Bà Audrey Azoulay, Tổng giám đốc UNESCO chia sẻ: "Đến nay, chúng ta biết về bề mặt của mặt trăng còn rõ hơn về đại dương sâu thẳm. Chỉ 20% diện tích đáy biển đã được lập bản đồ. Khám phá đáng chú ý này ở Tahiti chứng tỏ công trình đáng kinh ngạc của các nhà khoa học, với sự hỗ trợ của UNESCO, đã giúp nâng cao tầm hiểu biết của nhân loại về những gì nằm dưới đáy đại dương."
Phát hiện rất bất thường
Rạn san hô nằm ở độ sâu từ 30 đến 65 mét, có chiều dài khoảng 3km và rộng từ 30m đến 60/65 mét, khiến rạn san hô này trở thành một trong những rạn san hô khỏe mạnh rộng lớn nhất được ghi nhận. Những tảng san hô khổng lồ hình hoa hồng có đường kính lên tới 2m.
Điều này rất bất thường vì cho đến nay, phần lớn các rạn san hô được biết đến trên thế giới nằm ở độ sâu lên đến 25m. Vì vậy, khám phá này gợi ý rằng có rất nhiều rạn san hô lớn hơn ngoài kia, ở độ sâu hơn 30 mét, ở nơi được gọi là "vùng hoàng hôn" của đại dương, nơi chúng ta còn chưa biết gì nhiều về nó.
Alexis Rosenfeld, nhiếp ảnh gia người Pháp và người sáng lập chiến dịch "1 Ocean" (một đại dương), hào hứng: "Thật kỳ diệu khi chứng kiến những san hô hồng khổng lồ, tuyệt đẹp trải dài ngút ngàn tầm mắt. Tựa như đang thưởng lãm một tác phẩm nghệ thuật."
Một bước tiến của khoa học
Chuyến thám hiểm này là một phần trong cách tiếp cận toàn cầu của UNESCO trong việc lập bản đồ đại dương. Các rạn san hô là nguồn thức ăn quan trọng cho các sinh vật khác, vì vậy việc xác định vị trí của chúng có thể hỗ trợ nghiên cứu về đa dạng sinh học. Các sinh vật sống trên các rạn san hô có thể quan trọng đối với việc nghiên cứu y học, cũng có thể bảo vệ khỏi xói mòn bờ biển và thậm chí cả sóng thần.
Tiến sĩ Laetitia Hedouin, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia của Pháp (CNRS) nhận định: "Đảo Polynesia thuộc Pháp đã phải chịu một sự kiện tẩy trắng lớn vào năm 2019, tuy nhiên rạn san hô này dường như không bị ảnh hưởng đáng kể. Việc phát hiện ra rạn san hô này trong tình trạng nguyên sơ như vậy là một tin tốt và có thể truyền cảm hứng cho việc bảo tồn trong tương lai. Chúng tôi nghĩ rằng các rạn san hô sâu hơn có thể được bảo vệ tốt hơn khỏi sự nóng lên toàn cầu."
Cho đến nay rất ít nhà khoa học có thể xác định vị trí, điều tra và nghiên cứu các rạn san hô ở độ sâu trên 30m. Tuy nhiên, phát triển công nghệ hiện tại có thể giúp chúng ta lặn lâu hơn, đến những độ sâu tương tự. Tổng cộng, nhóm đã thực hiện các cuộc lặn tổng cộng khoảng 200 giờ để nghiên cứu rạn san hô và có thể chứng kiến san hô sinh sản. Các cuộc lặn sâu hơn nữa được lên kế hoạch trong những tháng tới để tiếp tục điều tra xung quanh rạn san hô.
Hành động vì đại dương của UNESCO
UNESCO là cơ quan của LHQ phụ trách nghiên cứu về đại dương. Ủy ban Hải dương học Liên chính phủ (IOC) của UNESCO được thành lập năm 1960 và có sự tham gia của 150 quốc gia, có nhiệm vụ điều phối các chương trình toàn cầu như lập bản đồ đại dương và hệ thống cảnh báo sóng thần, cũng như nhiều dự án nghiên cứu khoa học. Cơ quan này cũng là đơn vị thực thi các hành động bảo vệ đại dương, thông qua 232 khu dự trữ sinh quyển biển và 50 di sản biển có giá trị phổ quát nổi bật. UNESCO dẫn đầu Thập kỷ Khoa học Đại dương vì Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc, từ năm 2021 đến năm 2030, với kế hoạch tổ chức một số hội nghị cấp cao quốc tế lớn trong năm nay.
Chiến dịch “1 Ocean"
Chiến dịch này được dẫn đầu bởi nhiếp ảnh gia thám hiểm Alexis Rosenfeld, hợp tác với UNESCO cho Thập kỷ Khoa học Đại dương vì sự Phát triển Bền vững. Mỗi năm, cho đến năm 2030, các cuộc thám hiểm sẽ được thực hiện trên khắp đại dương để tìm hiểu về những tài nguyên, di sản đáng giá của đại dương đối với nhân loại, những mối đe dọa mà đại dương hiện phải đối mặt, cũng như các giải pháp có thể thực hiện.