Ngày 6/2/2023, bà Audrey Zoulay- Tổng giám đốc UNESCO chia sẻ: “Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình, những người thân yêu của nạn nhân thiệt mạng, bị thương và chịu ảnh hưởng do vụ động đất. Tổ chức của chúng tôi sẽ cung cấp hỗ trợ hết sức trong khả năng của mình.”
Tại Syria, UNESCO đặc biệt quan tâm đến tình hình Thành phố cổ Aleppo (Tây Bắc Syria), đang nằm trong Danh sách Di sản Thế giới bị đe dọa. Thành phố cổ Aleppo, trung tâm lịch sử của thành phố Aleppo vốn đã gặp nguy hiểm do nội chiến (năm 2013), nay lại bị hư hại nghiêm trọng do động đất.
Trước cuộc nội chiến, nhiều khu vực của thành phố cổ Aleppo về cơ bản vẫn giữ nguyên hiện trạng kể từ khi được xây dựng từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 16. Do các cuộc xâm lược liên tục và bất ổn chính trị kéo dài, cư dân của thành phố phải xây dựng các khu nhà ở dạng tổ ong để tăng tính kiên cố cho mọi công trình. Mỗi khu vực dân cư có những nét văn hóa, tôn giáo đặc trưng riêng biệt.
Vẻ đẹp của Thành phố cổ Aleppo trước khi thảm họa ập đến. |
Thành phố cổ Aleppo được bao quanh bởi các bức tường và các khu nhà ở cũ giống như dạng tổ ong, có diện tích xấp xỉ 350 hécta (khoảng 3,5 km2), là nơi sinh sống của 120.000 cư dân. Đặc trưng bởi những khu nhà lớn, những con hẻm chật hẹp, những khu chợ Hồi giáo được bao bọc, những quán trọ lữ hành cổ với khoảng sân rộng, thành phố cổ Aleppo được UNESCO công nhận là Di sản thế giới từ năm 1986.
Toàn cảnh thành phố cổ Aleppo từ trên cao - trước trận động đất |
Trong một thông cáo báo chí, UNESCO cho biết: "Thiệt hại đáng kể đã được ghi nhận trong thành [Thành phố cổ Aleppo]. Tháp phía Tây của bức tường thành cũ đã sụp đổ và một số tòa nhà trong khu chợ đã bị hư hại nghiêm trọng".
Khung cảnh hoang tàn của thành phố cổ Aleppo sau trận động đất ngày 6/2/2023. |
Theo một bài đăng trên trang Facebook của Tổng cục Cổ vật và Bảo tàng Syria, tòa thành hứng chịu rất nhiều thiệt hại, trong đó các bộ phận của nhà Ottoman bị đổ, nứt. Phần lớn mái vòm của ngọn hải đăng tại Nhà thờ Hồi giáo Ayubi cũng bị hư hại, các lối vào lâu đài bị lấp kín.
Thành phố cổ Aleppo đã bị hư hại nghiêm trọng trong cuộc nội chiến, nhưng sau khi tái thiết, nó đã mở cửa trở lại vào năm 2018. Tổng cục Cổ vật và Bảo tàng Syria cho biết các hiện vật bên trong Bảo tàng Quốc gia ở Aleppo đã bị hư hại trong trận động đất hôm thứ 6/2/2023.
Ngoài ra, lâu đài Al-Marqab, một pháo đài của quân Thập tự chinh gần thành phố Baniyas, ở Tây Bắc Syria, cũng bị thiệt hại, một trong những tháp tròn đã sụp đổ.
Tổng cục Cổ vật và Bảo tàng cho biết, động đất cũng làm đổ vách đá ở khu vực lân cận Lâu đài Qadous và hư hỏng một số tòa nhà dân cư nằm trong khuôn viên của lâu đài.
Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, hai trận động đất mạnh hôm 6/2 đã tàn phá khắp miền Nam đất nước này. Trong đó, thành phố Antakya chính là nơi hứng chịu sự hủy hoại nặng nề nhất. Những nhà thờ cổ kính, giáo đường Hồi giáo hàng nghìn năm, dãy phố cổ bên dòng sông Orentes… đều bị đổ sập và vùi lấp trong đống đổ nát. Một thành phố văn minh với gần 400.00 con người sinh sống, nay chỉ còn lại đất, đá và sự hoang tàn.
Thành phố cổ xinh đẹp Antakya - Thổ Nhĩ Kỳ |
Hiện trường động đất ở Antakya, Thổ Nhĩ Kỳ |
Vụ động đất cũng gây ra sự sụp đổ của một số tòa nhà ở thành phố Diyarbakır, nơi có Di sản Thế giới Pháo đài Diyarbakır và Các vườn Hevsel. Diyarbakir vốn là một trung tâm văn hóa và kinh tế quan trọng thời kỳ La Mã, Sassanid, Byzantine, Hồi giáo và Ottoman.
