Nhiều người tiêu dùng cho rằng uống bia sẽ đỡ hại hơn uống rượu do nồng độ cồn trong rượu cao hơn ở bia. Thực tế, trung bình trong 100 ml rượu 40 độ chứa 400 g ethanol, 100 ml rượu vang có 12 g ethanol, 100 ml bia chứa 5 g ethanol. Như vậy nếu uống cùng một lượng bia hoặc rượu, thì bia nhẹ độ cồn hơn. Tuy nhiên, nhiều người thường uống một lúc quá nhiều bia. Cơ thể vì vậy cũng đào thải nhiều chất vi khoáng tốt.
Trong tài liệu Hỏi đáp về phòng, chống tác hại của rượu bia của Tổ chức Y tế thế giới WHO nhận định, quan niệm uống bia ít hại hơn rượu là hoàn toàn sai lầm. Tổ chức WHO cho rằng tác hại đối với sức khỏe chủ yếu là do chất cồn (ethanol) trong đồ uống gây ra.
“Vì vậy, tác hại do rượu bia không phụ thuộc vào loại đồ uống là bia hay rượu mà phụ thuộc vào lượng uống, tiêu thụ bao nhiêu gam cồn và cách thức uống, tức tần suất sử dụng hay uống ở mức nguy hại” - WHO khẳng định.
Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng cho biết thực tế không có ngưỡng an toàn đối với sức khỏe khi sử dụng rượu bia.
Điều này cũng được chứng minh một công trình khoa học nghiên cứu toàn diện để tìm ra ngưỡng an toàn đối với rượu được đăng tải trên tạp chí Lancet 2018, khi họ khẳng định rằng ngưỡng an toàn khi sử dụng đồ uống là zero, tức không có ngưỡng an toàn đối với sức khỏe khi sử dụng rượu bia.