Từ ngày đầu tiên của cuộc chiến, UNESCO đã nhất quán kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế, bảo vệ các nhà báo, chuyên gia truyền thông và thường dân trong khu vực xung đột, đề nghị các bên kiềm chế mọi cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc tại Ukraine. Tổ chức cũng đã theo dõi mọi cuộc tấn công nhằm vào các nhà báo và thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng báo chí, liên tục lên án một cách có hệ thống vụ giết hại ít nhất 4 nhà báo và làm bị thương một số người khác.
Bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO phát biểu: "Mỗi ngày, các nhà báo và nhân viên truyền thông đang mạo hiểm mạng sống của mình ở Ukraine để cung cấp thông tin cứu sống người dân địa phương và thông báo cho thế giới về thực tế của cuộc chiến này. Chúng tôi quyết tâm hỗ trợ và bảo vệ họ bằng mọi cách có thể. UNESCO kiên quyết cam kết thực hiện điều này ngay từ đầu cuộc khủng hoảng, với sự hợp tác chặt chẽ của các đối tác quốc tế và các chuyên gia địa phương."
UNESCO thường xuyên liên lạc với các hiệp hội nhà báo địa phương, các tổ chức phi chính phủ quốc tế và các nền tảng trực tuyến để xác định nhu cầu, cung cấp tư vấn kỹ thuật và làm việc về các biện pháp can thiệp khẩn cấp.
Cung cấp thiết bị bảo hộ
Hàng nghìn nhà báo đang đưa tin từ mặt đất ở Ukraine, nhiều người trong số đó không có thiết bị bảo hộ hoặc nhận được đào tạo cần thiết trong trường hợp xung đột vũ trang, đặc biệt bao gồm các nhà báo địa phương Ukraine, những người trước đây chỉ đưa tin về các vấn đề địa phương, nay đã được đẩy vào vai trò phóng viên chiến trường. Họ vỗn không được chuẩn bị cho những rủi ro mà bản thân phải đối mặt.
UNESCO đang cung cấp cho họ một lô ban đầu gồm 125 bộ Thiết bị Bảo vệ Cá nhân (PPE), bao gồm áo chống đạn và mũ bảo hộ.
Bà Audrey Azoulay nhấn mạnh: "Các cuộc tấn công vào các nhà báo trong chiến tranh [trước đây] đã cho thấy, việc trang bị Thiết bị Bảo vệ Cá nhân (PPE) chất lượng cao có thể cứu sống được [các nhà báo]. Đó là lý do tại sao UNESCO đang làm việc với các đối tác của mình để giảm thiểu số lượng các nhà báo hoạt động mà không có thiết bị quan trọng này."
Thứ ba 15/3, Tổng Giám đốc UNESCO đã kêu gọi các Quốc gia thành viên của UNESCO hỗ trợ nỗ lực này và cung cấp các nguồn tài chính để khuếch đại sáng kiến.
Huấn luyện phóng viên tác nghiệp an toàn trong vùng chiến sự
UNESCO và RSF đang phối hợp dịch tài liệu tập huấn sang tiếng Ukraine và phát hành bằng nhiều ngôn ngữ khác nhằm cung cấp cẩm nang đào tạo cho các nhà báo về môi trường thù địch.
Ngoài sổ tay hướng dẫn này, UNESCO còn tổ chức các khóa học trực tuyến về Môi trường thù địch và Đào tạo Sơ cứu (HEFAT) cũng như chấn thương tâm lý liên quan đến hoạt động trong khu vực xung đột, với sự hợp tác của IFJ và RSF. UNESCO cũng sẽ hỗ trợ các nỗ lực thiết lập chương trình đào tạo trực tiếp, đặc biệt là tại trung tâm Tự do Báo chí ở L’viv.
Hơn nữa, UNESCO đang cung cấp kinh phí để các chuyên gia được đào tạo có thể sẵn sàng phục vụ 24 giờ một ngày thông qua đường dây nóng chuyên dụng do Liên minh Nhà báo Quốc gia Ukraine thiết lập, nơi các nhà báo có thể gọi nếu họ cần hỗ trợ sơ tán khỏi vùng nguy hiểm.
Giúp đỡ các công đoàn báo chí Ukraine bị di dời
UNESCO đang làm việc với Liên đoàn Nhà báo Quốc tế để chuyển các văn phòng của hai liên đoàn nhà báo Ukraine đến Ba Lan, gần biên giới với Ukraine.
Việc chuyển địa điểm này sẽ đảm bảo rằng Liên minh Nhà báo Quốc gia Ukraine (NUJU), với hơn 4000 thành viên và Liên đoàn Truyền thông Độc lập Ukraine (IMTUU), với khoảng 2000 thành viên, có thể tiếp tục hỗ trợ thiết thực cho tất cả các nhà báo ở Ukraine và những người phải lánh nạn sang các nước láng giềng.