong lòng nhiều bạn trẻ.
Tọa lạc trên đường Lê Thái Tổ, tòa soạn báo Hà Nội Mới nằm yên tĩnh qua bao năm như một chứng nhân lịch sử của nét đẹp văn hóa người Hà Nội những năm 80, nay lại thu hút rất nhiều bạn trẻ tìm đến để check-in. Không quá cầu kỳ, hay được trang hoàn hào nhoáng, lộng lẫy, tòa soạn báo Hà Nội Mới mang trong mình một nét rất thơ, rất Hà Nội, rất tình.
Tòa soạn báo Hà Nội Mới có lẽ là một trong rất ít các tòa nhà còn giữ nguyên được nét độc đáo của phong cách kiến trúc kiểu Pháp cũ giữa thời buổi hiện đại ở đất Kinh Kỳ. Giữa nhịp sống hiện đại, nơi những tòa nhà chọc trời chen nhau mọc lên, dường như chẳng gì có thể xâm phạm và phá đi dáng vẻ cổ xưa đã đóng rễ. Nét cũ kỹ của nghìn năm rêu phong ấy là điều tuyệt diệu giữa cuộc sống này. Đến độ, phố thị có nhộn nhịp và tấp nập, xô bồ hay nhốn nháo, lòng người vẫn cảm thấy yên bình đến lạ.”
25. Tác phẩm: Mưa - Tác giả: Ngô Ngọc Hà
“Bức ảnh được chụp ở ngã giao đường Nguyễn Khánh Toàn và Nguyễn Văn Huyên, sau một buổi trời mưa.”
26. Tác phẩm: Dưới tán cây đại thụ - Tác giả: Tạ Khánh Linh
“Cây, tôi nhớ ngày Hà Nội còn rợp bóng cây của 10 năm về trước. Tôi nhớ cái cảm giác mà con đường Quang Trung, Hà Đông vẫn còn giống như Phan Đình Phùng, nhớ khoảnh khắc từng tia nắng xuyên qua kẽ lá, chiếu xuống mặt đường, lúc ấy tôi cảm giác được Hà Nội ôm lấy, được Hà Nội chở che. Bức ảnh này chỉ là cảm giác của một con bé đứng ngẩn ngơ dưới tán lá rất to của một cây đại thụ. Lâu rồi tôi chẳng còn nhớ đây là đâu và lí sao tôi lại chụp bức ảnh này nhưng có lẽ vì để bây giờ tôi ngồi nhìn lại và ghen tị. Tôi ghen tị với bản thân ngày xưa, cái ngày mà Hà Nội, ở mọi nơi chứ chẳng riêng gì trên phố, xanh rờn. Hà Nội bây giờ có cầu trên cao, có tàu trên cao và không còn xanh như Hà Nội ngày xưa trong tôi nữa, nhưng cái cảm giác được những tán xanh bao bọc, được cây Hà Nội, những cái cây mà “Người trồng cây cầm súng ra đi” để cây ở lại che Hà Nội bình yên qua giông bão, ôm lấy trong những ngày hè oi ả thì vẫn còn. Chỉ cần bạn chấp nhận sống chậm lại, tìm một bóng cây yên ả và ngồi xuống. Ngước lên trên, đổi góc nhìn và bạn sẽ thấy một Hà Nội khác.”
27. Tác phẩm: Hanoi Blue - Tác giả: Nguyễn Khánh Hồng
“Câu chuyện tôi muốn kể có liên quan đến bầu trời Hà Nội trong con mắt mình. Là một sinh viên năm nhất, những ngày mới xuống Hà Nội, trước mắt và cả trong tim hoàn toàn là cảm giác bụi bặm, ngột ngạt khó tả. Khi ấy, tôi thực sự rất ghét Hà Nội. Tôi thích những bầu trời, những khoảng bình dị như ở nơi mình sinh ra. Nhưng sau này, trong vài thoáng chốc tôi đã phát phát hiện, hóa ra Hà Nội đôi khi cũng có những bầu trời xinh đẹp.Mong rằng sắp tới và mai sau này, mỗi lần nhìn lên bầu trời Hà Nội, sẽ đều đẹp và chữa lành như thế.”
28. Tác phẩm: Lặng - Tác giả: Nguyễn Quốc An
“Đến dưới chân cầu Long Biên, nơi trái ngược với cuộc sống chật chội của nội đô, tiếng nói to gào lên như muốn nổ phổi của những người dân nơi đây khi đang đánh cá thật sự đã khơi dậy phần kí ức sâu thẳm của tôi về quê nhà.
