Là một phần trong nỗ lực vận động cộng đồng di sản tư liệu chống lại đại dịch, thông qua Chương trình Ký ức thế giới (MoW), UNESCO đã tạo ra một trang web lưu trữ tư liệu từ các quốc gia thành viên, tổ chức bộ nhớ và người dân để đảm bảo rằng tất cả các hồ sơ chính thức liên quan đến cuộc khủng hoảng COVID-19 đều được lưu giữ hiệu quả và sẵn sàng cho công chúng tiếp cận.
Trang web sẽ được cập nhật thường xuyên, cũng có các video từ các đối tác của UNESCO mô tả các nỗ lực tổ chức của họ để giảm thiểu tác động của COVID-19 đối với các tổ chức bộ nhớ cũng như với công chúng nói chung.
Liên đoàn Quốc tế các Hội và Cơ quan Thư viện (IFLA), Hội đồng bảo tàng quốc tế (ICOM), Trung tâm Quốc tế về Nghiên cứu bảo tồn và Phục hồi di sản văn hóa (ICCROM) và Hội đồng điều phối của Hiệp hội lưu trữ nghe nhìn (CCAAA), cùng với Ủy ban khu vực châu Phi của MoW (ARCMOW), Châu Á Thái Bình Dương (MOWCAP) và Mỹ Latinh và Caribbean (MOWLAC), tất cả đều đồng ký tuyên bố trên.
Tổng kết về tuyên bố chung, ông Moez Chakchouk, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO, lãnh đạo ngành Truyền thông và Thông tin, cho biết: "Các tổ chức bộ nhớ trên toàn thế giới đã chứng tỏ nỗ lực của họ trong việc giải quyết khủng hoảng này. Họ đã và đang tiếp tục phục vụ công chúng theo những cách sáng tạo, tận dụng các công nghệ kỹ thuật số để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về sức khỏe, giáo dục và các loại hình thông tin khác."
Khi cuộc khủng hoảng toàn cầu tương tự xảy ra, các cơ quan lưu trữ tư liệu, thư viện, bảo tàng và các tổ chức bộ nhớ khác đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp các thế hệ tương lai hiểu được mức độ của đại dịch và tác động của nó đối với xã hội. Hiện tại, họ đang nỗ lực để cung cấp các nguồn lực vô giá giúp mọi người, bao gồm các nhà khoa học và các nhà hoạch định chính sách, có một quan điểm lịch sử về cách thức các đại dịch đã được giải quyết trong quá khứ.
Chương trình Ký ức thế giới MOW được UNESCO khởi xướng vào năm 1992, xuất phát từ nhu cầu ngày càng tăng về việc bảo tồn và tiếp cận những di sản tài liệu quý hiếm có nguy cơ bị xâm hại và mai một trên thế giới. Chương trình ra đời nhằm ghi nhận những di sản tài liệu có giá trị, mang tầm quan trọng cấp quốc tế, khu vực và quốc gia, đồng thời hướng sự chú ý của nhân loại tới việc gìn giữ các di sản này và tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn và tiếp cận chúng.