Trong khuôn khổ hội nghị, Thomson Reuters và UNESCO đã đưa ra một bộ cẩm nang hướng dẫn gồm hai tài liệu "Chính sách an toàn nhạy cảm giới cho các tòa soạn" và "Hướng dẫn thực hành cho các nhà báo nữ về Cách ứng phó với Quấy rối Trực tuyến", với sự phối hợp của tổ chức Truyền thông Phụ nữ Quốc tế. (Tải tài liệu tại đây - tiếng Anh)
Ông Antonio Zappulla, Giám đốc điều hành của Thomson Reuters Foundation, nhấn mạnh rằng mức độ quấy rối và lạm dụng nhắm đến các nữ ký giả đang ngày một gia tăng khắp toàn cầu. Trước tình hình trên, Trưởng ban Quyền tự do ngôn luận và An toàn của Nhà báo tại UNESCO, ông Guilherme Canela nhận định sự an toàn của các nhà báo nữ là mối quan tâm được ưu tiên của tổ chức.
Buổi ra mắt các ấn phẩm diễn ra trong phiên họp mang tên “Các nhà báo bị tấn công: Những mối đe dọa trực tuyến và nguy cơ hạn chế sự tham gia của phụ nữ vào lĩnh vực báo chí”, với sự góp mặt của một hội đồng chuyên gia quốc tế, bao gồm các nhà báo, học giả và các chuyên gia truyền thông.
Những ấn phẩm mới ra mắt được xem như công cụ dành cho các tòa soạn và các nhà báo nữ hiểu biết hơn về cách ngăn chặn và ứng phó với bạo lực và quấy rối, đặc biệt là trên không gian mạng, cũng như nâng cao nhận thức về nhạy cảm giới.
Các diễn giả đã cùng nhau thảo luận về tác động của bạo lực mạng đối với các nhà báo nữ, ảnh hưởng của hành vi này đến quyền tự do ngôn luận, cũng như các biện pháp mà mọi cơ quan báo chí chủ quản cần thực thi để bảo đảm an toàn và quyền lợi khi tác nghiệp cho đội ngũ nhân viên của mình.
Một phiên họp khác tập trung vào tự do truyền thông đã chứng kiến sự ra mắt của Mạng lưới pháp lý cho các nhà báo gặp rủi ro, một nỗ lực chung giữa Thomson Reuters Foundation, Ủy ban Bảo vệ Nhà báo và Sáng kiến Bảo vệ Pháp luật Truyền thông nhằm mở rộng sự phối hợp quốc tế về hỗ trợ pháp lý dành cho các nhà báo.