“Người Hà Nội thanh lịch mà nho nhã lắm, ấy là người ta nói thế, chứ mày nhìn chú có thanh lịch tí nào đâu!” - ông ấy vừa neo cái thuyền nhỏ lại, vừa nói với tôi. Ngồi trên đống đất có chút ướt quanh sông Hồng, tôi với ông chú nói chuyện trên trời dưới đất, tôi khá thích cái cách mà con người Hà Nội kể về nơi họ sống. Ông ý kể về cái cầu Long Biên: “Có thể nó rỉ, nó xấu đi rồi nhưng nó đứng đấy được gần hơn trăm năm rồi. Chứng nhân lịch sử cả đấy! Cái cầu Long Biên tao thấy có khi còn Hà Nội hơn cả tao, âm thầm nhỏ nhẹ mà đồng hành cùng với cái Thủ đô này.”
Ông ta nói thế, chứ tôi thấy ổng vẫn đậm chất Hà Nội lắm. Cái thanh lịch của người Tràng An là không màu mè phô trương, giản dị. Có chăng là cuộc sống vất vả đã làm mất đi cái vẻ từ tốn vốn có của ông khi làm việc mà thôi.”
29. Tác phẩm: Hồ Trúc Bạch - Tác giả: Trần Ngọc Trà My
Quay về với khu vực nội thành Hà Nội, bức ảnh này được chụp vào cuối mùa thu năm nay. Đứng từ tầng cao nhất trong khu căn hộ trên phố Trấn Vũ, khung cảnh yên tĩnh và có phần “vắng vẻ” này khiến em không khỏi cảm thấy kì lạ. Khu căn hộ này chủ yếu là cho người nước ngoài thuê. Em có hỏi một người quen của em, bác ấy đến từ Canada, rằng liệu bác ấy có cảm thấy Hà Nội quá xô bồ và đông đúc không? Bác ấy đã trả lời rằng: “Ồ không, khung cảnh này khiến tôi cảm thấy như tôi đang sống một cuộc đời năng động hơn nhiều. Đặc biệt là khi tôi sống ở giữa khu vực có đến hai hồ đẹp nhất Hà Nội nữa chứ!’’ Điểm đặc biệt của Hà Nội trong mắt người dân và cả du khách là vừa có sự sôi động, tấp nập của một thành phố lớn, nhưng lại có những khoảnh khắc yên bình giữa cuộc sống xô bồ mà chỉ khi tĩnh lại thì người ta mới có thể nhận ra.”
30. Tác phẩm: Họa - Tác giả: Đỗ Tiến Dũng
“Hà Nội đẹp như tranh vẽ và nắng vàng như tô điểm cho nước sơn dầu của những mảng tường cổ kính. Và nếu nhìn tổng thể, Hà Nội như một bức tranh sơn mài nhiều màu sắc, đa chất liệu và những ngôi nhà cổ như những mảng hình bằng vàng ròng được người nghệ sĩ trân trọng điểm xuyết.”
31. Tác phẩm: Hà Nội, chạy - Tác giả: Tạ Khánh Linh
“Hồ Gươm, Hàm Cá Mập, kem Tràng Tiền, có vài thứ mà tôi nghĩ đến khi nói về phố cổ Hà Nội nhưng nó thiếu, tôi biết là nó còn thiếu nhiều lắm với một “người Hà Nội”, một người sinh ra và lớn lên ở cái đất Hà Thành này 18 năm như tôi. Nhưng biết sao được, tôi chẳng bao giờ lên phố vào những ngày bình thường bận rộn với đống deadline, với tắc đường ở Ngã Tư Sở, ở Chùa Láng hay Trần Duy Hưng nên tôi chỉ dành thời gian với “Hà Nội băm sáu phố phường” vào những ngày cuối tuần khi mà người ta mở “Phố đi bộ”. Có lẽ vì thế mà khoảnh khắc tôi đi cùng anh, đứng phía trên, nhìn qua cái máy và ấn chụp khung cảnh này thì nó lạ lắm… Hà Nội của tôi (tôi vẫn hay tự ảo tưởng như vậy) hình như khác rồi, Hà Nội phát triển nhanh lắm, cũng nhộn nhịp lắm, nhộn nhịp chính từ những nơi đáng nhẽ sẽ phải ngủ yên nhất vào lúc đêm khuya. 30 giây đếm ngược, tôi lặng yên ở đó, với anh và rồi tôi nghĩ, thời gian thực sự trôi nhanh đến thế sao? Liệu rằng Hà Nội phát triển nhanh như thế là theo lẽ tự nhiên hay là do tôi dừng lại, dừng trong mớ công việc bộn bề, dừng lại với những kỷ niệm cũ mèm về Hà Nội khi tôi ngồi sau lưng bố trên con xe Spacy cũ để đến đây lần đầu và đi về khi ngủ gục trên vai mẹ mà chẳng biết…”
32. Tác phẩm: Nước rối - Tác giả: Trương Vũ Hải