Thực trạng đáng buồn ở Peru
Giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc giúp xã hội có nhiều bước tiến to lớn, và phụ nữ, trẻ em gái được trao quyền thông qua giáo dục là tác nhân thay đổi mạnh mẽ nhất. Ngày nay, chúng ta có thể khẳng định rằng nhờ những hành động đổi mới chống lại làn sóng phân biệt đối xử, đã có những tiến bộ đáng kể trong việc đưa quan điểm giới vào giáo dục trên quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, Peru vẫn còn một chặng đường dài phía trước để đảm bảo phụ nữ được tiếp cận với nền giáo dục chất lượng.
Theo số liệu của Viện Thống kê và Tin học Quốc gia năm 2021, 24,1% phụ nữ Peru trong độ tuổi từ 25 đến 29 không hoàn thành giáo dục trung học, trong khi nam giới là 19,9%. Ngoài ra, khoảng cách giới trong tỷ lệ mù chữ cũng rất cao; 8,3% phụ nữ trên 15 tuổi được cho là mù chữ, cao gần gấp ba lần so với nam giới (2,9%). Những con số nói lên phụ nữ và trẻ em gái ở Peru đang gặp khó khăn trong việc phát triển học tập, nghề nghiệp ngay từ khi còn nhỏ.
Thay đổi từ góc nhìn văn hóa
Bất bình đẳng giới cũng tồn tại trong lĩnh vực văn hóa. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, trong lĩnh vực nghệ thuật, vui chơi và giải trí, chỉ có 31% nữ làm lãnh đạo, quản lý. Tại Peru, nam giới làm việc trong lĩnh vực văn hóa cao hơn 20% so với nữ giới (Theo Bộ Văn hóa, 2022). Nói cách khác, một trong những thách thức phức tạp nhất mà đất nước phải đối mặt là trao quyền cho phụ nữ trẻ trong lĩnh vực văn hóa thông qua giáo dục đại học.
Trao cơ hội cho phụ nữ bằng học bổng
Để đối phó với tình hình này, UNESCO Peru đã hợp tác với Bảo tàng Nghệ thuật Lima và Đại học Antonio Ruiz de Montoya cung cấp Học bổng Quản lý Văn hóa. Từ năm 2020, chương trình này đã cung cấp các cơ hội đào tạo miễn phí về quản lý văn hóa cho phụ nữ làm việc trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Cho đến nay, có năm đợt học bổng, mang lại lợi ích cho 17 nhân viên văn hóa và nghệ thuật ở tám tỉnh của Peru.
Học bổng nhằm khuyến khích, khen ngợi các nhà quản lý văn hóa nữ để thúc đẩy công việc của họ trong khu vực. Hơn nữa, chương trình cũng tập trung vào việc mở ra cơ hội cho những phụ nữ cần được bảo vệ đặc biệt hoặc những người thuộc nhóm thiểu số; sống ở các cộng đồng nông thôn; vùng sâu vùng xa chịu gánh nặng công việc và trách nhiệm chăm sóc gia đình.
Các hoạt động, kiến thức thu được từ Học bổng Nhà quản lý Văn hóa giúp phụ nữ hiểu biết về văn hóa nơi họ đang sinh sống và hơn nữa giúp họ có cơ hội làm những công việc phù hợp, xứng đáng. Mặt khác, phụ nữ đến từ nhiều vùng miền cùng đa dạng bản sắc dân tộc góp phần bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể. Giúp nâng cao nhận thức của phụ nữ về giá trị của di sản và thôi thúc niềm tự tôn dân tộc.
Những người nhận được học bổng chia sẻ họ đã được mang đến cơ hội phát triển trong môi trường làm việc, nghề nghiệp mới.
Bà Judith C. đến từ Amazonas đã giành được Giải khuyến khích kinh tế cho văn hóa của Bộ Văn hóa với dự án Bảo tồn văn hóa và truyền thống vùng đất của tôi. Bà chia sẻ, giành được giải thưởng từ Học bổng Quản lý Văn hóa đã mang đến cho bà cơ hội tiếp thu kiến thức học thuật, được đào tạo thành nhà quản lý văn hóa. Điều này đã mở ra nhiều cơ hội làm việc tại quê hương, được tham gia dự án văn hóa, trang bị các công cụ cần thiết cho công việc.
Tương tự, bà Liz D., đến từ tỉnh Ucayali, Peru, giành học bổng với dự án Ainbo, những nghệ sĩ nữ sáng tạo. Bà Liz D nói: "Việc sống xa thủ đô Lima khiến tôi gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận các chương trình đào tạo văn hóa. Học bổng khiến tôi coi trọng công việc hơn và tin tưởng vào khả năng của mình.”
Bà Violeta Q. ở tỉnh Ayacucho, Peru, đã chiến thắng trong Cuộc thi Nghệ thuật 200 năm và lọt vào chung kết Cuộc thi Vẽ tranh Quốc gia của Ngân hàng Dự trữ Trung ương Peru, chia sẻ: "Nhờ có học bổng mà tôi yêu thích công việc của mình hơn. Tôi tin rằng quản lý văn hóa là không thể thiếu cho sự phát triển toàn diện của xã hội. Tôi cũng hiểu được tầm quan trọng của việc chăm chỉ học tập và thường xuyên ôn tập.”
Mặc dù vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết để phá bỏ các rào cản tiếp cận và bình đẳng, nhưng UNESCO sẽ tiếp tục nỗ lực để hướng tới một xã hội khuyến khích sự đa dạng, không có bạo lực, không có phân biệt đối xử với phụ nữ./.