Pháo đài Diyarbakır lịch sử nằm ở huyện Sur, thành phố Diyarbakır, được cấu thành bởi hai thành lũy phía ngoài và trong. Quần thể pháo đài được xây dựng khoảng 9.000 năm trước, là những bức tường phòng thủ dài và rộng thứ hai trên thế giới (chỉ sau Vạn Lý Trường Thành).
Diyarbakir – Pháo đài có tường thành dài thứ 2 thế giới chỉ sau Vạn Lý Trường Thành. |
Các vườn Hevsel là khu vực bao gồm 700 ha đất đai màu mỡ gần sông Tigris, nằm giữa pháo đài Diyarbakır và bờ sông. Đây là khu vực quan trọng, nguồn cung cấp thực phẩm và khu vực dẫn nước sinh hoạt từ sông Tigris cho pháo đài Diyarbakır.
Năm 2015, pháo đài Diyarbakır và Các vườn Hevsel chính thức được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Hai di sản thế giới này cũng chịu hư hỏng trong vụ động đất hôm 6/2.
Một công trình khác bị phá hủy ở Thổ Nhĩ Kỳ là Lâu đài Gaziantep, địa danh lịch sử 2.000 năm tuổi, nằm cách tâm chấn của trận động đất 33,3 km. Lâu đài được xây dựng vào thế kỷ thứ hai và thứ ba sau Công nguyên trong thời kỳ La Mã, được chuyển giao cho người Byzantine sau khi Đế chế La Mã bị chia cắt. Dưới thời Hoàng đế Justinian I, pháo đài được mở rộng và cải tạo, đồng thời xây dựng các phòng trưng bày dưới lòng đất để chống lại quân xâm lược. Ngày nay, lâu đài là nơi tọa lạc của Bảo tàng Toàn cảnh Chủ nghĩa Anh hùng và Phòng thủ Gaziantep, thu hút một lượng lớn du khách tham quan hàng năm.
Lâu đài Gazitep khi chưa hư hỏng |
Lâu đài Gazitep sau vụ động đất kinh hoàng |
Hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu đưa tin, một số pháo đài ở phía Đông, Nam và Đông Nam của Lâu đài Gaziantep đã bị phá hủy bởi trận động đất, các mảnh vỡ nằm rải rác trên đường. Các lan can sắt xung quanh lâu đài nằm rải rác trên vỉa hè. Bức tường chắn bên cạnh lâu đài cũng bị sập. Ở một số pháo đài, người ta quan sát thấy các vết nứt lớn, cho thấy các cấu trúc còn lại dễ bị hư hại thêm.
Truyền thông địa phương cũng đưa tin, Nhà thờ Hồi giáo Şirvani có từ thế kỷ 17 đang bị hư hại nghiêm trọng do mái vòm và bức tường phía đông bị sụp đổ. Theo BBC, một trung tâm mua sắm ở thành phố Diyarbakir cũng đã bị lật đổ.
UNESCO đang đánh giá mức độ thiệt hại đối với các Di sản Thế giới từ xa, nhưng các quan chức đã sẵn sàng để bắt tay vào việc. Các lâu đài từ thời Thập tự chinh, một pháo đài từng là nơi trú ngụ của người La Mã và Ottoman… đều nằm trong số những đống đổ nát của thảm họa. Khi các đội tiếp cận các địa điểm, mục tiêu sẽ là xây dựng lại chúng cho các thế hệ tương lai theo cách tôn vinh hiện tại và quá khứ.
Krista Pikkat, giám đốc văn hóa và các trường hợp khẩn cấp tại UNESCO, cho biết UNESCO hỗ trợ công việc cải tạo và tái thiết cần thiết, đồng thời nỗ lực xây dựng lại di sản văn hóa phi vật thể. Bà nói, chúng ta không chỉ cần xây dựng lại các tòa nhà mà còn cần mang xã hội con người trở về, bởi vì không có họ, sẽ không có sự tiếp nối của đời sống văn hóa. Đây là cội nguồn của họ, họ cần tìm và nhận ra mình trong di sản này.
UNESCO đang huy động các chuyên gia, kết hợp với các đối tác của mình như Hội đồng Di tích và Di chỉ Quốc tế (International Council on Monuments and Sites - ICOMOS), thiết lập một bản kiểm kê chính xác về thiệt hại, để hợp tác với chính quyền quốc gia bảo vệ, phục dựng, đồng thời nhận thức được ưu tiên của họ ở giai đoạn này là thiên tai khẩn cấp, cứu hộ, cứu nạn. UNESCO có Quỹ Khẩn cấp Di sản cho mục đích này, một nguồn tài nguyên được tập hợp thông qua sự đóng góp của các quốc gia thành viên. Cơ quan này cũng giúp xác định các nhu cầu dài hạn, xây dựng ngân sách cho các địa điểm cần gây quỹ.